Những ngày gần đây, dư luận phẫn nộ trước clip bảo mẫu cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, TP Hồ Chí Minh có nhiều hành vi bạo hành trẻ dã man. Sự việc này đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý các cơ sở mầm non tư thục.
Lỗ hổng trong việc cấp phép
Ông Nguyễn Bá Minh cho biết: “Tôi rất phẫn nộ và sốc với những hành động thô bạo của bảo mẫu đối với trẻ. Đây là việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp rất nghiêm trọng. Hành động này thể hiện cô giáo không có tình yêu thương đối với trẻ. Cô giáo không có ý thức trách nhiệm với vai trò của người dạy dỗ trẻ”.
Bên cạnh đó, trong khâu sơ tuyển giáo viên mầm non ở một số cơ sở chưa đạt. Các chủ cơ sở trông giữ trẻ chưa nhận thức được giáo viên có năng khiếu yêu trẻ, thích làm việc gắn bó với trẻ nên vẫn còn trẻ bị bạo hành. Dùng bạo lực đối với trẻ chứng tỏ các cô giáo thiếu bình tĩnh, thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm và sai lầm về phương pháp xử lý.
Ông Minh cũng cho rằng, nếu để xảy ra việc giáo viên đánh học sinh, ngoài xử lý giáo viên vi phạm, còn phải xử lý người đứng đầu cơ sở giáo dục. Mức cao hơn nữa là xem xét, rút giấy phép hoạt động của cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm.
Một lần nữa, sự việc đau lòng này cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý giáo dục, nhất là giáo dục mầm non.
Giám sát việc cấp phép trường ngoài công lập
Giải thích việc có nhiều vụ giáo viên bạo hành trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non tư thục thời gian qua, ông Nguyễn Bá Minh cho biết, hiện nay chủ yếu các trường mầm non công lập đều nhận trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, vì việc nhận trẻ từ 6 tháng tuổi gặp khó khăn ở các vấn đề như phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất.
Mới đây, TPHCM có đề án từ năm học 2017 - 2018 sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm nhận trẻ 6 - 18 tháng tuổi. Thế nhưng, chỉ có các cơ sở mầm non đủ điều kiện mới dám nhận trẻ, bởi vì tuổi này sự an toàn là quan trọng.
Việc đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non là những đề xuất giải pháp lâu dài, được Chính phủ, ngành Giáo dục và toàn xã hội đang quan tâm, nỗ lực, dần thay thế các lớp tư thục bằng các cơ sở đảm bảo chất lượng uy tín.
Hiện tại, chế độ chính sách giáo viên mầm non chưa đảm bảo. GV mầm non rất vất vả, áp lực về mặt thời gian, áp lực với tính chất công việc thế nhưng chính sách đối với GV mầm non chưa thỏa đáng so với công sức các cô bỏ ra. Vấn đề này cũng được đề xuất để cải thiện đời sống cho giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác. Thế nhưng đó là vấn đề lâu dài.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cấp phép cho các trường ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm lớp tư thục. Việc trước mắt cần làm là cần xem xét công tác quản lý của địa phương.
Công khai tên, bằng cấp giáo viên mầm non
Ông Nguyễn Bá Minh cũng cho biết, ngay sau khi sự việc ở TPHCM được nêu ra, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với Vụ Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất giải pháp tổng rà soát lại việc cấp phép, điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ trong các trường lớp tư thục, tăng cường hai đối tượng giám sát là người cấp phép và giáo viên.
Biện pháp tiếp theo có lẽ là phải triển khai sử dụng camera, đường dây nóng, các điều kiện của các nhóm lớp đã được cấp phép và chưa được cấp phép nên công khai (về chất lượng) trên cổng thông tin điện tử của quận, huyện, địa phương đó như giáo viên nhóm lớp đó họ tên là gì, tốt nghiệp trường nào, bằng cấp thế nào, đáp ứng yêu cầu thế nào… để người dân tham gia giám sát. Khi các mẹ gửi con, họ sẽ nhìn trên cổng thông tin điện tử với thực tế có đúng hay không.
Thực tế thường xảy ra, khi các nhóm lớp tư thục được cấp phép là đối tượng GV này, nhưng đối tượng GV này thường không ổn định, thay đổi thường xuyên, khi thay đổi GV mà không đảm bảo chất lượng thì sẽ bị toàn xã hội giám sát chứ không chỉ riêng Phòng GD&ĐT hay địa phương giám sát.
“Những giải pháp này không chỉ đối với nhóm lớp độc lập tư thục mà còn rất cần thiết đối với các trường công lập” - ông Nguyễn Bá Minh cho biết.
“Tôi thấy căn bản nhất là vấn đề cấp phép. Qua những vụ bạo hành thường là xảy ra ở những nơi cấp phép có vấn đề: Đó là vấn đề tiêu chuẩn GV và điều kiện để đảm bảo an toàn. Thứ hai là giám sát, xử lý giám sát của chúng ta còn kém, khi nào cộng đồng mạng và truyền thông đưa ra thì lúc đó mới biết đến để xử lý. Điều này cho thấy, dường như giám sát chưa đủ mức răn đe để giáo viên và cán bộ quản lý thấy rằng mình đang bị giám sát, làm sai là lập tức bị phát hiện chứ không thể che giấu nổi”. Ông Nguyễn Bá Minh