Việc xây dựng công viên văn hóa ở bãi bồi sông Hồng sẽ tác động vào “vùng cấm”, ẩn chứa nguy cơ cao khi có mưa lũ.
Lũ lớn sông Hồng có thể xảy ra bất cứ lúc nào
Ngày 16/3, Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm (Hà Nội) có buổi làm việc với Thường trực Quận ủy Long Biên (Hà Nội) về công tác quản lý, sử dụng và phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn hai quận.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, việc phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng của quận nhằm hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, quận sẽ khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Việc cải tạo bãi bồi, bãi giữa sông Hồng có tác động vào dòng chảy không? PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất – Khoáng sản, cho rằng đặc điểm của vùng đất ở ven sông, giữa sông, trong phạm vi hành lang lũ 100 năm là đất phù sa mới, chưa cố kết nên nhìn chung là yếu.
Khu vực này hàng năm có thể bị lũ, tần suất lặp lại của các trận lũ lớn lịch sử là 100 năm, song nó có thể xảy ra vào bất kỳ năm nào. Các nước trên thế giới đều thiết lập hành lang lũ 100 năm ở cả hai bên bờ sông. Trong hành lang đó không xây dựng các công trình kiên cố, chỉ trồng cây, làm vườn hoa.
Ở Việt Nam, các con sông lớn đều có đê và hành lang thoát lũ dự phòng khi lũ cao, lũ to, đê vỡ... Bên trong hành lang thoát lũ này không được xây cất công trình kiên cố, thậm chí là công trình tạm.
Nhưng hiện tại thì quy định này cũng đang ít nhiều bị xâm phạm. Nhiều người cho rằng, thượng nguồn đã có nhiều đập thủy điện chặn rồi nên hạ nguồn không có lũ, đây là nhận thức rất sai. Thiên tai không thể nói trước được.
Cùng quan điểm này, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết, tần suất lũ trên sông Hồng được tính toán là 500 năm mới xuất hiện một lần, tuy nhiên nó có thể xảy ra ngày mai hay bất cứ lúc nào. Không thể đứng quan sát hiện tại, thấy mực nước thấp như thế là cảm thấy an toàn để xây dựng các công trình, tác động vào lòng sông.
Hà Nội từng suýt ngập
GS Vũ Trọng Hồng cho biết, năm 1996 Hà Nội có mưa lũ, mực nước chỉ còn cách đỉnh đê 20cm. Dù trên thượng nguồn không có lũ, hồ chứa Hòa Bình không đầy nước mà chỉ mưa ở trung lưu và hạ lưu, nên ngập hết phía dưới và không ngăn được. Những hiện tượng thời tiết bất thường như thế thì không thể lường trước được.
“Do vậy, khi nghe nói Hà Nội định làm công viên ở bãi bồi trên sông Hồng, tôi không đồng tình. Nếu làm thế, khi có lũ rất nguy hiểm. Hà Nội sẽ phải đối mặt với nguy cơ ngập rất cao do sông Hồng không đảm bảo khả năng thoát lũ.
Những khu vực ở vị trí thấp như ga Hàng Cỏ, khu chợ Giời (Phố Huế) sẽ ngập đầu tiên. Thiên tai bây giờ rất bất thường. Sông Hồng có thể gây ngập ngay cả khi không có lũ từ thượng nguồn mà chỉ có mưa lớn”.
GS Hồng cho rằng nếu xây dựng các công trình ở lòng sông, vô tình sẽ ngăn dòng, nghẽn lại, gây ra xói lở hai bên bờ sông ở phía sau công trình. Đồng nghĩa Hà Nội sẽ xói lở ngày càng nghiêm trọng. Sông sẽ “ngoạm” vào hai bên bờ, về lâu dài các khu Tứ Liên, Tây Hồ… sẽ bị xói mòn mãi.
Do vậy, tất cả mọi quy hoạch đều tránh tác động (dù ít hay nhiều) đến lòng sông hay khu vực bãi bồi ven bờ. Việc quy hoạch cảnh quan là tốt, nhưng phải tôn trọng tự nhiên, đảm bảo vùng an toàn cho nội đô. Biến đổi khí hậu làm cho thiên tai ngày càng khó lường, phải chuẩn bị các kịch bản cho những tình huống xấu nhất thì mới không phải nói giá như.
Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân. Diện tích này không cố định phụ thuộc mùa nước từng năm, được tiếp giáp với 3 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng và quận Long Biên. Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, trong đó có một phần (khoảng một ha) thuộc địa phận quận Long Biên.