Thấy gì từ hàng trăm cuốn sách cổ quý giá bị thất lạc?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cuối năm ngoái, thông tin về 25 cuốn sách cổ quý giá ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm bị thất lạc đã khiến nhiều người sửng sốt, tiếc nuối.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mới đây, Hội đồng kiểm kê của Viện lại cho biết số sách bị thiếu lên đến 121 cuốn (trong đó 11 cuốn nằm trong danh sách 25 cuốn thất lạc đã báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), 877 cuốn (chiếm 5% trong kho tư liệu Hán Nôm) bị hư hỏng nặng.

Thực trạng này thêm một lần nữa làm dấy lên nỗi lo ngại về công tác lưu trữ bảo quản kho tàng thư tịch cổ hiện nay ở nước ta.

Văn hóa là cội nguồn, là gốc rễ, là sức mạnh sâu xa của một dân tộc. Đây không phải lý thuyết. Đây chính là câu trả lời từ thực tiễn đời sống đất nước, qua hơn 30 năm tăng trưởng nóng về kinh tế. Và tất nhiên, để có trải nghiệm ấy, chúng ta đã phải trả giá rất nhiều.

Nhận thức là vậy. Song những mất mát về di sản văn hóa vẫn đang diễn ra, ở nhiều đơn vị, nhiều địa phương. Không chỉ các văn bản Hán Nôm đang chịu sức ép của thời gian, của thời tiết khí hậu vùng nhiệt đới, đó còn là các công trình di sản bị xâm hại hay được trùng tu không đúng cách; là các phong tục đẹp bị phai nhạt theo thời gian, là nghệ thuật dân gian, là lời ăn tiếng nói, là không gian sinh tồn…

Rất nhiều khía cạnh của đời sống văn hóa đang bị bào mòn, bị lãng quên, bị coi nhẹ, trước làn sóng xâm thực mạnh mẽ của văn minh vật chất hiện đại.

Quay trở lại với sự việc ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Những cuốn sách quý bị mất mát, thất lạc hay hư hỏng nặng là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với việc bảo quản, rà soát, lưu trữ tư liệu ở đơn vị này.

Các thư tịch cổ là niềm tự hào, là tài sản vô giá, cho thấy tri thức và văn hóa của cả một dân tộc - kho giá trị đã phải đổi bằng máu và nước mắt, qua bao thế kỷ dựng nước và giữ nước.

Một cuốn sách bị hư hại, bị thất lạc đã gây ra bao tiếc nuối. Huống chi con số ấy lại lên tới hàng trăm. Dư luận có quyền đặt câu hỏi rằng: Viện đã làm tốt công tác bảo quản, đã thực sự quan tâm và thường xuyên kiểm kê, kiểm tra các đầu sách hay chưa?

Số lượng đầu sách quá nhiều, kinh phí thiếu, nhân lực thiếu… có thể là những lý do để giải trình, biện minh hợp tình hợp lý. Nhưng, nếu chúng ta cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan thì có ngăn chặn được những mất mát vẫn đang âm thầm diễn ra?

Ở một thế giới mà tiện nghi vật chất chiếm ưu thế, lợi nhuận thường là điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến trong kinh doanh, trong ứng xử, trong các mối quan hệ công việc. Nhưng đừng quên lắng nghe tiếng nói thẳm sâu từ những di sản mỗi ngày một trầm mặc. Nếu đánh mất những di sản ấy, chúng ta còn lại gì trước thời gian?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...
Ảnh minh họa.

Cân nhắc khi học trung cấp y

GD&TĐ - Bộ Y tế thông báo không cấp giấy phép hành nghề đối với y sĩ trình độ trung cấp sau ngày 31/12/2026.