Số hóa giáo dục tận dụng cơ hội tiếp cận trực diện các xu hướng mới

GD&TĐ - Vượt qua đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. 

Cô Nguyễn Ngọc Thủy, Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trong tiết dạy ứng dụng công nghệ thông tin.
Cô Nguyễn Ngọc Thủy, Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trong tiết dạy ứng dụng công nghệ thông tin.

Tận dụng cơ hội, tiếp cận trực diện các xu hướng mới của công nghệ giáo dục; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các điều kiện, nguồn lực của xã hội, nhà trường và gia đình học sinh được khai phá trong giai đoạn vừa qua là những yếu tố quan trọng để không bị lỡ nhịp “chuyển hóa số giáo dục” đến năm 2030.

Những thay đổi căn bản

Chuyển đổi số trong giáo dục mà thực chất là chuyển hóa giáo dục sang một “hình thái mới”, qua đó làm thay đổi các mối quan hệ nội tại hiện hữu, tạo ra sự đột phá trong phương thức, mô hình giáo dục mới. Đây là quá trình định hình lại giá trị cốt lõi và tầm nhìn, chuyển đổi cách tiếp cận, phương thức tổ chức hoạt động toàn diện dựa trên nền tảng công nghệ số trong giáo dục.

Không quá khó khăn để tiếp tục khẳng định phương thức giáo dục trực tuyến đã và tiếp tục tồn tại song song với các hoạt động thường nhật của nhà trường như trước đây. Phương thức này - với những khả năng và cơ hội cùng giải pháp phù hợp - sẽ tạo nên thay đổi cơ bản, toàn diện cho trường học trong một vài năm tới. Trong hoạt động quản trị nhà trường và dạy học, các nền tảng, giải pháp, công cụ công nghệ cho phép kết nối toàn diện, tổng thể, đưa ra quyết định tức thời hướng đến giải quyết những vấn đề ngày càng chính xác, thông minh, vì người học hơn.

TS Tôn Quang Cường.

TS Tôn Quang Cường.

Một trục tích hợp xuyên suốt tầm quốc gia, hệ thống kết nối quản lý cấp sở, phòng ở địa phương, mạng lưới các nhà trường, đấu nối đến từng lớp học, chia sẻ thông tin và ra quyết định đối với từng bối cảnh giáo dục, trường hợp học sinh cụ thể tại những thời điểm nhất định sẽ tạo nên mô hình nhà trường mới, có khả năng vận hành vượt ra khỏi giới hạn không gian, thời gian.

Khi đó, sẽ không còn phải băn khoăn đâu là lằn ranh giữa bài giảng trực tiếp với trực tuyến, giữa học tập của học sinh tại khuôn viên nhà trường, khuôn khổ tiết học với nhu cầu học tập tự thân của chính họ.

Giáo dục trực tuyến khi đó cũng không còn là sự phân phối và thực hiện các hoạt động một cách cơ học trên nền tảng Internet mà trên hết đòi hỏi chuyển đổi một cách tổng thể. Trong đó, nhận thức về tiếp cận giáo dục chuyển từ sư phạm hướng dẫn sang sư phạm thẩm quyền, tự điều chỉnh, tự định hướng mang tính quyết định.

Các hoạt động giáo dục trên nền tảng kết nối trực tuyến (đồng thời hoặc không đồng thời theo thời gian thực) được tích hợp với hoạt động trực tiếp dưới sự điều khiển, quản lý của giáo viên sẽ tạo ra cơ hội, khuyến khích học sinh tham gia vào bối cảnh học tập mới đầy sáng tạo, lý thú. Đó có thể là chuyến tham quan ảo, khám phá các phản ứng, hiện tượng trong thế giới tự nhiên; tương tác với vật thể được ảo hóa, mô phỏng, tái tạo sinh động, thực hiện thao tác không thể hoặc không có điều kiện thực hiện trong thế giới thực…

Trục tích hợp giáo dục còn đưa ra những khả năng xoay chuyển quỹ đạo biết - hành động - phát triển phổ biến trước đây thành cơ hội dạy học dựa trên trải nghiệm, liền mạch ngay trong phòng học, giờ học, tăng tính sáng tạo, dám chấp nhận thử thách của học sinh. Việc học tập của học sinh được cá nhân hóa và bối cảnh hóa dựa trên nhu cầu thực sự: Tự lựa chọn các vai trò, nội dung, yêu cầu, mục tiêu học tập và cách học riêng, theo tiến độ cá nhân; lựa chọn cơ hội và bối cảnh thực hành phù hợp nhất để “lấp đầy” khoảng cách (kiến thức, kỹ năng, năng lực) giữa khả năng hiện có với mong muốn đạt được.

Mặt khác, trên cơ sở tái cấu trúc chương trình giáo dục nhà trường, trường hợp áp dụng mô hình trục tích hợp cũng có khả năng thực hiện linh hoạt. Một nội dung bài giảng được số hóa tích hợp ngay trong tiết học, nhưng cũng có thể là nhiệm vụ mà học sinh cần tìm hiểu trước khi đến lớp hoặc giải quyết sau tiết học. Một giờ sinh hoạt, giới thiệu lịch sử địa phương cũng có thể tạo cho học trò cơ hội kết nối với thực tế trên nền tảng trực tuyến mà không cần phải di chuyển đến thực địa…

Trên cơ sở đó, bài giảng được chuẩn hóa có thể sử dụng cho nhiều thầy cô, học sinh, trường khác nhau. Học sinh có thể tiếp cận bài giảng đó với số lần không hạn chế theo nhu cầu và thời điểm thuận lợi của cá nhân, thực hiện các hoạt động nhận thức, trao đổi, chia sẻ… Và qua nhiều lần sử dụng, bài giảng đó lại được cập nhật, điều chỉnh để trở nên sinh động, hấp dẫn, đầy tính khoa học, sư phạm hơn, đóng góp vào kho học liệu, tài nguyên học tập dùng chung.

