Làm sống lại điều thiêng liêng ấy trong học đường, các nhà giáo ở TT Huế đã và đang cố gắng giữ gìn không chỉ một nét đẹp văn hoá, hơi thở vùng đất của quê hương TT Huế mà còn mang đến cho thế hệ trẻ hồn dân tộc.
Những bài dân ca, ca dao xứ Huế được các em biết đến trong sự háo hức tuổi thơ sẽ là hành trang cuộc đời cũng như dòng sữa nóng ngày nào của mẹ, lặng lẽ nuôi dưỡng tâm hồn bé thơ của các em trong ấm áp, ngọt ngào, nếu...
Học sinh tham gia Hội thi “Tiếng hát dân ca” |
Một dự án tích cực và khả thi....
Cách đây khoảng 5 năm, chương trình Sân khấu học đường đã được triển khai một lần ở Huế với thể loại Tuồng, được giao cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&Đ) triển khai.
Và lần này, giai đoạn II của Sân khấu học đường tiếp tục với thể loại Dân ca. Phần chuyên môn lần này được giao cho Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế đảm trách. Hơn 3 tháng, 60 cô cậu học trò của các trường trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Chí Diểu, Trần Cao Vân và Thống Nhất thường xuyên có mặt tại nhà hát để tập luyện.
Mục đích của Dự án là thông qua chương trình, các em sẽ mở rộng biên độ hiểu biết về nghệ thuật truyền thống, từ đó khơi dậy tình yêu của lớp trẻ với loại hình nghệ thuật dân tộc đang mai một...
Trong thời gian hơn 3 tháng, ngoài những kỹ thuật ban đầu về nghệ thuật hát dân ca; các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế dàn dựng và tập luyện cho các em ba tác phẩm, mang đậm âm hưởng dân ca địa phương. Đó là tổ khúc hát múa “Nón quê em”, hoạt cảnh “Huyền thoại Ngự Bình- Hương Giang” và trích đoạn “Có một người con như thế” nói về thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế.
Trần Thị Thu Hà, học sinh lớp 9/3 Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, thành viên của dự án hồn nhiên tâm sự: “Em đã có những ngày rất vui trong kỳ nghỉ hè. Sau đó là những buổi tập tranh thủ khi bước vào năm học mới. Em cũng không ngờ mình có thể hát và hát khá hay những khúc dân ca”.
Hà cho biết thêm, trước khi đến với dự án này, cũng như các bạn nhỏ cùng trang lứa, em thường hay nghe nhạc trẻ, hát những ca khúc sôi động, chủ yếu là nhạc ngoại. Mùa hè 2008-2009, ngoài chơi game và học thêm em chẳng có cơ hội tham gia hoạt động gì khác, nghe bạn rủ, Hà đồng ý đi “thử”. Âu cũng là cách để vui chơi, không chỉ Hà mà ba mẹ em cũng nghĩ vậy khi cho Hà tham gia Dự án.
Hà tâm sự “Trước đây cứ mỗi khi tivi có chương trình ca nhạc dân tộc là em chuyển kênh...” Tâm sự của Hà có lẽ cũng là nỗi niềm chung của 60 thành viên tham gia dự án “Sân khấu học đường 2009”. Vậy nhưng, hơn cả kỳ vọng, nó đã được các bạn trẻ yêu thích, đón đợi
Không ngại khó...
Mặc dù thể loại dân ca TT Huế có nhiều giai điệu và âm vực khó hát, song các thành viên tham gia dự án lần này đều nắm bắt rất nhanh. Nhiều em đã thể hiện năng khiếu cũng như niềm say mê của mình đối với loại hình nghệ thuật truyền thống.
Các em vào vai diễn khá ngọt và gây cảm xúc tốt cho chính mình cũng như cho khán giả. Những bộ trang phục đẹp cũng là một sự kỳ công của các nghệ sĩ nhà hát, tạo cho các em niềm cảm hứng và yêu thích vai diễn...
Sau khoá huấn luyện, các thành viên không chỉ biết về chuyên môn mà còn mạnh bạo trong giao tiếp, tự tin, yêu thích ánh đèn sân khấu và bắt đầu có những cảm thụ nghệ thuật tốt. Thu Hà nói: “Mấy buổi tập đầu tiên cũng làm em hơi ngại, đã định bỏ, nhưng mấy cô chú bên đoàn rất nhiệt tình đã khiến em ở lại. Rồi những buổi học dần trở nên hứng thú hơn. Tụi em “mê” tập khi nào không biết. Những buổi tập trở nên rất vui, vì thế khi vào năm học rồi em và các bạn vẫn tập đều đặn và tự giác...Bây giờ thỉnh thoảng ngồi một mình em lại hát, và đôi khi hát cho ba mẹ, bạn bè nghe.”
Ngày 17/10/2009, dự án Sân khấu học đường giai đoạn II tại TT Huế đã kết thúc bằng buổi biểu diễn báo cáo. Ba tiết mục hát múa, hoạt cảnh và trích đoạn ca kịch được dàn dựng trên nền nhạc dân ca đã được học sinh của ba trường THCS Nguyễn Chí Diểu, Thống Nhất, Trần Cao Vân trình diễn dưới sự chứng kiến của đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn, các sở, ban ngành liên quan của địa phương. Đặc biệt có sự tham dự của hàng trăm em học sinh đến từ các trường THCS trên.
Theo bà Ngô Thị Thanh Hòa, Phó cục trưởng,Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch Việt Nam; Trưởng Ban điều hành Dự án Sân khấu học đường đánh giá thì chương trình đã đạt kết quả như mục tiêu đề ra.
