Số phận của những phụ nữ bị gán mác phù thuỷ

GD&TĐ - Trong thời đại cách mạng công nghệ, nhiều nơi trên thế giới vẫn tin rằng, phù thuỷ là những người phụ nữ mang lại hiểm họa cho con người và xã hội.

Ảnh chụp nhóm phụ nữ bị ruồng bỏ vì là phù thuỷ tại Sierra Leone vào những năm 1990.
Ảnh chụp nhóm phụ nữ bị ruồng bỏ vì là phù thuỷ tại Sierra Leone vào những năm 1990.

Kéo theo đó là những hành động man rợ nhằm vào phụ nữ trên danh nghĩa “săn phù thuỷ”.

Các cuộc hành quyết

Hồi tháng 7/2020, cụ bà Akua Denteh, 90 tuổi, đã bị người dân sống tại một ngôi làng ở quốc gia Tây Phi Ghana, bắt giữ và đánh đập đến chết vì họ buộc tội bà là phù thuỷ.

Việc bà Akua Denteh bị gán mác phù thuỷ không phải trường hợp hy hữu ở Ghana hay trên thế giới. Tuy nhiên, cái chết của bà đã làm nổi bật định kiến của Ghana với những phụ nữ bị buộc tội hành nghề phù thuỷ, dù nhiều người trong số họ đã cao tuổi.

Ở nhiều quốc gia khác, phụ nữ vẫn bị buộc tội hành nghề phù thuỷ mỗi năm. Họ bị bức hại, thậm chí là bị giết, trong các cuộc “săn phù thuỷ” có tổ chức, nhất là ở châu Phi, Đông Nam Á và châu Mỹ Latinh.

Dù nhiều tổ chức, hội truyền giáo đã kêu gọi chấm dứt hành động săn lùng phù thuỷ nhưng nhiều phụ nữ trên thế giới ngày nay vẫn là nạn nhân của hủ tục này. Những cuộc đi săn xuất phát từ châu Âu vào khoảng thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 và lan rộng ra thế giới cho đến ngày nay.

Nhà sử học Wolfgang Behringer, giáo sư chuyên về thời kỳ cận đại tại Đại học Saarland, Đức, cho biết trong 3 thế kỷ này, khoảng 50.000 đến 60.000 người bị cho là phù thuỷ đã bị sát hại tại châu Âu.

Đây là một con số khổng lồ, gần gấp đôi dân số tại một thành phố lớn ở Đức tại thời điểm đó. Tuy nhiên, chỉ riêng trong thế kỷ 20, số người bị hành quyết trong các cuộc săn phù thuỷ còn nhiều hơn ba thế kỷ trước cộng lại.

“Từ năm 1960 đến 2000, chỉ tính riêng ở Tanzania, khoảng 40.000 người bị cáo buộc hành nghề phù thuỷ đã bị sát hại. Dù luật pháp Tanzania không có quy định chống phù thuỷ nhưng tại các ngôi làng, người dân tự cho rằng đây là điều cần thiết”, ông Wolfgang Behringer cho biết.

Tranh vẽ một buổi thiêu sống phù thuỷ vào thế kỷ thứ 15 tại châu Âu.

Tranh vẽ một buổi thiêu sống phù thuỷ vào thế kỷ thứ 15 tại châu Âu.

Theo giáo sư này, các cuộc hành quyết không chỉ diễn ra tuỳ tiện và mang tính cá biệt mà đứng sau đó là quyết định của một tập thể. Do đó, các cuộc săn phù thuỷ không phải vấn đề lịch sử mà là một vấn đề nhức nhối vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Tại Ghana, cho đến nay vẫn tồn tại những khu tập trung phù thuỷ như Kukuo với 450 người, Tindang 350 người, Gushiegu 120 người... Ở Kenya, huyện Kisii được coi là “vành đai phù thuỷ” bởi mức độ nổi tiếng của các cuộc săn phù thuỷ.

Tất cả những phụ nữ bị cáo buộc là phù thuỷ đều bị bắt và giết bằng cách thiêu sống vì người dân tin rằng nếu không đốt cháy thân thể phù thuỷ thì sau khi đem chôn, người này sẽ đội mồ sống dậy.

Ngày 21/5/2008, tại “vành đai phù thuỷ” huyện Kisii, 11 người đã bị đám đông thiêu sống vì nghi ngờ là phù thuỷ. Chỉ một người không bị thiêu là góa phụ Dimba, 70 tuổi, nhưng bà bị bắt phải uống một loại thuốc làm từ nhiều loại rễ, vỏ cây không rõ nguồn gốc. Bà Dimba qua đời 4 tiếng sau khi uống thuốc.

