Nhiều thí sinh thi bài thi tổ hợp KHXH đều nhận xét đề thi không khó.
Trong khi đó, nam thí sinh Mai Vỹ lại nhận xét đề thi ở tổ hợp KHTN khá khó. Theo thí sinh Vỹ, môn Hóa học và Sinh học rất khó, hi vọng đạt từ 5-6, còn môn Vật lý thì không khó nhưng đạt điểm cao không dễ.
Thí sinh Nguyễn Quang Vinh cũng nhận xét đề thi tổ hợp KHTN khá khó nhằn.
Chia sẻ về đề thi, thí sinh Nguyễn Hữu Minh, thi tại điểm thi THPT Mỹ Xuyên cho biết: Tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, em chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội. Sau khi hoàn thành buổi thi sáng nay, em nhận thấy, đề thi các môn không quá khó, các bạn học lực tầm trung là làm được. Trong 3 môn, em ấn tượng đề thi môn thi Địa lý, bởi dễ cho các bạn. Còn môn Giáo dục công dân mức vận dụng hơi cao ở một số câu hỏi. Với những câu này em phải làm theo phương pháp loại trừ.
Còn thí sinh Lê Bảo Quốc cho biết: Em chọn tổ hợp Toán, Hoá, tiếng Anh để xét tuyển vào đại học nên em tập trung chủ yếu vào môn Hoá, Lý và Sinh em làm để đủ tốt nghiệp. Môn Hoá 30 câu đầu rất dễ, 10 câu còn lại em chỉ làm được khoảng 3 câu vì rất khó và cách ra đề khá lạ. Những câu hỏi này dùng để phân hoá thí sinh.
Theo các thí sinh đánh giá, đề thi tổ hợp năm nay có cấu trúc tương đối sát với các đề minh họa trước đó, các câu khó - dễ được sắp xếp đan xen. Riêng môn Hóa, 30 câu đầu tương đối dễ, các câu sau khó hơn so với các thí sinh có học lực trung bình. Tuy nhiên các thí sinh học lực khá vẫn có thể đạt được điểm cao.
Thí sinh Sóc Trăng hoàn thành bài thi. |
Theo các thầy cô giáo, đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, mỗi môn thi thành phần Vật lý, Hóa học và Sinh học vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Trong đó, các câu hỏi phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (90%). Khoảng 60 - 70% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 30 - 40% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.
Đối với đề thi tổ hợp Khoa học xã hội, đề thi môn Lịch sử không khó như năm trước, đề thi có độ phân hoá cho học sinh tham gia xét tuyển vào các trường đại học. Học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản thì có thể làm được. Phổ điểm trung bình khoảng 6 - 7 điểm, sẽ có thể xuất hiện nhiều điểm 8, 9. Đề có sự phân hoá ở mức độ điểm 9 - 10. Đề thi theo phản ánh chung của một số em học sinh là không quá khó và dài như năm trước, nếu học sinh dùng môn Lịch sử để xét tốt nghiệp thì sẽ dễ dàng đạt điểm trung bình hơn so với đề thi năm 2021.
Đối với đề thi môn GDCD, cũng như đề thi môn Lịch sử và Địa lý, đề gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm. Nội dung các câu hỏi trong đề thi môn GDCD chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và một số bài trong chương trình học kỳ I của lớp 11. Theo nhận định chung của giáo viên dạy môn GDCD và học sinh thì đề năm nay không khó so với năm trước. Phổ điểm trung bình từ 7 - 8 điểm. Sẽ có nhiều học sinh có điểm 9, 10. Tuy nhiên, nếu học sinh không nắm chắc kiến thức thì cũng khó thể đạt được điểm cao. Nhất là 4 câu kiến thức lớp 11 thuộc mức độ nhận biết nhưng nếu học sinh không nắm kiến thức cơ bản sẽ không làm được bài.
Đề thi đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Sóc Trăng, ở tổ hợp môn KHTN, toàn tỉnh có 2.928 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó có 2.833 thí sinh đăng ký cả bài thi, 8 thí sinh đăng ký môn thành phần 1, có 2 thí sinh đăng ký thi môn thành phần 2; 23 thí sinh đăng ký môn thành phần 1 và 3, có 56 thí sinh đăng ký thi môn thành phần 2 và 3.
Còn ở tổ hợp KHXH, có 7.070 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó có 6.403 thí sinh đăng ký cả bài, 57 thí sinh đăng ký môn thành phần 1, môn thành phần 2 chỉ có 1 thí sinh đăng ký, thí sinh đăng ký môn thành phần 1 và 3 là 608, chỉ có 1 thí sinh đăng ký môn thành phần 1 và 3.
Buổi thi thứ 3, Sóc Trăng có 29 thí sinh vắng ở tổ hợp KHTN, 39 thí sinh vắng ở tổ hợp KHXH. Cả hai tổ hợp đạt khoảng 97%.
Tình hình buổi thi diễn ra an toàn, không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi.