Ngay sau khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 kết thúc, trên một số diễn đàn, mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng nội dung câu hỏi số 5 của đề thi môn Toán có sai sót về kiến thức Vật lý.
Cụ thể, các nhận định cho rằng, câu 5 của đề thi này có sai sót về kiến thức Vật lý như sau: Đề cho công suất P cùng với đơn vị đi kèm là W thì các hệ số a, b trong công thức P = at + b phải có đơn vị tương ứng là W/s và W. Nếu đáp án hoặc lời giải của học sinh chỉ cho số, mà thiếu đơn vị là không đúng.
Nếu hiểu là tìm thời gian t tính từ t = 0 để P (t) = 105W thì dữ kiện “đun sôi nước” là gây hiểu lầm, không liên quan đến bài toán. Nếu vẫn giữ cách hiểu là tìm thời gian để đun sôi nước với công suất 105W thì nảy sinh ra nhiều rắc rối. Giả sử đun m (kg) nước từ T1 (độ C) lên T2 (độ C), nhiệt dung riêng C (J/kgC) thì nhiệt lượng cần là Q = m.c (T2-T1).
Để viết đun sôi nước với công suất cố định là gây hiểu lầm, vì thiếu các dữ kiện nhiệt độ bắt đầu, khối lượng nước, nhiệt dung riêng của nước. Hơn nữa, giải theo hướng này thì không liên quan gì đến hàm P (t) đã cho, mà chỉ áp dụng tính công W = P.t = 105.t và giải phương trình Q = W và tìm ẩn t.
Bởi vì công suất P (t) thay đổi theo thời gian t, nên công thức cần thực hiện là W = tích phân [ P (t’) dt’] từ t’ = 0 đến t’ = t (thời gian cần tìm) và giải Q = W tìm ẩn t. Hiểu theo cách này thì kiến thức tích phân nằm ngoài chương trình và dữ kiện 105 W trở nên mơ hồ.
Ngoài ra, với các dữ liệu được cung cấp trong đề thi, nếu học sinh áp dụng máy móc công thức có thể giải được, nhưng nếu phân tích chuyên sâu hơn từ góc độ Vật lý (đối với các học sinh giỏi) thì các em sẽ lúng túng.
Sau khi nắm thông tin, Sở GD&ĐT TPHCM phản hồi như sau:
“Bài toán đưa ra nội dung liên quan hiện tượng thực tế là quá trình đun để làm sôi nước trong một ấm điện (đồ gia dụng thường được sử dụng trong gia đình). Quá trình khảo sát này chỉ là một giai đoạn ngắn của quá trình đun sôi nước; thời điểm bắt đầu khảo sát (t = 0) không phải là thời điểm bắt đầu quá trình đun nước.
Với các dữ kiện khảo sát được trong quá trình này, về mặt toán học có thể được mô tả như hình vẽ và thể hiện bằng một hàm số mà học sinh đã được học trong chương trình. Do vậy, với các kiến thức và năng lực toán học (hàm số bậc nhất, đồ thị hàm số bậc nhất, điểm thuộc đồ thị, hệ phương trình bậc nhất hai ẩn, tính toán,…) học sinh có thể giải quyết được các yêu cầu do đề bài đặt ra”.
Sở GD&ĐT TPHCM cũng nhấn mạnh, theo qui định và hướng dẫn chấm thi, các trường hợp học sinh có lời giải khác với hướng dẫn chấm nhưng hợp lý đều được xem xét và đánh giá.