Kẻ cầm đầu vụ giết người tập thể này là Tsete. Hắn ta tuyên bố: “Giết phù thuỷ là hình thức phục vụ cộng đồng và báo thù cho những nạn nhân đã bị phù thuỷ hãm hại. Bằng việc thiêu chết phù thuỷ, chúng tôi đã đảm bảo sự an toàn cho cuộc sống của mọi người”.

Trong khi đó tại Tanzania, nạn nhân của những cuộc săn phù thuỷ thường là người mắc bệnh bạch tạng. Một số người tin rằng các bộ phận cơ thể của người bạch tạng có thể được chiết xuất làm thuốc chống lại mọi bệnh tật.

Do đó, họ tìm cách bắt nhốt, xẻo thịt những người bạch tạng. Sự việc tương tự cũng xảy ra tại Zimbawe và nhiều nơi khác trên châu Phi.

Nguy hiểm không chỉ rình rập những người bị cáo buộc là phù thuỷ mà người thân của họ cũng bị liên luỵ. Ở Cộng hòa Dân chủ Congo, những đứa trẻ là con của phù thuỷ thường bị gia đình ruồng bỏ. Hay những đứa trẻ là con ngoài giá thú, dù mới sinh ra, đã bị coi là phù thuỷ và cần tiêu diệt.

Bà Thérèse Mema Mapenzi, người làm cho dự án truyền giáo ở thành phố Bukayu, miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo cho biết: “Có nhiều trường hợp những đứa trẻ là hậu quả của nạn hiếp dâm hay con ngoài giá thú, nhưng chúng đã bị chính cha mẹ mình ruồng bỏ”.

Cơ sở truyền giáo của bà Mapenzi ban đầu được thành lập làm nơi trú ẩn cho những người phụ nữ bị hiếp dâm hay bạo hành. Nhưng những năm qua, bà đã tiếp đón ngày càng nhiều trẻ em là nạn nhân của các cuộc “săn phù thủy”.

“Khi đến cơ sở của chúng tôi, những đứa trẻ thường ở trong tình trạng bị đánh đập dã man, bị coi là phù thuỷ hoặc chịu nhiều nỗi đau khác cả về thể xác lẫn tinh thần. Chỉ cần nhìn chúng thôi cũng thấy đau lòng. Chúng tôi luôn bị sốc khi thấy những đứa trẻ còn quá nhỏ mà không được bảo vệ và yêu thương”, bà Mapenzi chia sẻ.

Tư tưởng coi thường phụ nữ

Một người phụ nữ châu Phi kể lại trải nghiệm bị cáo buộc là phù thuỷ.

Một người phụ nữ châu Phi kể lại trải nghiệm bị cáo buộc là phù thuỷ.

Không chỉ ở châu Phi, các cuộc săn lùng phù thuỷ vẫn là chủ đề nóng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ước tính, khoảng 36 quốc gia vẫn còn duy trì hủ tục săn phù thuỷ, trong đó phải kể đến Ấn Độ.

Ba người phụ nữ Madhuben, Susilaben và Kalaben (tên nhân vật đã được thay đổi) sống tại bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ, vẫn chưa thể nào quên sự kiện kinh hoàng xảy ra với họ vào năm 2014. Cả ba bị cáo buộc là phù thuỷ và bị những người đàn ông khác trong làng vây bắt, áp giải ra trung tâm làng.

Ở đó, họ bị mọi người dùng những ống sắt dày và gậy gỗ đánh túi bụi lên người. Madhuben nắm chặt cánh tay phải đã bị gãy sau ba cú đánh từ gậy sắt.

Bên cạnh cô, hai người chị Susilaben và Kalaben, đưa tay che đầu trong khi những cú đánh liên tiếp rơi xuống người họ. Sau trận đánh “thập tử nhất sinh”, họ bị ép ký giấy giao quyền sử dụng đất cho những thành viên khác là nam giới trong dòng họ.

“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ký. Họ doạ sẽ giết chúng tôi nếu chúng tôi không giao đất cho họ”, chị Madhuben chia sẻ.

Câu chuyện của ba chị em Madhuben bắt nguồn từ việc hai người đàn ông hàng xóm đi vệ sinh lên khu vườn nơi họ trồng hoa màu. Cả ba đã nhiều lần cấm hai người này không được phép lặp lại hành động như vậy. Khoảng một năm sau đó, hai người đàn ông mắc bệnh suy thận và ung thư, cuối cùng qua đời do không được chữa chạy kịp thời.

