(GD&TĐ) - Trong 10 năm qua (2001-2010), công tác phổ cập giáo dục Trung học cơ sở (PCGD THCS được quan tâm đúng mức và đã được công nhận hoàn thành mục tiêu PCGD THCS.
Mục tiêu của ngành giáo dục Sóc Trăng là phấn đấu đến năm 2010, Sóc Trăng đạt tiêu chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở. Để đạt mục tiêu trên, công tác PCTHCS được tiến hành qua 2 giai đoạn: Từ năm 2001 đến năm 2005, củng cố kết quả CMC-PCGD.TH, thực hiện PCGD THCS, PCGD.TH đúng độ tuổi; từ năm 2006 đến năm 2010 quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho những đơn vị còn khó khăn. Phấn đấu hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia về công tác PCGD THCS. Sau 5 năm triển khai, xem xét tiến trình thực hiện và rút kinh nghiệm từ huyện Kế Sách, năm 2005 Tỉnh ủy Sóc Trăng đã có Chỉ thị 16/TU ngày 28/3/2005 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác PCGD THCS, trong đó xác định: “Các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, đặc biệt là Sở Giáo dục - Đào tạo có sự phối hợp hành động chặt chẽ, xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể, sát hợp tổ chức thực hiện”; đồng thời, đề ra mục tiêu đến cuối năm 2008 tỉnh đạt chuẩn quốc gia về PCGD THCS.
Ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng khẳng định: “Quan điểm chỉ đạo của tỉnh trong những năm qua đối với công tác phổ cập giáo dục là giáo dục chính quy trong nhà trường, có chất lượng và hiệu quả nhất. Do đó, chúng tôi đã chỉ đạo trong toàn ngành bằng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập; các trường học phải thực hiện tốt việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa, tích cực nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người thầy, giáo dục tốt về ý thức, thái độ, động cơ học tập cho học sinh”. Trong 10 năm qua, giáo dục Sóc Trăng đã có bước tiến vượt bậc, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Quy mô giáo dục, hệ thống trường, lớp, học sinh phát triển mạnh. Ở các xã trong tỉnh đều có hệ thống trường học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở hoàn chỉnh. Đặc biệt, một số xã, trung tâm cụm xã đã có trường trung học phổ thông, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của các em, nhất là người dân tộc. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng được nâng cao chất và số lượng, có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì học sinh thân yêu, luôn khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Hàng năm, ngành giáo dục cũng đã thực hiện tốt “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” huy động các đối tượng ra lớp; đảm bảo từ 99 - 100% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1; 96 - 100% trẻ tốt nghiệp tiểu học vào học lớp 6. Đẩy mạnh tiến độ PCGD.TH đúng độ tuổi, tạo điều kiện bền vững và hoàn thành mục tiêu thực hiện PCGD THCS ở các địa phương.
HS trường DTNT Long Phú trong giờ học thể dục |
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, ngành giáo dục Sóc Trăng cũng gặp không ít khó khăn như: Nhiều gia đình, đặc biệt ở vùng sâu, vùng khó khăn còn rất nghèo, chưa quan tâm đến việc học của con em mình; cho các em nghỉ học sớm để kiếm sống; một số gia đình khác vì nghèo khó phải đi làm ăn xa mang theo con cái, bỏ dở việc học. Bên cạnh đó, một số cơ sở kinh tế tư nhân tuyển lao động thủ công độ tuổi 15-18, nên nhiều em đã bỏ học để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc học tập của học sinh, gây khó khăn cho công tác phổ cập giáo dục. Tình trạng cơ sở vật chất các trường học nhất là các trường THCS, THPT tuy đã được đầu tư đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Toàn tỉnh đã cơ bản xóa phòng học ca ba nhưng phòng học tạm vẫn còn khá nhiều ở vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ học sinh lưu ban và học trễ tuổi ở bậc tiểu học và bỏ học ở THCS còn khá cao, làm chậm tiến độ thực hiện các mục tiêu PCGD, PCGD.TH đúng độ tuổi và PCGD THCS.
Trước những khó khăn đó, ngành giáo dục Sóc Trăng nói riêng, tỉnh Sóc Trăng nói chung đã phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là sự tham gia của các tổ chức đoàn thể - xã hội hỗ trợ. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Sóc Trăng, với vai trò là một thành viên của Ban Chỉ đạo công tác PCGD THCS tỉnh, hàng năm đều có kế hoạch liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tốt các hoạt động Đoàn, Đội trong trường học, trong đó chú ý các hoạt động nhằm xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn góp phần giảm thiểu tỷ lệ học sinh yếu kém, bỏ học. Các chiến dịch hè tình nguyện hàng năm đã vận động được hàng ngàn học sinh bỏ học ra lớp, mang lại hiệu quả rất lớn cho phong trào, nhất là các địa phương khó khăn. Thông qua các hoạt động của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường, đã vận động học sinh bỏ học trở lại lớp chính quy hoặc lớp không chính quy, hỗ trợ tập, sách, quần áo học bổng cho học sinh nghèo... Bên cạnh đó, các cấp hội Khuyến học, hội Liên hiệp phụ nữ, hội Nông dân đã tích cực vận động nhân dân hiến đất xây dựng trường học, cấp phát học bổng, vận động học sinh bỏ học ra lớp... góp phần không nhỏ vào kết quả thực hiện công tác PCGD THCS.
Với những nỗ lực đó, năm 2008 tỉnh Sóc Trăng được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD THCS với kết quả tốt nghiệp THCS (2 hệ) năm học 2007 - 2008: 16.960/17.220, đạt tỉ lệ 98,49%; Tỷ lệ thanh thiếu niên 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS: 61.493/76.124, đạt tỉ lệ 80,78%; 105/105 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thành phố đạt chuẩn về công tác này; trong đó, huyện Kế Sách là đơn vị đầu tiên được công nhận đạt chuẩn vào năm 2004. Trong 2 năm 2009-2010, Sóc Trăng tiếp tục duy trì và nâng dần chất lượng đối với công tác PCGD THCS, phổ cập giáo dục tiểu học và đặc biệt là phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Năm 2010, toàn tỉnh đã có 98,71% số người tốt nghiệp THCS (2 hệ); thanh thiếu niên 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS, tỷ lệ 81,4%, hoàn thành nhiệm vụ đề ra đúng kế hoạch.
Cao Nguyên