Soi gương

NGƯT Tô Ngọc Sơn và học trò
NGƯT Tô Ngọc Sơn và học trò

Tôi không trực tiếp dạy nhóm học sinh lớp 5 này nhưng qua những lần sinh hoạt Đội, sinh hoạt ngoại khóa, tôi đã trở nên thân thiện với các em.

Lúc này tôi bước thật chậm để hòa vào nhóm, trong câu trả lời nhanh tôi đính kèm nụ cười khẽ: “Có chứ các em!”.

Bất giác tiếng cười khúc khích đồng thanh lại vang lên to hơn lúc đầu, hòa vào đó là câu nói khiến tôi phải dừng bước: “Thầy điệu... hihi...”.

Nụ cười khẽ bỗng đứng lại trên khuôn mặt người thầy. Tôi chưa kịp nói thêm lời nào các em đã nhí nhố, hí hửng chạy vụt ra sân trường tham gia các trò chơi cùng chúng bạn.

Đúng là bọn trẻ. Ánh mắt tôi lướt nhanh theo những trò tinh nghịch các em. Tôi lại nhẹ nhàng tiếp bước nhưng tình huống bất ngờ này khiến tôi phải bâng khuâng, suy nghĩ.

Tiếng trống trường cắt ngang những dòng suy nghĩ mông lung, tôi bước nhanh chân hơn vào lớp dạy. Sau lời chào đồng thanh dõng dạc đầy sinh lực và lời đáp: “Cảm ơn các em, thầy mời các em ngồi”, đâu đó vẫn còn tiếng thì thào, tiếng cười khúc khích, chắc có lẽ là dư âm của những cuộc nói chuyện, những trò tinh nghịch còn dở dang.

Tôi ổn định nhanh bằng câu chuyện mà tôi vừa được chứng kiến, tham gia: Các em có bao giờ soi gương chưa?

Câu hỏi bất ngờ đặt ra đã thu hút sự chú ý. Không đợi chờ các em suy nghĩ, tôi gọi ngay từng em một, các em trả lời không một chút khó khăn gì và vô cùng thú vị: Em xem để làm đẹp, để trang điểm, xem cách cười, soi gương để xem dáng đi, dáng đứng,...

Cả lớp cười phá lên với câu trả lời: Em soi gương để điệu.

Đúng rồi các em ạ. Mình soi gương để làm những chuyện như các em vừa kể là đúng đấy chứ, thầy cũng vậy mà – tôi trấn an những giọng cười ngây ngô như vậy. Câu kết luận này đã làm tăng thêm độ hưng phấn các em, tiếng cười như phá vỡ bốn bức tường, không khí lớp học tưng bừng hẳn lên.

Muốn giúp các em hiểu rõ hơn, tôi tiếp lời: “Trang điểm – có phải các em nhìn thấy đôi mắt chưa ấn tượng, mình kẻ thêm đường nét làm ấn tượng hơn không? Đôi môi còn nhợt nhạt mình tô thêm chút son cho tươi thắm hơn không? Mái tóc, làn da cũng vậy,... Rồi dáng đứng chưa được đẹp, mình thay đổi cho dễ nhìn hơn. Ánh mắt, nụ cười, … tất cả đều rất cần được trang điểm lại.

Soi gương là rất cần thiết phải không? Vậy mình có nên soi gương mỗi ngày không các em?

Thầy nghĩ: Tất cả chúng ta, dù rảnh rỗi hay bận rộn, nên dành một ít thời gian để soi gương. Soi gương với mục đích gì đi nữa cũng góp phần làm cho chúng ta đẹp hơn, mỗi ngày hoàn chỉnh hơn một chút và như vậy con người mình mới dễ nhìn, gần gũi, thân thiện hơn trong mắt mọi người các em ạ.”

Buổi học chiều hôm ấy, tôi lại tiếp tục nhận được sự bất ngờ khi vừa bước chân tới cổng trường. Tiến là một học sinh tuy không cá biệt nhưng cũng là đối tượng khá nghịch trong lớp, chạy ùa đến và thỏ thẻ: Trưa nay em soi gương thấy em còn ốm quá thầy ơi!

Tôi thở phào với niềm vui len lén, xoa đầu Tiến: Vậy em phải ăn đầy đủ và nhiều hơn nhé!

Nhìn thấy thầy trò bước song hành trên sân, thế là Hải Hà rồi Tuấn Vĩ,…rồi cả nhóm vây quanh khiến tôi phải ngồi lại băng ghế đá trên sân trường nghe em này khoe đã soi gương thấy điều này, điều khác và các em cũng chỉ ra được những cách sửa đổi, khắc phục khi mình nhận ra điều đó chưa hay, chưa tốt.

Trong lòng tôi bấy giờ thật sự dâng trào niềm vui sướng. Chính các em đã làm cho tôi nhận ra bao điều trong nghề dạy học của mình. Người thầy cần phải chăm chút, phải chịu khó lắng nghe dù chỉ là một mẩu chuyện đơn giản cũng cần phải suy nghĩ để tìm ra những điểm, đường nét, những dáng hình chưa phù hợp, chưa nổi bật, chỉnh sửa, điểm tô cho hòa hợp, cho cân đối.

Nhất là trong giai đoạn hiện nay, người thầy cần phải thận trọng hơn, kiểm soát lại mình nhiều hơn; phải thường xuyên soi gương để thanh lọc những điểm chưa hay, chưa đẹp, chưa phù hợp với thực tế, chưa tạo được sự đồng thuận, chưa thu hút được cái nhìn thiện cảm để có những việc làm, hành động, ý tưởng sáng tạo, để hình ảnh người thầy trở nên đẹp hơn, sáng hơn...

Không chỉ thế, chúng ta cần phải chỉ ra cách nhìn, rèn thêm kĩ năng soi gương cho học sinh mình, cho thế hệ tiếp nối để các em được thanh lọc, được chỉn chu, xứng đáng là những người chủ của tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