Sáng 18/1, bà Huỳnh Thị Kim Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết, tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp dành cho học sinh trung học năm học 2021-2022 tỉnh Đắk Lắk vừa kết thúc, 1 dự án của học sinh nhà trường tiếp tục đạt giải Nhất.
Đó là dự án “Thiết bị thông minh hỗ trợ đa chức năng cho người khiếm thị và bệnh nhân mất trí nhớ” của em Trần Quốc Nguyên – lớp 11A9; người hướng dẫn, cô Nguyễn Thị Hồng Diệp.
Trước đó không lâu, tại Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk năm 2021, dự án “Robot hỗ trợ bệnh nhân truyền nhiễm sử dụng công nghệ IOT” của em Nguyễn Quốc Nguyên cũng đã xuất sắc vượt qua 117 sản phẩm dự thi để đạt giải Nhất.
Cũng trong năm 2021, dự án “Ứng dụng quản lí lớp học” của em Trần Minh Giang, giáo viên hướng thầy Hà Anh Tuấn, đã xuất sắc đạt giải Nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật và giải Nhì khởi nghiệp cấp tỉnh.
Lí giải về sự thành công bước đầu này, thầy Hà Anh Tuấn – giáo viên Vật lí, tổ trưởng Tổ khảo thí nhà trường thông tin, xuất phát từ chỉ đạo sát sao, động viên kịp thời của Hiệu trưởng, đội ngũ nhà giáo và học sinh đã nỗ lực thi đua dạy tốt, học tốt, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm.
“Sau khi được tiếp cận các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới - PV), Ban Giám hiệu xác định nhiệm vụ trọng tâm, là phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Muốn thực hiện hiệu quả, phải gắn với các hoạt động trải nghiệm, nghiêm cứu khoa học trong nhà trường.
Ngay trong năm 2017, đã thành thành lập ban Chỉ đạo cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật của nhà trường gồm các thành viên chủ chốt. Có sự phân công, phân nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch, lộ trình, chọn đúng người, giao đúng việc gắn với động viên, khích lệ để thầy cô và học sinh cùng nỗ lực” - thầy Tuấn chia sẻ.
Cũng theo thầy Tuấn, then chốt của việc dạy học và nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng thực tiễn cao trong học đường phải gắn “học đi đôi với hành”.
Còn theo cô Nguyễn Thị Hồng Diệp, giáo viên môn Vật lí, xuất phát từ những vấn đề, tình huống diễn ra trong thực tế, khi dạy học giáo viên đưa ra các định hướng giúp học sinh vận dụng kiến thức, lý thuyết được học để tìm tòi và nghiên cứu thành các sản phẩm.
“Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, thực nghiệm cả giáo viên và học sinh đều gặp nhiều khó khăn, thậm chí là thất bại. Như, lên kế hoạch chuyển từ lý thuyết sang thực hành, thực nghiệm các bo mạch, chế tạo con chip lập trình…
Nhiều lần bo mạch đang thử đã cháy, con chip không hoạt động…, lúc này cả cô và trò lại phải đến các cửa hàng sửa chữa điện tử để tìm mua hoặc xin các thiết bị tương đồng. Rồi về mày mò, lắp ghép, cho chạy thử và điều chỉnh theo lập trình của dự án” - cô Diệp tâm sự.
Dù có những khó khăn, nhưng theo cô Diệp, điều quan trọng là mỗi giáo viên đều phải xây dựng kế hoạch dạy học sát với thực tiễn, hiểu học sinh muốn học, muốn phát huy được năng lực, phẩm chất thế mạnh nào.
“Nuôi dưỡng đam mê học tập, khám phá tri thức nhân loại cho học sinh là sứ mệnh của người thầy. Không chỉ dạy, mà còn phải đồng hành, tạo động lực, cùng khai phá những tiềm năng riêng biệt của mỗi em. Để tự thân các em tìm thấy niềm vui trong học tập thì sẽ đạt được kết quả tốt.
Những ý tưởng về dự án và sản phẩm của các em hôm nay mới chỉ mang tính định hướng và có tính ứng dụng vào thực tiễn, nhưng đó đã là chiếc “đòn bẩy” cho quá trình phát triển của học sinh và nhà trường” - cô Diệp nói thêm.
Theo thống kê, kể từ năm 2018 đến nay, đã có 6 dự án của học sinh Trường THPT Chu Văn An đạt giải tại các cuộc thi cấp tỉnh, trong đó 3 giải Nhất, 2 giải Nhì và 1 giải Ba.