Người dân trong làng đổ lỗi cho ba chị em Madhuben về cái chết của hai người đàn ông trẻ. Họ cho rằng ba người phụ nữ này là phù thuỷ và đã ăn linh hồn của những người đàn ông vì đi vệ sinh trên mảnh đất của phù thuỷ. Kể từ đó, chiến dịch “săn phù thuỷ” bắt đầu.

Vụ tấn công ba người là một trong hàng nghìn cuộc săn lùng phù thuỷ diễn ra ở Ấn Độ. Ước tính từ năm 2000 đến 2016, hơn 2.500 người Ấn Độ đã bị truy đuổi, tra tấn và sát hại trong các cuộc săn lùng, theo số liệu từ Cục Hồ sơ Tội phạm quốc gia Ấn Độ.

Nghiên cứu về bạo lực giới tại Ấn Độ, nhà xã hội học Soma Chaudhuri, làm việc tại Đại học bang Michigan, Mỹ, nhìn nhận việc chiếm đất đai và tài sản là khởi đầu cho các cuộc săn phù thuỷ.

Đôi khi, việc đánh đập những người phụ nữ dưới danh nghĩa săn phù thuỷ là lối thoát cho những người đàn ông trút bỏ nỗi thất vọng về hoàn cảnh sống nghèo khó, không địa vị của mình. Cùng với đó là tư tưởng coi thường phụ nữ.

Chiến dịch giải cứu

Tổ chức ANANDI, Ấn Độ, cứu trợ những người phụ nữ bị đánh đập trong những trận 'săn phù thuỷ'.

Tổ chức ANANDI, Ấn Độ, cứu trợ những người phụ nữ bị đánh đập trong những trận 'săn phù thuỷ'.

Trong những năm gần đây, khi nhận thức về vấn đề săn phù thuỷ được nâng cao, ngày càng nhiều tổ chức được thành lập để bảo vệ phụ nữ khỏi mối nguy hiểm trên.

Tại bang Gujarat, tổ chức phi chính phủ ANANDI được thành lập vào năm 2017, là nơi cưu mang và hỗ trợ những người phụ nữ bị cáo buộc và tấn công vì là phù thuỷ.

Những nạn nhân thường tập trung ở văn phòng của ANANDI, ngồi thành vòng tròn, chia sẻ đồ ăn và câu chuyện của họ. Đôi khi họ cần được giúp đỡ nhưng lúc khác, họ muốn có người lắng nghe và chia sẻ với những nỗi đau mà họ phải trải qua.

Các tình nguyện viên tại ANANDI sẽ ngồi một bên lắng nghe, ghi chép và tổ chức các buổi tuyên truyền, hội thảo về ứng phó với bạo lực giới. Họ cũng đến thăm từng bản làng, thuyết phục người dân xoá bỏ các hủ tục khỏi đời sống xã hội với sự hỗ trợ của cảnh sát và chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, ANANDI tổ chức các buổi thăm khám sức khoẻ, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc trẻ em, kỹ năng xử lý các bệnh thường gặp ở trẻ... để loại bỏ tư duy các căn bệnh xuất phát từ phù thuỷ.

Còn tại châu Phi, bà Thérèse Mema Mapenzi cho biết bên cạnh hỗ trợ các nạn nhân, tổ chức của bà cũng cố gắng tìm kiếm giải pháp đối thoại với cộng đồng để ngăn chặn hủ tục săn phù thuỷ.

Bản thân bà từng đứng ra làm người hòa giải và giúp nhiều gia đình đoàn tụ với những đứa con bị cáo buộc là phù thuỷ. Các cuộc vận động này thường mất từ 2-3 năm.

Tuy nhiên, thay đổi nhận thức của cả cộng đồng về một hủ tục đã ăn sâu trong tiềm thức họ là điều không hề dễ dàng. Đến nay, nhiều nơi vẫn cho rằng phù thuỷ là nguyên nhân gây ra các căn bệnh như HIV/AIDS hay vô sinh ở phụ nữ.

Khi không thể lý giải các hiện tượng tự nhiên, họ thường lấy người phụ nữ hoặc trẻ em - những đối tượng là người yếu thế, ra chịu trách nhiệm và trút giận.

Nhiều năm nghiên cứu về hủ tục “săn phù thuỷ”, chuyên gia Jörg Nowak, sống tại Đức, nhấn mạnh: “Không có ai gọi là phù thuỷ. Nhưng xã hội vẫn xuất hiện những lời buộc tội và bêu xấu để ma quỷ hóa người khác và để đạt được lợi ích cho riêng mình”.

Hiện nay, ngày 10/8 hàng năm được chọn làm Ngày Thế giới chống lại những cuộc “săn phù thuỷ”. Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình xoá bỏ hủ tục đầy nhức nhối này trên toàn thế giới.

Theo DW, SA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.