Évariste Galois ( 25/10/1811 – 2/6/1832 ) là nhà toán học thiên tài của nước Pháp thế kỉ 19 nói riêng hay của toàn nhân loại nói chung.
Nhưng lúc còn sống ông không nổi tiếng và được mọi người công nhận như vậy. Những bi kịch xảy ra đã đẩy ông tới vòng lao lý và tuyệt vọng.
Ông cũng là đại diện cho lớp thanh niên mang những hoài bão lớn với ý nghĩ táo bạo, dám nghĩ dám làm, là bài học cho mỗi chúng ta ngày nay.
Mặc dù có một trí óc xuất sắc rõ rệt và có giải pháp đột phá cho những bài toán mà một số những nhà Toán học lớn nhất thời ấy chưa làm được, Galois vẫn không được các định chế và các nhà Toán học đương thời công nhận.
Thiên tài quậy phá
Galois thường tự làm khó mình. Khi còn là học sinh ở trường trung học Louis-le-Grand, nơi Galois trải qua hầu hết tuổi trẻ của mình, chàng không những được mọi người biết tới qua sự thông minh hơn người, mà còn là một thiếu niên với cá tính khác thường.
Theo hồ sơ lưu tại trường thì mấy năm đầu Galois là “ngôi sao đang lên” đầy hứa hẹn, rồi sau đó biến dần thành một học sinh kém. Năm 16 tuổi, một thầy giáo của Galois bối rối ghi lại:
"Tính cách của học sinh này cho dù tôi có dễ dãi mấy cũng không thể hiểu nổi". Trong khi đó một thầy giáo khác diễn tả rõ ràng sự ghét bỏ: "Không có gì khác ngoài sự lơ đễnh và kỳ cục khác thường" hoặc "Sự điên cuồng của Toán học đã ám ảnh nó".
Sau này nhìn lại người ta cho rằng vì Galois rất thông minh, lại có năng khiếu đặc biệt về Toán, cho nên chàng ta không thể có đủ kiên nhẫn với chương trình học của nhà trường. Điều này khiến cậu trở nên kỳ quặc và khó hiểu trong mắt người khác.
Hai lần thi trượt
Trở về, ông ghi tên học lớp chuyên toán trường Louis-le-Grand do Louis Richard giảng dạy và cũng là người thán phục tài năng của Galois.
Ngày 1/4/1829, những công trình đầu tiên của ông viết về đề tài liên phân số được đăng trên "Niên giám toán học". Sau đó, Galois đã bỏ dở nhiều môn học để tập trung nghiên cứu các tác phẩm về hình học.
Giữa năm 1828, ông trình bày một số tiểu luận về phương pháp giải phương trình đại số cho Viện hàn lâm khoa học Pháp.
Nhưng vào tháng 7/1828, một biến cố đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc đời của Galois là việc cha ông, Nicholas Gabriel Galois, đã tự sát vì một lá thư nặc danh của một cha cố thuộc dòng Tên.
Ông đã trở thành người có tâm lý cực đoan và nỗ lực tham gia các hoạt động chính trị theo nhóm người Cộng Hòa
Vài tuần sau, Galois thi trượt vào trường Bách khoa lần thứ hai, trước sự ngạc nhiên của vị giáo sư dạy ông.
Người ta truyền tụng rằng, lý do bị đánh rớt là vì ông đã ném miếng giẻ vào đầu một vị giám khảo khi được hỏi một câu mà ông cho là ngớ ngẩn và ngu xuẩn về lượng giác.
Bị đuổi học
Sau đó chàng vào học trường Cao đẳng Sư phạm (ENS) nhưng chỉ được hơn nửa năm thì bị đuổi.
Học tại trường Sư phạm năm 19 tuổi, thầy dạy toán của ông đã đánh giá: "Người học trò này đôi khi diễn tả ý tưởng không sáng sủa, nhưng thông minh và tỏ ra một trí óc tổng hợp lỗi lạc".
Trong khi đó, thầy giáo vật lí Péclet đã đánh giá mỉa mai:
"Anh ta tuyệt đối không biết gì hết. Tôi đã được nghe rằng anh ta có khả năng toán học; tôi hoàn toàn ngạc nhiên về điểm này.
Khi chấm bài thi của anh, dường như anh có một tí thông minh hay là cái trí khôn này đã được giấu quá kỹ đến nỗi tôi không cách chi tìm ra nó!".
Tại đây, Galois trở thành một thành viên hăng hái của phe Cộng hòa, rồi chẳng bao lâu trở thành người chống đối lại ban giám đốc nhà trường, đặc biệt chống lại ông Hiệu trưởng Joseph-Daniel Guigniault.
Trong những ngày sôi động của tháng 7/1830, có nhiều cuộc hỗn loạn xảy ra trên đường phố Paris do sinh viên khởi xướng.
Khi ấy Hiệu trưởng Guigniault cho khóa cổng trường Sư Phạm, nhốt tất cả sinh viên ở lại trong khuôn viên nhà trường vì sợ rằng sinh viên có thể ra ngoài nhập vào lực lượng bạo động.
