Tầm nhìn cho giáo dục Đại học Việt Nam

GD&TĐ - Hiện nay, các trường ĐH thực sự đang phải đối mặt với những thách thức và khó khăn đối với các mô hình quản trị ĐH truyền thống có từ lâu đời, Nhà nước gần như bảo trợ toàn bộ hoạt động cũng như chi phí cho các trường ĐH.

Tầm nhìn cho giáo dục Đại học Việt Nam

Ở Việt Nam, chi phí phục vụ cho giáo dục ĐH tiếp tục tăng nhưng nguồn thu từ ngân sách và người học càng ngày càng giảm. Do đó, GS.TS Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh – cho rằng, các trường ĐH cần được quyền chủ động, linh hoạt trong việc thu hút các nguồn tài chính và phát huy mọi tiềm năng của nhà trường.

Góc nhìn mới

Theo GS, từ bối cảnh và thực trạng hiện nay, giáo dục ĐH Việt Nam cần ưu tiên những vấn đề gì trong thời gian tới?

Vấn đề đầu tiên cần ưu tiên là hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH theo định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và mô hình quản trị cho các trường ĐH theo hướng phát triển bền vững, duy trì được giá trị truyền thống của Việt Nam và hội nhập quốc tế; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH.

Cơ sở giáo dục ĐH cần trở thành trung tâm kết nối, tiên phong, định hướng cho sự đổi mới, sáng tạo, tìm ra tri thức mới và phổ biến tri thức phục vụ phát triển KT-XH của đất nước. Trường ĐH là trung tâm cho việc hình thành các hiệp hội ngành nghề để phát huy tối đa nguồn lực, trí tuệ cho nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ.

Giáo dục ĐH Việt Nam thực hiện được việc quốc tế hóa các giá trị độc đáo của Việt Nam, đồng thời Việt Nam hóa được tinh hoa của thế giới; nâng cao được vị thế, uy tín trong hệ thống giáo dục ĐH thế giới.

Trên cơ sở tham khảo, phân tích các ý kiến, quan điểm của các nhà quản lý, nhà khoa học và kết quả phân tích bối cảnh, thực trạng giáo dục ĐH Việt Nam, chúng tôi đề xuất tầm nhìn cho giáo dục ĐH Việt Nam đến năm 2035 như sau: Giáo dục ĐH Việt Nam có hệ thống quản trị vững mạnh; có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế tri thức; trở thành trung tâm cho quá trình đổi mới, sáng tạo, cung cấp tri thức cho phát triển KT-XH của đất nước; nâng cao vị thế, uy tín trong hệ thống giáo dục ĐH thế giới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh, sự thịnh vượng của quốc gia.

Tự chủ ĐH: thực chất và hiệu quả

Khi cơ chế giám sát của Nhà nước rõ ràng, minh bạch thì thông tin và truyền thông của trường ĐH cũng rõ ràng, minh bạch. Cam kết của trường ĐH với xã hội thể hiện qua thông tin và truyền thông, góp phần quan trọng làm nên thương hiệu, năng lực cạnh tranh, cơ hội phát triển của trường ĐH.

Nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện tự chủ ĐH sẽ là giải pháp căn cơ để phát triển giáo dục ĐH Việt Nam theo hướng bền vững và hội nhập. Ông nghĩ sao?

Đúng vậy! Tự chủ ĐH hoàn toàn không có nghĩa các trường ĐH nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước. Nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng mở rộng quyền tự chủ cho các trường ĐH và mở rộng lĩnh vực được tự chủ; cùng với đó, đòi hỏi trường ĐH phải tự chịu trách nhiệm về các mặt hoạt động của họ.

Trường ĐH thực hiện quyền tự chủ phải gắn với tự chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, trước pháp luật, cộng đồng xã hội và với chính nhà trường về các mặt liên quan đến phạm vi được trao quyền tự chủ. Mức độ tự chủ càng lớn thì trường ĐH phải tự chịu trách nhiệm càng cao.

Ở Việt Nam, quyền tự chủ của các trường ĐH đã được quy định bởi Luật Giáo dục (2005), Luật Giáo dục ĐH (2012). Theo đó, cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức, nhân sự; tài chính và tài sản; đào tạo; khoa học - công nghệ; hợp tác quốc tế; bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH. Có thể thấy, hoạt động tự chủ của trường ĐH liên quan đến nhiều hoạt động; các mặt hoạt động này gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời xét trên quan điểm hệ thống.

Đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) là hai nhiệm vụ trọng tâm của trường ĐH và là yếu tố quan trọng tạo nên uy tín, thương hiệu của trường ĐH. Khi được tự chủ, trường ĐH phải chủ động điều chỉnh, đầu tư cho chất lượng đào tạo, NCKH sao cho đạt được các tiêu chí đầu ra cơ bản mà trường đã cam kết. Bên cạnh đó, trường ĐH cũng chủ động trong việc đóng, mở ngành đào tạo đáp ứng đủ cả về số lượng, chất lượng cho thị trường lao động. Chất lượng đào tạo, NCKH sẽ trở thành nền tảng, động lực để trường ĐH nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng hợp tác ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Tự chủ về tài chính là động lực quan trọng để trường ĐH đổi mới cơ cấu tổ chức, phân quyền tự chủ cho các đơn vị trong trường sao cho khai thác tốt nhất các nguồn thu, cũng như sử dụng nguồn tài chính hiệu quả nhất để đảm bảo tài chính bền vững cho sự ổn định, phát triển của trường.

Khi cơ chế giám sát của Nhà nước rõ ràng, minh bạch thì thông tin và truyền thông của trường ĐH cũng rõ ràng, minh bạch. Cam kết của trường ĐH với xã hội thể hiện qua thông tin và truyền thông, góp phần quan trọng làm nên thương hiệu, năng lực cạnh tranh, cơ hội phát triển của trường ĐH.

Chủ trương giao tự chủ cho các trường cũng là một giải pháp quy hoạch mạng lưới một cách tự nhiên. Trong mạng lưới, mỗi trường vẫn phải chủ động nghiên cứu thị trường, vì mỗi trường có phân khúc riêng, từ đó, có những điều chỉnh về nội dung, giáo trình, ngành nghề đào tạo cho phù hợp. Khi tự chủ, các trường chủ động kiểm soát được các hoạt động và sẽ phát triển tốt; nếu các trường không tìm kiếm được nguồn tuyển sinh, yếu kém trong quản lý sẽ phải tự giải thể. Trong quy hoạch lại mạng lưới, nếu các trường không tự chủ thì Nhà nước không thể có đủ nguồn tài chính đầu tư lâu dài cho bộ máy quá lớn như hiện nay.

Thay đổi phương thức trong quản lý

Từ việc xác định tự chủ ĐH dẫn đến cần phải thay đổi phương thức quản trị ĐH. Vậy theo ông, cần thay đỏi phương thức quản trị ĐH như thế nào?

GS. Đinh Xuân Khoa

Nói đến tự chủ là nói đến mối quan hệ giữa Nhà nước và cơ sở giáo dục ĐH, tự chủ cao đồng nghĩa với mức độ can thiệp thấp của Nhà nước vào các công việc của cơ sở giáo dục ĐH. Trên thực tế, các trường ĐH Việt Nam, mức độ tự chủ còn thấp.

Tôi đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Đông Phong, Nguyễn Hữu Huy Nhựt (Trường ĐH Kinh tế TPHCM), muốn đổi mới quản trị ĐH hiệu quả để đem đến chất lượng, Chính phủ cần xây dựng lộ trình xóa bỏ cơ chế chủ quản, đưa đầu mối quản lý Nhà nước tất cả các trường ĐH về Bộ GD&ĐT; hủy bỏ chức năng kiểm soát, quản lý theo lối chi tiết của Nhà nước. Chính phủ, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng chính sách, hành lang pháp lý và trên hết là không làm thay, can thiệp vào công việc nội bộ của các trường. Cần củng cố, xác lập vai trò chủ đạo của Nhà nước trong đầu tư, hỗ trợ các trường, trên cơ sở trao quyền tự chủ, trách nhiệm xã hội/giải trình cho các trường. Theo chúng tôi, nhà nước có vai trò giám sát.

Về mối quan hệ giữa ba thiết chế quản trị trường ĐH tự chủ, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những "điểm nghẽn" là vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, và mối quan hệ giữa ba thiết chế lãnh đạo, quản trị, quản lý trường ĐH là Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu.

Về vấn đề này, theo chúng tôi, nên vận dụng các nguyên tắc đã được áp dụng khi giải quyết các mối quan hệ giữa Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ ở tầm quốc gia. Ở đây cần có sự tin tưởng lẫn nhau giữa bộ phận lãnh đạo, quản trị và bộ máy điều hành, quản lý. Khi các bên hiểu rõ trách nhiệm của mình, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau thì quan hệ giữa các bên sẽ tốt đẹp, được tối ưu hóa, sức mạnh của các thiết chế này sẽ được cộng hưởng thành sức mạnh tổng hợp, mạnh mẽ và hiệu quả hơn rất nhiều so với từng thiết chế riêng rẽ.

Xin cảm ơn GS!

Nói đến tự chủ là nói đến mối quan hệ giữa Nhà nước và cơ sở giáo dục ĐH, tự chủ cao đồng nghĩa với mức độ can thiệp thấp của Nhà nước vào các công việc của cơ sở giáo dục ĐH.  Trên thực tế, các trường ĐH Việt Nam, mức độ tự chủ còn thấp. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