Số tiền 'khủng' đi đâu trong vụ án thất thoát hơn 3,8 triệu USD tại Bộ Y Tế?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long đã cố tình che giấu, mập mờ hồ sơ.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Ngày 21/11, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và 7 bị cáo khác trong vụ án gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu thuốc để phòng, chống dịch cúm A (H5N1).

Quanh co lý do “ỉm” 3,8 triệu USD

Trước khi phiên tòa được mở, bị can Nguyễn Thanh Tòng (SN 1959, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long) đã tử vong do mắc bệnh mãn tính.

Trong số 8 bị cáo bị đưa ra xét xử, ngoài cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang còn có 4 bị cáo khác là cựu cán bộ, lãnh đạo của Bộ Y tế gồm: Dương Huy Liệu (SN 1948, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính); Nguyễn Nam Liên (SN 1970, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Phó Trưởng ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A, Bộ Y tế); Phạm Thị Minh Nga (SN 1972, chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính, cựu Kế toán trưởng Ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A, Bộ Y tế) và Nguyễn Việt Hùng (SN 1956, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế). Các bị cáo này bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo còn lại gồm: Lương Văn Hóa (SN 1957, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long); Nguyễn Văn Thanh Hải (SN 1967, cựu Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long) và Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (SN 1952, cựu Giám đốc Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, kiêm Giám đốc điều hành phòng xuất, nhập khẩu thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ .

Tại tòa, bị cáo Lương Văn Hóa khai, bản thân có 6 năm công tác tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long với tư cách là Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT và có trách nhiệm điều hành, chỉ đạo các hoạt động của công ty. Bản hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long với Bộ Y tế về việc đặt hàng mua nguyên liệu sản xuất thuốc để phòng, chống dịch cúm A được bị cáo này trực tiếp ký.

Khi được HĐXX hỏi về khoản tiền 3,8 triệu USD là tiền đối tác nước ngoài giảm giá nhưng các bị cáo không nộp lại Nhà nước mà giữ lại, bị cáo Hóa khai báo rằng chỉ khi nào được bên đối tác nước ngoài chính thức giảm giá thì bị cáo mới báo cáo. Do chưa có văn bản chính thức của phía đối tác về việc giảm giá nên bị cáo chưa có văn bản báo cáo lên Bộ Y tế.

Bị cáo Hóa trình bày trước tòa rằng, năm 2005 là thời điểm đặc biệt khó khăn của các doanh nghiệp, lãi suất ngân hàng tới hơn 20%. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long là doanh nghiệp Nhà nước nên vốn rất ít, phải vay ngân hàng. Cho nên, đơn vị này đã hạch toán, sử dụng số tiền trên để “giải cứu” trong lúc phải trả lãi ngân hàng cao.

Bị cáo Hóa sau đó đã chỉ đạo kế toán để hạch toán số tiền trên vào phần giảm giá hàng hóa mua được trong 3 năm từ 2006 - 2008. Những lần hạch toán này, phía công ty không báo lại với Bộ Y tế.

“Bị cáo biết tiền đó là ngân sách Nhà nước và nhận thức được hợp đồng giữa 2 bên là hợp đồng kinh tế chứ không nhận thức được tiền của Nhà nước thì phải sử dụng thế nào. Về nội dung cáo trạng, bị cáo không có ý kiến gì. Bị cáo biết mình có lỗi”, bị cáo Hóa trình bày tại phiên xét xử.

Ông Cao Minh Quang thừa nhận sai sót

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang trình bày tại phiên tòa xét xử.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang trình bày tại phiên tòa xét xử.

Trong buổi chiều ngày 21/11, khi được hỏi về việc Bộ Y tế ban hành QĐ số 484, thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến thuốc Tamiflu, nguyên liệu và thuốc Oseltamivir dự trữ phòng chống dịch cúm A, bị cáo Cao Minh Quang cho biết trong QĐ thành lập ban có nội dung ghi rõ ban này hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Thứ trưởng quản lý y tế dự phòng.

Bị cáo Quang trình bày phạm vi của QĐ rất rộng, trong đó bao gồm cả mảng tài chính. Quyết định có quy định về một bộ phận quản lý tài chính riêng nên bị cáo nghĩ bản thân không có trách nhiệm hay quyền hạn kiểm tra, giám sát mảng tài chính.

Khi được hỏi về việc ký QĐ thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài chính - Bộ Y tế để kiểm tra tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc Tamiflu, nguyên liệu Oseltamivir, bị cáo Quang trình bày nhiệm vụ của Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài chính - Bộ Y tế là kiểm tra việc thực thi các hợp đồng của 4 công ty sản xuất thuốc, trong đó có Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long. Bị cáo Quang cũng xác nhận phạm vi kiểm tra của đoàn có bao gồm cả mảng tài chính, các hợp đồng.

“Sau khi Đoàn kiểm tra về, họ có báo cáo nhưng nội dung rất rộng, bị cáo nhớ phần tài chính của Công ty Dược phẩm Cửu Long có báo cáo về số tiền 3,8 triệu USD”, bị cáo Quang trần tình.

Cũng theo lời cựu Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết lúc đó, ông chưa có chỉ đạo gì thêm mà chỉ nhận được kiến nghị từ Bộ Tài chính về việc kiểm tra nội dung xoay quanh số tiền 3,8 triệu USD và trong báo cáo của Đoàn kiểm tra gửi lãnh đạo bộ, phần chính không đề cập đến nội dung về số tiền 3,8 triệu USD mà Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long chưa thanh toán cho nhà cung cấp.

Khi bị HĐXX chất vấn về việc không chỉ đạo kiểm tra, bị cáo Quang nhận trách nhiệm, nói bản thân có lỗi, có thiếu sót trong việc này. Tuy nhiên, bị cáo Quang cũng trình bày quan điểm cá nhân là sai sót của bị cáo không ảnh hưởng trực tiếp đến sai phạm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long. Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đơn vị này đã cố tình che giấu, mập mờ hồ sơ.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.