Soi xét sự việc phải nhân văn

Soi xét sự việc phải nhân văn

(GD&TĐ) - Sự kiện gây xôn xao dư luận diễn ra suốt tuần lễ qua là việc tìm thấy 2 cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang sống lẩn trốn trong rừng ở huyện miền núi Tây Trà, Quảng Ngãi gần 40 năm. Không chỉ  báo chí trong nước mà ngay cả các tờ báo lớn của Anh, Trung Quốc như Daily Mail, Telegraph hay Sina đã đồng loạt đưa tin và đua nhau khai thác những khía cạnh ly kỳ xung quanh sự kiện, như không bao giờ có điểm dừng.

Đây là hệ quả khó tránh khỏi của tâm lý hiếu kỳ của công chúng, đặc biệt, khi câu chuyện "người rừng" lại đậm chất huyền thoại, không kém câu chuyện về Robinson sống ngoài đảo hoang cách đây cả hơn 500 năm trước.     

Tuy nhiên, có thể thấy mặt trái của tâm lý hiếu kỳ là đã sản sinh ra không ít tờ báo lá cải cũng như các trang mạng xã hội "mỗi ngày một chuyện", mổ xẻ làm sai lệch vấn đề xung quanh câu chuyện "người rừng" nói trên. Chẳng hạn như là tô vẽ thêm một vài chi tiết mà cơ quan chức năng đang còn thẩm định, chưa có kết luận, như Ông Hồ Văn Thanh là bộ đội chính quy, khi về nhà (vào trước 1975) trong tình trạng bị bệnh tâm thần, rồi hoảng loạn bồng đứa con một tuổi chạy trốn khi bom rơi trúng nhà.

Hay có trang mạng nước ngoài cho rằng việc ông Thanh bị áp tải về với gia đình là phản cảm, vi phạm nhân quyền; hay vin vào sự việc cha con ông Thanh muốn trở lại rừng để chỉ trích môi trường sống hiện tại ô nhiễm, toàn chất hóa học, chất kích thích; moi móc chuyện "nhân bản" xét nghiệm máu ở Hoài Đức (Hà Hội). Thậm chí ngay cả chuyện tăng giá điện tưởng như chẳng ăn nhập vào đâu với chuyện "người rừng" cũng được đem ra đối chiếu, so đọ...

Thiết nghĩ, khi phản ánh hay bình luận sự kiện, nên soi xét ở các khía cạnh con người theo đúng nghĩa. Tôi lục tìm trên hàng trăm tờ báo in, báo điện tử cũng như ý kiến ở các Website, Blog, Facebook  không hề có một ý kiến nào so sánh hình ảnh ông Hồ Văn Thanh còn phi thường hơn cả Robinson, vì ông Hồ Văn Thanh chạy trốn trong một tình trạng tâm thần hoảng loạn, lại đem theo đứa con nhỏ chỉ mới một tuổi mà tồn tại được ở một môi trường thiên nhiên khắc nghiệt tới gần 40 năm. Trong khi đó Robinson chỉ một mình nuôi sống mình ở đảo hoang 28 năm. Cũng không một ai ngợi ca việc làm của chính quyền địa phương bằng mọi cách đưa ông Thanh cuối đời trở về với gia đình, thôn xóm, với thế giới đích thực của loài người là nhân ái, nhân văn.

Hi vọng rồi đây, khi bầu tâm lý hiếu kỳ của công chúng lắng xuống, sẽ có những nhà văn, nhà báo, nhà điện ảnh tài năng, tâm huyết sẽ suy ngẫm chiều sâu của sự kiện, để có thể cho ra đời tác phẩm về nghị lực sống, khả năng lao động, chống chọi với thiên nhiên, thú dữ phi thường của bố con "người rừng". Những tác phẩm đó sẽ nhân văn và nổi tiếng như nhà văn Anh Daniel Defoe (1660-1731) đã từ câu chuyện có thật về một thủy thủ tên Alexander Selkirk, do đắm tàu, lạc trên hòn đảo hoang ngoài khơi Chilê mà dựng lên thiên tiểu thuyết nổi tiếng Robinson Crusoe, có giá trị giáo dục cao đối với mọi thế hệ, đặc biệt là thanh thiếu niên. Hi vọng rồi đây, cha con ông Hồ Văn Thanh cũng như Robinson Crusoe, sẽ được học cách hòa nhập và thân thiện trở lại với thế giới loài người. 

Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.