Số phận SEPv4 Abrams được định đoạt

GD&TĐ -Theo Defense News, Quân đội Mỹ đã quyết định hủy bỏ chương trình nâng cấp Abrams lên chuẩn SEPv4 do bài học từ cuộc chiến ở Ukraine.

Mỹ thử nghiệm phiên bản SEPv4 Abrams.
Mỹ thử nghiệm phiên bản SEPv4 Abrams.

Kết buồn cho SEPv4 Abrams

Báo Mỹ cho biết, quân đội nước này sẽ hủy bỏ các kế hoạch nâng cấp hiện tại cho xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams và theo đuổi nỗ lực hiện đại hóa hơn nhằm tăng tính cơ động và khả năng sống sót trên chiến trường.

Cụ thể, quân đội Mỹ sẽ kết thúc chương trình Gói cải tiến hệ thống M1A2 phiên bản 4 (M1A2 SEPv4) và thay vào đó phát triển M1E3 Abrams tập trung vào những thách thức mà xe tăng có thể phải đối mặt trên chiến trường sau năm 2040.

Trong cuộc phỏng vấn của Defense News hôm 6/9 tại Hội nghị Tin tức Quốc phòng ở Arlington, Virginia, Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Gabe Camarillo nói rằng, SEPv4 sẽ không được đưa vào sản xuất theo kế hoạch.

"Chúng tôi sẽ đầu tư những nguồn lực vào chiếc Abrams mới. Chúng tôi dựa trên các mối đe dọa, đó là tất cả những gì chúng tôi đang thấy ở Ukraine, đặc biệt là về hệ thống phòng thủ chủ động, trọng lượng nhẹ hơn, khả năng sống sót cao hơn và tất nhiên cũng giảm gánh nặng hậu cần cho quân đội", Thứ trưởng Camarillo nói.

Thiếu tướng Glenn Dean, người điều hành chương trình hệ thống chiến đấu mặt đất của Lục quân Mỹ, cũng cho biết xe tăng Abrams không thể phát triển khả năng của mình nếu không giảm phụ thuộc hậu cần trong lúc tham chiến.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã cho thấy nhu cầu cấp thiết về các biện pháp bảo vệ tích hợp cho binh lính, được phát triển từ bên trong thay vì bổ sung thêm như chương trình nâng cấp đối với SEPv4 trước đây.

Tăng chiến đấu hạng nặng và xe bọc thép của châu Âu đã và đang gặp khó khăn khi hoạt động trong cuộc xung đột ở Ukraine, thường xuyên bị mắc kẹt trong bùn hoặc thiếu nhiên liệu. Ngoài ra, xe tăng châu Âu đã cho thấy dễ bị tổn thương trước hỏa lực của đối phương.

Các lực lượng Nga đã tiêu diệt khoảng 15 chiếc Leopard bằng nhiều loại vũ khí khác nhau, từ pháo binh, tên lửa phóng từ trực thăng cho đến máy bay không người lái như Lancet.

Ban đầu, xe tăng Leopard được coi là phương tiện giúp Ukraine giành ưu thế trong cuộc phản công, nhưng chúng đã chứng tỏ sự thất bại. Và những gì đã xảy ra với Leopard cũng có thể xảy ra với xe tăng Abrams khi chúng được chuyển cho Kiev.

Cả Abrams và Leopard phiên bản xuất khẩu đều không có hệ thống bảo vệ chủ động (APS) hoặc lớp giáp phản ứng nổ. Trong trường hợp những chiếc Leopard được chuyển giao cho Kiev, quân đội Ukraine đã phải khẩn cấp bọc giáp phản ứng nổ lấy từ xe tăng từ thời Liên Xô.

Sức mạnh SEPv4

Tướng David Bassett, Phó giám đốc Dự án Vũ khí Lục quân Mỹ (GCS), cho biết phiên bản SEPv4 sẽ được trang bị rất tối tân gồm bộ đo xa laser mới, camera màu, thiết bị kết nối mạng, cảm biến khí tượng, cơ sở dữ liệu đạn dược, thiết bị cảnh báo chiếu xạ laser và đạn pháo đa nhiệm tối tân (AMP) có uy lực hơn.

Ban đầu, mẫu tăng Abrams nâng cấp này dự kiến được thử nghiệm từ năm 2021 nhưng mốc thời gian này liên tiếp được quân đội Mỹ lần lùi lại.

Đạn AMP được thiết kế để tích hợp đặc điểm của 4 loại đạn pháo tăng khác nhau trong biên chế quân đội Mỹ hiện nay, có thể thay đổi chức năng tùy mục đích sử dụng.

Loại đạn này sẽ thay thế đạn nổ lõm chống tăng (HEAT) M830, đạn chống tăng đa dụng M830A1, đạn văng mảnh chống bộ binh M1028 và đạn phá hủy vật cản M908. Cơ sở dữ liệu đạn sẽ giúp kíp lái xác định loại đạn phù hợp nhất cho nhiệm vụ.

Trọng tâm gói nâng cấp SEPv4 là tích hợp tổ hợp cảm biến ảnh hồng ngoại (FLIR) thế hệ ba. Hệ thống này có độ phân giải và công nghệ xử lý kỹ thuật số hiện đại hơn các bộ FLIR trước đây, giúp tăng cường khả năng phát hiện mục tiêu ở tầm xa và trong điều kiện tầm nhìn bị cản trở bởi mưa, bụi hoặc sương mù.

Những thông tin này được gửi tới trưởng xe qua kính ngắm ảnh nhiệt riêng, giúp tiêu diệt đối phương trước khi bị phát hiện.

Quân đội Mỹ hy vọng gói nâng cấp lên chuẩn SEPv4 có thể giúp tăng Abrams đối phó được mẫu tăng T-14 Armata của Nga. Với việc kết thúc chương trình SEPv4, đối phó với T-14 là bài toán chưa có lời giải với Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