Số phận hơn 500 máy bay kẹt ở Nga

GD&TĐ - 515 chiếc máy bay Airbus và Boeing trị giá khoảng 10 tỷ USD mà hàng không Nga thuê của nước ngoài kẹt lại nước này, khiến các chủ sở hữu như ngồi trên đống lửa.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau khi hứng đòn trừng phạt của phương Tây, Nga lệnh cho tất cả các hãng hàng không trong nước dừng bay quốc tế. Điều này đồng nghĩa 515 chiếc máy bay Airbus và Boeing trị giá khoảng 10 tỷ USD mà hàng không Nga thuê của nước ngoài kẹt lại nước này, khiến các chủ sở hữu như ngồi trên đống lửa.

Tới ngày 14/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến thêm một bước là ký sắc lệnh cho phép các hãng hàng không Nga tiến hành đăng ký lại các máy bay thuê để đủ điều kiện khai thác các đường bay trong nước. Điều này có thể được hiểu là Moscow mở đường để “tịch thu” các máy bay thuê của nước ngoài nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây.

Động thái này khiến các công ty cho thuê máy bay nước ngoài lo sợ về một viễn cảnh vỡ nợ hàng loạt, do có nguy cơ không thể lấy lại số máy bay đang cho các hãng hàng không Nga thuê. Mối bùng nhùng liên quan đến hơn 500 máy bay thương mại này bắt đầu từ ngày 27/2, khi EU yêu cầu tất cả các công ty cho thuê máy bay quốc tế phải hủy hợp đồng với các hãng hàng không Nga, như một phần của lệnh trừng phạt Moscow vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo đó, bên cho thuê máy bay quốc tế chủ yếu là từ phương Tây được cho khoảng thời gian 30 ngày để thu xếp đưa số máy bay cho các hãng hàng không Nga thuê ra khỏi lãnh thổ nước này. Nhưng trên thực tế, các bên cho thuê chỉ kịp thu hồi 24 trong số hơn 500 máy bay Airbus và Boeing các loại mà hãng hàng không Nga đang thuê.

Mọi việc không đơn giản như lệnh của EU vì các hãng hàng không Nga, trong đó lớn nhất là Hãng hàng không quốc gia Aeroflot đã gom hết số máy bay của mình trên thế giới về nước từ trước ngày 8/3, để tránh tình huống bị giữ ở nước ngoài do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Biện pháp đối phó của Nga này khiến ngành công nghiệp cho thuê máy bay thế giới chao đảo do quyền đòi lại máy bay cho thuê bị chặn lại.

Trong khi đó, cuộc xung đột Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow sẽ còn kéo dài.

Tình huống này khiến các công ty cho thuê máy bay đối mặt với khả năng không thể thu hồi tài sản của mình trong ngắn hạn. Trong số này, Công ty AerCap Holdings NV có trụ sở tại Dublin (Ireland) có số lượng máy bay cho Nga thuê nhiều nhất, với tổng cộng 152 chiếc, tổng trị giá khoảng 2,5 tỷ USD.

Trong khi tình hình còn rối như tơ vò, Nga lại bồi thêm một cú hôm 14/3 khiến các công ty cho thuê máy bay của phương Tây thêm điêu đứng bằng sắc lệnh cho các hãng hàng không Nga đăng ký lại những chiếc máy bay đang thuê. Qua đó chúng sẽ tiếp tục được khai thác các đường bay nội địa dưới đăng ký mới.

Theo thống kê, thị trường hàng không Nga có gần 780 máy bay thuê gồm 515 chiếc thuê từ các công ty nằm bên ngoài Nga. Đặc biệt trong số này có một chiếc Airbus A350 đời mới được hãng cho thuê nước ngoài bàn giao cho Aeroflot đúng ngày Nga mở màn chiến dịch tại Ukraine hôm 24/2.

Việc Nga cho phép đăng ký lại các máy bay cho thuê nhằm đáp trả việc Bermuda và Ireland, nơi đăng ký của phần lớn các máy bay thuê nước ngoài đang hoạt động tại Nga, thông báo đình chỉ chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đối với số máy bay này.

Việc đăng ký lại nói trên sẽ gây ra một hệ lụy vô cùng phức tạp sau này để giải quyết số phận của hơn 500 chiếc máy bay, sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine kết thúc và lệnh trừng phạt Nga của phương Tây được dỡ bỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.