Galois rất bực tức vì mất cơ hội tham gia lực lượng cách mạng. Chàng không thể nào tha thứ cho ông Hiệu trưởng Guigniault, và từ đó mối quan hệ giữa Galois và nhà trường xấu đi.
Galois kết tội ông Hiệu trưởng Guigniault “có cái nhìn thiển cận và bảo thủ". Sau một lần đả kích ông hiệu trưởng trên báo, chỉ sau một tháng Galois đã bị đuổi học.
Công trình bị lãng quên
Augustin-Louis Cauchy
Tin tưởng vào những việc làm của mình, Galois gởi những khám phá Toán học lên Viện Hàn lâm Khoa học để được thẩm định.
Nhưng văn bản ấy của chàng đã bị Augustin-Louis Cauchy, người có trách nhiệm ở Viện Hàn Lâm và cũng là nhà Toán học hàng đầu thời bấy giờ làm thất lạc trong khi Galois không có bản sao nào khác, .
Một bản luận văn khác của ông cũng đã được đệ trình cho giải thưởng lớn toán học của Viện Hàn Lâm, Joseph Fourier (1768-1830) tự tay lấy bản văn đó về nhà nhưng lại qua đời một thời gian ngắn sau đó nên những tài liệu này cũng bị thất lạc.
Dưới cái nhìn của Galois, thì sự mất mát này không thể là tình cờ và cho rằng có thể Fourier đã hoặc không hiểu nổi nội dung bản văn hay là đã cố ý đánh mất nó.
Ngoài Fourier ra, những người có trách nhiệm đọc qua bản văn trong hội đồng giám khảo cũng bị Galois kết tội vì đã không đánh gi được ý nghĩa công trình này.
Chưa hết, Poisson sau này có nhận được một bản luận văn mới (bản thứ 3 của Galois) thì đã từ chối với lí do không đúng thời hạn nhưng thực sự là vì các hoạt động chính trị của Galois.
Galois cố gắng gửi những công trình của mình thêm hai lần nữa để được Viện Hàn Lâm đánh giá, nhưng người ta cũng quay lưng đi, không một lần bàn bạc với chàng.
Chính trị cực đoan
Chán ghét và thất vọng, Galois quay sang chính trị. Chàng gia nhập vào tổ chức Cấp tiến. Ở ngoài đường phố, Galois tham gia tích cực nhóm “Pháo binh Quốc gia”. Galois bị bắt nhưng may mắn được thả ra 2 tháng sau đó.
Được tự do chưa được 1 tháng, vào ngày kỷ niệm Cách Mạng năm 1831, Galois dẫn đầu một đoàn gồm khoảng 600 thành viên Cộng hòa quá khích và lại bị nhốt vào tù lần thứ 2.
Chính trong tù ông mới làm việc bằng trí óc. Ông viết về tích phân đại số và thuyết đa trị mà hiện nay không còn dấu vết.
Galois bị giam 2 tháng trước khi bị đưa ra tòa. Hy vọng được trả tự do tại tòa (như lần trước) là không thể có.
Phiên tòa 23/10 đã xử Galois 6 tháng tù. Sau đó Galois bị giam ở nhà tù Sainte Pélagie. Không chịu khuất phục Galois lại gây ra một cuộc nổi dậy của tù binh và bị bắt vào ngục tối.
Cuộc đấu súng định mệnh
Sau khi được thả không bao lâu, chàng đem lòng yêu một người phụ nữ trẻ tên là Stéphanie. Cuộc tình không những không ra gì mà còn đưa chàng đến một cuộc đấu súng tay đôi.
Biết rằng chỉ còn sống cho tới bình minh, Galois dùng hết đêm để viết vội vàng lại tất cả những sự khám phá sâu sắc nhất của mình. Chàng viết bên lề một trang giấy: “Tôi không có đủ thời gian”.
Buổi sáng ngày 30/5/1832 Galois đã bị đối thủ bắn vào bụng và bỏ chết trên một đường phố vắng vẻ ở Paris.
Galois đã chết trong vòng tay của Alfred, em ông với câu nói cuối cùng: “Em đừng khóc, anh cần can đảm để chết ở tuổi hai mươi".
Thiên tài được công nhận muộn màng
Những đóng góp toán học của Galois mãi đến năm 1843 mới được công nhận. Bản thảo của ông cuối cùng được công bố toàn bộ trong Tạp chí toán lý thuyết và ứng dụng năm 1846.
Tuy nhiên, phải đến năm 1870, khi nhà bác học Pháp Camille Jordan xuất bản cuốn sách giải thích nội dung bản thảo của Galois viết trước khi đấu súng, tài năng của nhà toán học vĩ đại này mới thực sự được thừa nhận.
Các nhà toán học thế giới ngày nay coi ông là người sáng lập đại số cao cấp và là một trong những người xây dựng nền tảng của toán học hiện đại nói chung.