Họa sĩ trẻ đã tự tin hơn với sơn mài?

Họa sĩ trẻ đã tự tin hơn với sơn mài?

Khi người trẻ "kết" sơn mài

Cuối tháng 6, giới mỹ thuật Hà Nội khá chú ý đến triển lãm mang tên "hành trình" của hoạ sĩ Vũ Văn Dũng gồm 41 tác phẩm tranh sơn mài được đánh giá khá công phu, mới mẻ. Điều đáng chú ý, chủ nhân của cuộc triển lãm hoành tráng này mới 25 tuổi – lứa tuổi rất trẻ và "rất xanh" trong mắt nhiều hoạ sĩ chuyên về dòng sơn mài.

Tuy nhiên, trên trang Facebook cá nhân, họa sĩ Vũ Văn Dũng chia sẻ: "25 tuổi, mở triển lãm cá nhân với mình là một thách thức. Nhưng nếu không làm, mình sẽ luôn trăn trở và nghĩ về nó mỗi ngày. Vì mình đã ôm mộng đưa những tác phẩm nghệ thuật sơn mài đến với công chúng cách đây 4 năm. Là sinh viên ngành Hội họa hoành tráng (ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, Hà Nội), trong một lần đi thực tế lấy tư liệu nghiên cứu tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mình đã bị hấp dẫn bởi các tác phẩm của các "cụ" họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn… và từ đó say mê tìm hiểu về sơn mài. Hai năm gần đây, mình đã làm việc miệt mài, tích lũy cả kiến thức, kinh tế và tinh thần để có thể biến sự nông nổi của tuổi trẻ, hoài bão, ước mơ thành hiện thực".

41 tác phẩm là sự tổng hợp phong cảnh Việt Nam từ miền đồng bằng tới núi cao, tranh tĩnh vật và các tác phẩm trang trí nội thất. Đặc biệt, các tác phẩm về phong cảnh làng quê Bắc Bộ được đầu tư và dày công nghiên cứu. Những ký ức về làng quê Việt Nam với cây đa, giếng nước, sân đình, rặng tre, hồ sen… đang dần phai màu trong tâm trí người Việt được tái hiện một cách sinh động.

Khác với "lối đi" thể tài truyền thống của Vũ Văn Dũng, họa sĩ trẻ Nguyễn Phan Nam An khắc họa đô thị với kỹ nghệ, xe cộ và sự chộn rộn của nó. Sự tấp nập, xô bồ và bụi bặm của phố thị được lột tả qua lớp sơn mài trầm lắng không gây "bụi" cho người xem. Ngược lại, nhiều người tò mò rồi thích thú với cách nhìn, cách thể hiện của người trẻ với nếp sống hiện đại.

Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng lại gây ấn tượng khi làm tranh sơn mài trên toan. Giới chuyên môn nhận định sơn mài trên toan là một kỹ thuật lạ, hiếm họa sĩ thực hành. Nguyễn Thế Hùng tiết lộ từ lâu anh đã thử nghiệm một chất liệu mới cho mình: Sơn mài trên toan và tìm đến nó như tìm đến một vùng đất khác về chất liệu và vật liệu.

Tháng 3/2020, giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành, tại Hà Nội cũng diễn ra "Tháng Trưng bày Sơn mài Việt Nam" với 100 tác phẩm chọn lọc của 100 họa sĩ. Sự kiện được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục "Triển lãm chuyên đề các tác phẩm mỹ thuật sáng tác trên chất liệu sơn mài truyền thống có nhiều tác giả tham gia nhất".

Ban tổ chức sự kiện khẳng định: Trưng bày các tác phẩm trên chất liệu sơn mài truyền thống một lần nữa khẳng định chắc chắn sự hiện diện đầy ý nghĩa không chỉ về nét đặc trưng riêng, tính độc đáo, mà còn cho thấy sự khéo léo kiểm soát, kì công khi được trao vào bàn tay và khối óc người họa sĩ.

