Sống chung an toàn với Covid-19

Sống chung an toàn với Covid-19

Vẫn còn nhiều nguy cơ

Theo Bộ Y tế, đến ngày 18/5, Việt Nam đã có 29 ngày không có ca mắc ở cộng đồng. Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng được duy trì để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. Năng lực ứng phó với đại dịch tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 ở tất cả các tuyến... Tuy vậy, Việt Nam vẫn chưa công bố hết dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho hay điều kiện để công bố hết dịch theo quy định là không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định. Đối với bệnh Covid-19 là 28 ngày, được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế. Nhưng trong bối cảnh người nhập cảnh vẫn còn về Việt Nam thời gian tới, nguy cơ trong cộng đồng vẫn còn nên chưa thể xác định được điều gì. Để công bố hết dịch hay không, Chính phủ còn phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh

PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét, Ký sinh trùng Trung ương cho rằng, đến thời điểm này dù chưa phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng cũng phải hết sức thận trọng, an toàn cho người dân là trên hết. Trong khi các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia… vẫn đang phải đối mặt với số người mắc mới tăng cao, dịch bệnh trên thế giới vẫn rất phức tạp thì vẫn rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Điều đáng nói là hiện ở Việt Nam gần như không có miễn dịch cộng đồng. Trong khi các nước như Anh, Mỹ, số người mắc Covid-19 rất lớn nên một bộ phận trong cộng đồng có thể đã hình thành miễn dịch.

“Khi Việt Nam hoàn toàn không có miễn dịch cộng đồng mà không may có người mắc Covid-19 thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Do vậy, biện pháp tiếp tục cách ly là cần thiết”, PGS.TS Phạm Thị Khoa cho hay.

Xác định còn kéo dài

PGS.TS Phạm Thị Khoa cho hay, hiện dịch bệnh ở nước ngoài còn phức tạp, có những nơi trên thế giới còn căng, xác định dịch kéo dài 18 - 24 tháng. Do đó, Việt Nam phải tiếp tục làm tốt việc cách ly những công dân Việt Nam từ nước ngoài về hoặc khi mở cửa hơn nữa cũng phải tiếp tục ngăn chặn những ca nhập cảnh để phòng, chống. Phải thực hiện tốt việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, phát hiện được ngay ca đầu tiên càng sớm càng tốt.

Đến khi nào Việt Nam mới có thể công bố hết dịch, theo PGS.TS Phạm Thị Khoa, Việt Nam đang như một vùng trũng, nước có thể tràn vào bất cứ lúc nào. Do đó, để công bố hết dịch, phải chờ đến khi có thuốc đặc trị hoặc có vắcxin mới có thể hoàn toàn yên tâm. Ngoài ra phải căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh tại các nước khác trên thế giới, khi dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát, số người tử vong giảm thấp… thì mới có căn cứ để công bố hết dịch. Chúng ta đang thực hiện giãn cách cộng đồng tốt nhưng chưa thể dứt điểm 100% ca mắc. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta xác định sống chung với dịch trên tinh thần cảnh giác cao độ.

“Ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, sau 35 ngày không có ca nhiễm mới lại xuất hiện ổ dịch, buộc họ phải xét nghiệm cộng đồng để tìm hiểu, xác định nguy cơ lây nhiễm cũng như nghiên cứu đã có miễn dịch cộng đồng hay chưa. Do đó, chúng ta không thể chủ quan”, PGS.TS Phạm Thị Khoa cho biết.

Bộ Y tế khuyến cáo trước mắt các cơ sở tự kiểm tra, nếu không đủ tiêu chuẩn, phải tự dừng cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện nguyên tắc “5 an toàn”: Đeo khẩu trang, không tụ tập đông người; Giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người; Hạn chế ra ngoài, nhất là người có bệnh nền, mạn tính, người già; Vệ sinh khử khuẩn, không chỉ phòng Covid-19 mà còn phòng bệnh cúm, đặc biệt, bệnh tiêu hóa khi vào mùa hè; Tiếp tục khai báo y tế khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo, vì dịch còn dài nên chúng ta phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn, tuyệt đối không được chủ quan. Có an toàn mới phát triển được. Muốn chung sống an toàn chúng ta phải hiểu được về dịch bệnh này, sự nguy hiểm của nó và cơ chế lây lan, từ đó quán triệt thực hiện thật tốt tất cả các quy định, hướng dẫn liên quan đến cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2. Dễ thấy như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách, rửa tay, không tập trung đông người… Những giải pháp này hết sức quan trọng vì cơ chế lây lan của virus là chủ yếu qua đường giọt bắn từ nước bọt hoặc trực tiếp vào mũi, miệng, mắt người tiếp xúc gần hoặc nước bọt dính trên bề mặt rồi dính vào tay, từ tay lên miệng, mũi, mắt.

Chung sống an toàn phải đi vào từng lĩnh vực cụ thể như lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bảo đảm vệ sinh mùa dịch, lau chùi nhà cửa, để thông thoáng, luyện tập, tinh thần… đến việc đảm bảo an toàn trong khám chữa bệnh. Bộ GD&ĐT và các địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng học tập an toàn với các giải pháp rất cụ thể cho từng vùng, từng cấp học, từng loại hình trường lớp. Hạn chế ra ngoài, đi lại khi không thật sự cần thiết nhưng khi cần thiết thì đi lại phải an toàn. Từ nhà máy, xí nghiệp lớn tới các tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất kinh doanh gia đình, nhỏ lẻ, lao động tự do đều phải có các hướng dẫn rất cụ thể ở từng địa phương…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.