Thao thức Nam Ô

GD&TĐ - Nằm dưới chân đèo Hải Vân, làng Nam Ô (P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) xưa nay được biết đến với nghề làm nước mắm vốn đã từng là một trong những sản vật tiến vua. Nam Ô cũng là vùng đất của những câu chuyện nhuốm màu huyền sử với những di tích văn hóa tâm linh như Lăng Ông, Miếu bà Liễu Hạnh, Di tích Âm hồn, Rú cấm…

Với kế hoạch giải tỏa được đặt ra, những chuyến đi biển gần bờ của ngư dân Nam Ô rồi sẽ thành quá vãng?
Với kế hoạch giải tỏa được đặt ra, những chuyến đi biển gần bờ của ngư dân Nam Ô rồi sẽ thành quá vãng?

Làng chài dần xa…

Dân làng Nam Ô từ bao đời nay sống bằng nghề biển gần bờ, bà con quen với cảnh những chiếc ghe mành, thúng máy ra khơi.

Làng quay mặt ra biển, thoáng đãng và phóng khoáng; nhà nào không sống bằng nghề làm nước mắm, phơi khô cá, khô mực thì chiếc ghe nhỏ làm nghề mỗi đêm cũng đủ để họ đắp đổi qua ngày với những chuyến biển ngắn trở về bao giờ cũng đầy ắp tôm cá tươi roi rói, không qua ướp đá lạnh như những con tàu lớn.

Ông Nguyễn Tấn Vinh – một lão ngư ở Nam Ô kể, Nam Ô trước đây sống chủ yếu dựa vào nghề làm pháo, những năm đầu 90 của thế kỷ trước, khi Nhà nước cấm đốt pháo, dân Nam Ô chuyển hết sang nghề đi biển.

“Cả làng chừ cũng có khoảng 130 hộ làm nghề đánh bắt ven bờ bằng ghe nhỏ, thúng chai và khoảng 50 hộ sản xuất nước mắm với những thương hiệu quen thuộc trên thị trường”.

Chừng ấy so với 700 hộ dân Nam Ô trước đây hầu hết đều sống bám vào biển không đủ khẳng định được sự vững bền, phát triển của làng nghề, khi mà hơn nửa số hộ dân theo nghề phải dời đi nơi khác vì dự án.

Phần khác, chủ trương xả bản tàu thuyền công suất nhỏ gần bờ của thành phố, đặt ngư dân Nam Ô trước nguy cơ xa nghề, xa biển.

Gia đình bà Lê Thị Hội, nằm trong diện di dời, đến nơi ở mới cách xa biển 3 cây số. Tuổi cao, lại sợ “miệng ăn núi lở”, không đành ngồi không khi đất vườn không có, bà Hội vay mượn, gom góp thêm tiền, trở về làng cũ mua lại đất của những hộ không vướng giải tỏa để… làm mắm.

Không rành đi xe máy, mỗi ngày, bà Hội thuê xe thồ ít nhất hai lượt đi về giữa nơi mới và nơi cũ. “Nơi ở mới thông thoáng, nhưng không có không gian làm mắm. Làm nghề biển lại không gần biển, thiệt bất tiện đủ đường. Mắm muốn ngon, ngoài phơi sương, tắm nắng còn phải được ướp trong gió biển mới giữ được hương vị truyền thống…” – bà Hội tâm sự.

Nhưng không phải ai cũng có điều kiện như bà Hội để giữ lấy cái nghề của tiền nhân. Phần nhiều trong số họ chỉ biết nhìn biển buông tiếng thở dài.

Nằm dưới chân đèo Hải Vân, quay mặt ra biển, nhiều hộ dân Nam Ô phải dời đi để nhường đất cho dự án du lịch
 Nằm dưới chân đèo Hải Vân,  quay mặt ra biển,  nhiều hộ dân Nam Ô phải dời đi để nhường đất cho dự án du lịch

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Nước mắm Nam Ô cho biết, trước đây làng nghề nước mắm Nam Ô có 112 hộ làm nghề.

Dự án khu du lịch sinh thái đến, gần 70 hộ phải di dời, giải tỏa. “Cả làng ni bị cắt làm đôi, tao tác hết cả. Khoảng một nửa trong số các hộ đang làm nghề phải chuyển về khu tái định cư Xuân Thiều, mà toàn là những hộ có thâm niên và tâm huyết với nghề cả. Số giải dời đi, chỉ còn vài hộ quay về làng tiếp tục giữ lửa nghề vì kế mưu sinh và vì nhớ nghề của cha ông.