Câu hỏi về tương lai sơn mài Việt

Bắt nguồn từ những kỳ vọng về việc khám phá ra một ngôn ngữ nghệ thuật riêng cho dân tộc cho đến sự nối tiếp, phát huy tính sáng tạo của những thế hệ họa sĩ, sơn mài truyền thống Việt Nam đã trở nên giàu có và phong phú hơn nhờ nét đa dạng trong cách thể hiện chất liệu và ý tưởng đặt lên trên tấm vóc cũng như đã dần khẳng định một vị thế quan trọng như một di sản trân quý, không thể thay thế trong làng hội họa.

Tuy nhiên, TS Dave Van Gompel – Chuyên gia Nghiên cứu sơn mài châu Á chia sẻ: Trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận ra các quốc gia có truyền thống sơn mài dường như đang đứng giữa ngã ba đường và đối diện với câu hỏi: "Chúng ta sẽ đi đâu từ đây?". Tôi chắc rằng, sơn mài Việt Nam cũng như sơn mài Nhật Bản mà tôi đã từng nghiên cứu, đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức".

Ông Gompel cho rằng, hoạ sĩ thì cũng phải sống. Nghệ thuật sơn mài như một cô gái đẹp, duyên dáng đó nhưng lại đỏng đảnh, khó chiều. Tranh sơn mài ở Việt Nam và một số nước châu Á rất khó bán. Cùng với đó là chi phí nguyên liệu phục vụ sáng tác sơn mài tăng cao do khan hiếm đã khiến nhiều hoạ sĩ bỏ nghề.

Thạc sĩ Vũ Tuấn Dũng - Trường CĐ Sư phạm Trung ương nhận định, những người làm công tác nghiên cứu về sơn mài truyền thống Việt Nam hiện nay quá mỏng và thiếu. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có tác phẩm nào nghiên cứu sâu về sơn ta của các tác giả trong nước mà vẫn dùng các nguồn tư liệu nước ngoài là chủ yếu. Bên cạnh đó, lực lượng họa sĩ sơn mài tuy nhiều nhưng rất thiếu tác giả có nền tảng căn bản. Nếu nhìn ở góc độ vĩ mô, một nền nghệ thuật không lưu tâm đến cội nguồn căn bản sẽ mất phương hướng và dễ đánh mất mình.

Cũng theo thạc sĩ Vũ Tuấn Dũng, số lượng họa sĩ sơn mài Việt Nam tuy có đến vài trăm người nhưng đội ngũ chuyên nghiệp, coi sơn ta là chất liệu chính và sử dụng hoàn toàn nhựa sơn ta thì rất hiếm, chỉ khoảng 20 - 30 người.

Những người vẽ sơn mài truyền thống ở Việt Nam hiện còn rất ít. Giới chuyên gia cũng cho rằng, để lưu giữ một ngành đã làm nên tiếng vang cho hội họa Việt Nam thì nên đầu tư và có chế độ khuyến khích để đào tạo thêm nhiều họa sĩ chuyên sâu vẽ sơn mài. Đặc biệt phải đầu tư cho thế hệ hoạ sĩ trẻ, họ không chỉ là những người sẽ chủ đạo trong việc bảo tồn mà còn là những sứ giả quảng bá hội họa sơn mài Việt với thế giới.

“Các họa sĩ trẻ ngày nay thích tiếp cận sơn dầu, acrylic, hoặc chọn khuynh hướng sáng tác theo những trường phái nghệ thuật đương đại, chú trọng đến yếu tố trực quan, nhằm tác động nhanh chóng đến người xem, với thời gian sáng tác thường ngắn hơn sơn mài. Cho nên lực lượng hoạ sĩ chuyên sơn mài khá mỏng và yếu. Đã đến lúc chúng ta cần có một kế hoạch cụ thể để hoạ sĩ trẻ tự tin hơn với đề tài sơn mài”. -  họa sĩ Đặng Tin Tưởng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...