Nam sinh trong trang phục truyền thống khi tham gia hát dân ca. |
Muốn cho học sinh xem đã khó, việc mở rộng trong học sinh lại càng khó hơn
Nghệ thuật sân khấu truyền thống hiện nay rất khó được giới trẻ tiếp nhận và hưởng ứng, đặc biệt khi các trào lưu âm nhạc quốc tế đang ảnh hưởng rất mạnh đến phần lớn học sinh, sinh viên. Nhưng qua những cô cậu bé của ba trường THCS nói trên, cơ hội cho nhạc truyền thống không phải là không có.
Tuy nhiên, nó đòi hỏi một sự gia công của những người có trách nhiệm... Riêng dự án lần này đã kéo gần khoảng cách giữa học sinh với nghệ thuật sân khấu truyền thống, một vốn văn hóa quý đang bị mai một dần trong cuộc sống hiện đại ngày nay!
Còn nhớ dự án Sân khấu học đường giai đoạn I với thể loại Tuồng đã được triển khai rất tốt và rất ấn tượng tại các trường học. Nhưng ngay sau khi Dự án này kết thúc, những tiết mục đã được NSƯT La Cẩm Vân và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế dàn dựng công phu cùng các diễn viên nhí say mê luyện tập và luyện tập thành công đã đi vào quên lãng.
Nhắc lại những ngày tập tuồng “thời đã qua” một thành viên của dự án giai đoạn I đã cho rằng em hầu như không có cơ hội để tiếp tục tập môn nghệ thuật này, không chỉ vì bận học mà còn vì điều kiện để theo đuổi “nghiệp dư” là rất khó vì thực chất các câu lạc bộ, nhà văn hoá và cả những buổi tập văn nghệ theo Đội, Đoàn của trường, của địa phương cũng ít ai nhắc tới loại hình này. Không chỉ T. mà ngay cả Hà cũng rất thật khi cho biết sau khi biểu diễn báo cáo (10/2009), em và đội của mình cũng chỉ có một cơ hội duy nhất biểu diễn lại chương trình trên trong một hoạt động của địa phương rồi...thôi luôn.
Nói về điều này, thầy Nguyễn Phương, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Chí Diểu cho rằng nhà trường cũng rất muốn các em phát huy kết quả, nhưng nếu nói về lập đội Dân ca trong trường thì kinh phí, cũng như thời gian rất hạn hẹp, và một thực tế là...làm chương trình này sẽ mất chương trình kia vì những chương trình ngoại khoá, chính khoá hiện đã chiếm kín thời gian của học sinh. Thâm chí, việc tạo điều kiện để các em áp dụng thành quả dự án đem lại như biểu diễn cho bạn bè ... cũng không thể thực hiện được vì dàn nhạc của loại hình này rất phức tạp, trường thậm chí chưa đủ điều kiện để thuê đội nhạc về tổ chức một buổi “báo cáo” riêng cho học sinh toàn trường. Vì thế các em không thể biểu diễn trong các hoạt động văn nghệ của trường...
Thầy Phương cho rằng, việc đưa âm nhạc truyền thống, âm nhạc địa phương vào sân chơi cho tuổi học đường nói riêng, tuổi trẻ nói chung là cần thiết và bức bách. Nhưng sự bức bách này đòi hỏi phải có một cách làm khả thi hơn đó là phải tạo một lối đi đúng hướng và khoa học. Dự án cho chúng ta thấy được tiềm năng và ý thích của học sinh hôm nay không hẳn chỉ nghiêng về “cái mới” mà rất nhiều em vẫn yêu và thích đến với âm nhạc truyền thống. Dự án như hiện nay chỉ là tác động mở cho thấy nhu cầu khôi phục văn hoá dân tộc.
Nhưng cách làm hiệu quả lại là một vấn đề đòi hỏi sự chung tay của nhiều Bộ và phải đi những bước phù hợp như tổ chức đào tạo giáo viên, xây dựng chương trình, giáo án trước khi đưa vào học đường với một quy trình bài bản. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu này ở TT Huế chắc chắn không khó nhưng muốn thực hiện đòi hỏi Bộ GD&ĐT “mở đường” để có các trường sư phạm định hướng đào tạo từ giáo viên. Và trước tiên là các cơ quan như sở GD&ĐT sở VH-TT-DL phải có dự án đệ trình... Còn nếu như cứ ở hình thức dự án, tự phát hay ngoại khoá thì sẽ còn gặp nhiều khó khăn, trong đó còn có cả do tâm lý phụ huynh thích con tập trung vào học vào thi, bởi vì sức ép “học-thi” hiện nay là quá lớn...
Sân khấu học đường 2009 cũng có nguy cơ sẽ như Sân khấu học đường trước nếu sau khi kết thúc, nó không được nhân rộng trong các trường học bằng sự nhiệt tâm của các thầy cô giáo, các nhà quản lý ở các ban ngành liên quan. Chắc chắn các em học sinh, đặc biệt là những thành viên của đội ca kịch của ba trường tham gia dự án này không mong muốn như vậy....
Có thể tạm nói rằng “Sân khấu học đường 2009” đặt ra một mục tiêu to lớn, sâu sắc, trĩu nặng tính nhân văn nhưng lại “ra khơi” trên còn thuyền độc mộc. Trong khi đó, ai cũng biết, nếu không quan tâm, không ưu ái với âm nhạc dân tộc thì bản sắc dân tộc sẽ dần dần mai một....
Bài và ảnh : Uyên Châu