Nơi ở mới không có không gian cho làm nước mắm, cuộc sống bấp bênh, nhất là những người đã cao tuổi. Mà làm nước mắm cũng tùy vào phong thủy trời đất, khí hậu mới ra được thứ mắm ngon đặc trưng của vùng đất. Nước mắm Nam Ô nức tiếng khắp nơi cũng nhờ cái phong thủy ấy” – ông Vinh trầm tư hẳn.

Cho dù vẫn đắm đuối với nghề truyền thống trước sự tấn công ồ ạt của các thương hiệu nước mắm sản xuất theo kiểu công nghiệp, thế nhưng, những người tâm huyết như ông Vinh, bà Hội vẫn không khỏi âu lo trước sự bền vững của làng nghề.

Để mắm thơm ngon, đượm mùi, mỗi ngày ông Vinh đều mở nắp lu ra để phơi nắng; tuy nhiên, nghề gia truyền này cũng đang dần mai một ở Nam Ô

Khó khăn lớn nhất là nguồn nguyên liệu cá cơm để làm mắm ở vùng Nam Ô giờ không còn dồi dào như trước nữa, phần vì ngư dân ở đây không còn mặn mà mấy với nghề đi biển, phần vì sản lượng cá cơm sụt giảm.

Những hộ làm mắm lớn như ông Vinh, bà Hội phải qua Sơn Trà (Đà Nẵng) hoặc vào tận Hội An (Quảng Nam) để thu mua cá cơm than. Mấy năm gần đây, ông Vinh còn phải khăn gói vào tận Phan Thiết mua cá, muối luôn trong đó rồi mới vận chuyển về Đà Nẵng.

Những “dích dắc” này đã góp phần đẩy chi phí nước mắm thành phẩm lên cao. Thế nhưng, cái lo của lớp già như ông Vinh lại ở chỗ, lớp trẻ không mấy ai mặn mà với việc giữ nghề: “Nhìn lui nhìn tới cũng chỉ còn người lớn tuổi làm thôi, cô ơi. Cũng chẳng mấy nữa mà thành thất truyền, tụi tui già rồi, lấy sức đâu mà bưng bê, quấy đảo nữa”.

Theo như ông Vinh thì cá sau khi muối phải được để ngoài trời khoảng 6 tháng, cứ ban ngày thì mở nắp lu ra cho cá phơi nắng, tắt mặt trời thì đậy lại. Hết thời kỳ phơi nắng, mắm chín rồi thì phải quấy cho đều rồi bưng vào nhà để mắm không bị đen và mất mùi.

Đến công đoạn lọc mắm mới thật kỳ công, mắm lọc xong rồi cũng phải mất nửa tháng thì mới vô chai để “làm quen với không khí”, không bị sậm màu.

Dù ngon nức tiếng thế nhưng rất khó để tìm thấy nước mắm Nam Ô ở hệ thống siêu thị hay các sạp ở chợ. Khâu tiêu thụ chủ yếu thông qua các đại lý hoặc khách quen đặt hàng làm quà biếu trong Nam ngoài Bắc. Chưa kể, giá thành cao hơn nhiều so với các thương hiệu nước mắm công nghiệp cũng góp phần hạn chế đầu ra của sản phẩm.

Ghềnh Nam Ô được tách ra khỏi dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô để bảo tồn khu vực sinh thái cộng đồng
 Ghềnh Nam Ô được tách ra khỏi dự án Khu du  lịch sinh thái  Nam Ô  để bảo tồn khu vực sinh thái cộng đồng

Huyền sử Nam Ô

Cho đến khi câu chuyện dự án du lịch sinh thái biển Nam Ô dựng hàng rào ngăn một phần còn lại của làng Nam Ô với biển “bùng nổ” thì người ta mới thấy rõ nguyên trạng một làng chài hơn 700 năm tuổi dưới chân đèo Hải Vân là vùng đất của những câu chuyện nhuốm màu huyền sử, chứa đựng một đời sống văn hóa tâm linh đặc sắc.

Người Nam Ô kể rằng, mảnh đất nép mình bên ngọn Hải Vân Quan lừng lững này, từng là nơi trú chân của Huyền Trân công chúa. Người con gái được Vua Trần Anh Tông gả cho Chế Mân để mở rộng bờ cõi Đại Việt thêm châu Ô và châu Lý.

Khi Chế Mân chết, vua Trần Anh Tông thương con, sai Trần Khắc Chung đi cứu. Trần Khắc Chung nói với người Chiêm cho công chúa ra bờ biển để chiêu hồn chồng về rồi cùng lên giàn hỏa.