Việc tích hợp với tỷ lệ phù hợp các bài giảng trực tuyến tùy thuộc vào điều kiện, năng lực và định hướng của mỗi nhà trường, giáo viên... Những điều này sẽ không phá vỡ và làm mất đi giá trị trước đây của dạy học trực tiếp, đồng thời khẳng định tiềm năng của giáo dục trực tuyến đem lại khi sự hiện diện của quá trình nhận thức, hình thành năng lực của học sinh quan trọng hơn là sự “có mặt trực tiếp” của thầy trò.

Một tiết học tại Trường THCS Ban Mai, Hà Nội.

Một tiết học tại Trường THCS Ban Mai, Hà Nội.

Cần hệ thống quản lý đặc thù

Mô hình giáo dục trực tuyến cũng có thể được hiểu theo nghĩa nội dung các môn học, hoạt động giáo dục được thiết kế sẵn và vận hành trên hệ thống quản lý đặc thù (hệ thống quản lý học tập hoặc hệ thống quản lý nội dung).

Với cách tiếp cận này (chủ yếu dựa trên trục tích hợp dữ liệu dùng chung), nhà trường có thể cho phép học sinh lựa chọn nội dung phù hợp để làm bài tập, kiểm tra đánh giá, tham khảo, tự học theo nhu cầu cá nhân hoặc dưới sự hướng dẫn của thầy cô (theo chương trình định sẵn).

Hệ thống này được vận hành song song cùng với hoạt động dạy học trực tiếp hàng ngày của nhà trường. Giáo viên có thể đưa nội dung bài giảng và nhiệm vụ học tập lên hệ thống, học sinh truy cập, sử dụng các chức năng có sẵn của hệ thống để thực hiện yêu cầu tương ứng.

Mô hình này có khả năng tích hợp mạnh các giải pháp công nghệ đáp ứng khá linh hoạt nhu cầu giảng dạy, đa dạng hóa hoạt động học tập của học sinh cũng như quản lý hành chính sư phạm hiện hữu trong nhà trường. Đây cũng là hướng đi tích cực hỗ trợ khả năng tiếp cận, mở rộng kiến thức kỹ năng cho học sinh; tăng khả năng tương tác với bạn bè, thầy cô trong quá trình học tập mà không bị giới hạn bởi thời gian và không gian theo chương trình giáo dục nhà trường.

Việc xây dựng và phát triển hệ thống quản lý học tập tích hợp trong quá trình dạy học của nhà trường đòi hỏi đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về sư phạm, chương trình giáo dục, hạ tầng, kết cấu công nghệ và điều kiện cơ sở vật chất phù hợp. Hơn nữa, mô hình này cần được thiết kế tổng thể, khoa học, đòi hỏi đầu tư lớn, bài bản và khá thách thức trong công tác vận hành đối với nhà trường phổ thông.

Nhanh chóng loại bỏ tâm lý chờ đợi

Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” đã được ban hành. Mục tiêu của Đề án cũng chỉ rõ vấn đề mấu chốt cần giải quyết đó là mối quan hệ giữa nội dung và phương thức thực hiện giáo dục trực tuyến.

Điều này không chỉ là số hóa nội dung của chương trình giáo dục, “tin học hóa” kỹ năng cho đội ngũ hay “hiện đại hóa” hạ tầng của nhà trường. Để xác định và thiết kế được nội dung (5% ở tiểu học, 10% ở trung học) và triển khai phù hợp với hình thức trực tuyến, vấn đề cấp bách nhất hiện nay chính là thay đổi nhận thức và chuẩn hóa năng lực số của đội ngũ giáo viên hiện tại và tương lai.

Để đạt được mục tiêu có 5% hay 10% nội dung “trực tuyến” cần loại bỏ hoàn toàn thói quen chờ đợi có sách giáo khoa rồi thực hiện “số hóa”. Trái lại, nên tiếp cận trực diện từ những đặc điểm chính của giáo dục trực tuyến (không có sự hiện diện, tiếp xúc trực tiếp của các chủ thể; khả năng ảo hóa, chia sẻ và tái sử dụng của nội dung, tính ưu việt, hỗ trợ của giải pháp công nghệ…) để từ đó khai thác, phát triển nội dung dạy học phù hợp với trình độ nhận thức, hiểu biết và tâm sinh lý học sinh. Đối với năng lực số, đó là những yêu cầu mới về khả năng tổ chức hoạt động sư phạm trong môi trường trực tuyến, tương tác và giao tiếp thông qua công cụ số; khai thác, sáng tạo nội dung số… của giáo viên.

Về quản lý vĩ mô, cần thống nhất xây dựng nền tảng quản lý học tập chung, cơ sở dữ liệu dùng chung, trục dữ liệu chung cho các cấp học. Trên nền tảng chung này, mỗi nhà trường có thể chủ động đề xuất tích hợp thêm hạ tầng và giải pháp công nghệ, phát triển và đấu nối hệ thống chức năng bổ sung, lựa chọn hoạt động triển khai trong môi trường trực tuyến linh hoạt, phù hợp tùy theo điều kiện cụ thể.

Ngày 25/1/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của Đề án là tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Một trong những mục tiêu đáng chú ý là đến 2025, tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở tiểu học và 10% ở phổ thông; tỷ trọng lớp học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học đạt trung bình 20%. Đến năm 2030, đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân vào môi trường số.

* TS Tôn Quang Cường hiện là Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.