Trần Khắc Chung đưa Huyền Trân chạy ra đến Nam Ô, buổi ấy tháng 10, gió bấc thổi nên thuyền không thể ra khơi. Huyền Trân ở lại Nam Ô cho đến mùa gió nam thổi. Khi cả đoàn lên thuyền, một vị tướng dưới quyền Trần Khắc Chung đã ở lại giữ chân giặc truy đuổi và trở thành người đầu tiên lưu đất Chiêm Thành. Người Nam Ô sau này đã tôn ông là tiền hiền và lập miếu thờ.

Miếu bà Liễu Hạnh - một di tích tâm linh của người Nam Ô
Miếu bà Liễu Hạnh - một di tích tâm linh của người Nam Ô 

Ở Nam Ô còn nhiều miếu thờ tâm linh khác như miếu thờ bà Liễu Hạnh. Tương truyền Liễu Hạnh là công chúa con trời, ba lần từ bỏ cuộc sống đầy đủ trên thiên đình, xin vua cha xuống trần gian sống cuộc đời của một người phụ nữ bình dị với khát vọng tự do, hạnh phúc. Bà nhập thế đi chu du khắp nơi, kịp thời cứu giúp nhân dân qua tai ương, khổ nạn... Như bao làng chài ven biển suốt dọc dài đất nước, Nam Ô cũng có gọi là miếu thờ Lăng Ông - vị thần giúp ngư dân thoát nạn trên biển trước cuồng nộ biển khơi.

Người dân Nam Ô vui mừng trước thông tin chính quyền Đà Nẵng đã thương lượng với nhà đầu tư để điều chỉnh quy hoạch Khu du lịch sinh thái Nam Ô từ 36ha xuống còn 26ha để không ảnh hưởng đến không gian di tích văn hóa tâm linh của làng. Thế nhưng, không ít hộ dân làm nước mắm ở Nam Ô vẫn đau đáu với nghề bởi để nhường đất cho dự án du lịch, nhiều gia đình đã phải chuyển nhà về nơi tái định cư, làm nghề biển mà không gần biển nên bất tiện đủ đường… 

Khi dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô quét qua làng, ban đầu những di tích như Lăng Ông, di tích Âm hồn, Miếu bà Liễu Hạnh... dự kiến sẽ được di dời, tập trung thành một quần thể. Nhưng rồi trước nguyện vọng đau đáu của người dân, thành phố quyết định cho giữ lại di tích Lăng Ông.

Mới đây nhất, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất với chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch Khu du lịch sinh thái Nam Ô từ 36ha xuống còn 26ha.Trong phần điều chỉnh đó, dự án khu du lịch không ảnh hưởng đến không gian di tích văn hóa tâm linh của làng, đảm bảo các lối xuống biển để người dân khai thác hải sản, duy trì hoạt động làng nghề truyền thống, phát huy văn hóa biển làng chài cũng như nhu cầu tiếp cận biển để vui chơi giải trí.

  Ông Lê Văn Xuất, Trưởng làng Nam Ô, không giấu được sự vui mừng: “Do đô thị hóa mà làng chài Nam Ô hiện nay có lẽ là làng cổ duy nhất còn sót lại của thành phố cần phải được bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đã hình thành hàng trăm năm qua. Dân Nam Ô rất vui mừng vì làng nghề không bị ảnh hưởng bởi phát triển du lịch”.

Anh Phan Văn Thành, ngư dân làng Nam Ô đã nhường đất cho dự án từ gần 7 năm trước, chuyển nhà xa làng gần hai cây số, anh vẫn quay lại làng làm nghề biển. Như anh lý giải, đi “hồi có hồi không, nhưng chưa bao giờ đói.

Ngoài 40 - 50 tuổi bọn tui biết làm gì ngoài đi biển, xin làm công nhân tuổi này người ta cũng không nhận. Giờ còn nghề này vẫn may ra, chứ đầy người làm trên bờ chừ thất nghiệp”. Gần 30 năm đi biển, anh Thành cho biết, không thể diễn tả được niềm vui của những lão ngư của làng về chủ trương dừng thực hiện chính sách xả bản của thành phố.

Nếu vẫn tiếp tục thực hiện xả bản thuyền thúng, thuyền máy khai thác hải sản gần bờ như kế hoạch ban đầu thì có thể rồi những người quen sóng nói gió như anh Thành, cả một đời bám biển, sẽ chuyển qua đi bạn, nhưng một khi nhà nhà xả bản, mất nghề, thì hồn cốt, bản sắc của làng chài Nam Ô nơi triền chân sóng sẽ mai một đi nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