Tham dự buổi làm việc có bà Trần Thị Huyền, Quyền Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cùng các Phó Giám đốc. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Văn phòng UBND TP Cần Thơ. Về phía các xã, phường có lãnh đạo UBND; công chức Văn hóa - Xã hội.
Chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ báo cáo tình hình GD&ĐT thành phố sau sáp nhập. Theo đó, toàn thành phố hiện có 1.232 trường, trong đó Mầm non, mẫu giáo 382 trường với 121.905 trẻ.
Giáo dục phổ thông 850 trường, trong đó Tiểu học 506 trường với 257.755 học sinh; THCS 241 trường với 195.357 học sinh; THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học 104 trường với 90.800 học sinh. Tính đến ngày 30/6/2025, toàn thành phố có 1.003/1.232 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 81,41%.
Ngoài ra thành phố có 3 Trường khuyết tật; 1 Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Hậu Giang; 3 Trung tâm GDTX thành phố; 27 Trung tâm GDNN - GDTX quận, huyện, thị xã; 80 cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Tại hội nghị, Sở GD&ĐT nêu ra một số khó khăn, vướng mắc và hướng tháo gỡ như vấn đề thiếu giáo viên, thiếu viên chức, nhất là giáo viên, đang là vấn đề nóng của ngành GD&ĐT thành phố sau sáp nhập.
Tính theo định mức giáo viên, năm học 2024 - 2025, số còn thiếu so với định mức là 2.519 giáo viên. Trong đó, cấp mầm non thiếu 1.026 giáo viên; cấp Tiểu học thiếu 610 giáo viên; cấp THCS thiếu 438 giáo viên; cấp THPT thiếu 445 giáo viên.
Tính theo biên chế được giao, năm học 2024 - 2025, số giáo viên còn thiếu so với biên chế giáo viên được giao là 1.993 giáo viên. Trong đó, cấp Mầm non thiếu 634 giáo viên; cấp Tiểu học thiếu 706 giáo viên; cấp THCS thiếu 380 giáo viên; cấp THPT thiếu 273 giáo viên. Nếu tính theo đơn vị hành chính cũ, giáo viên thiếu nhiều nhất ở tỉnh Sóc Trăng với số lượng 1.295 giáo viên, tiếp đến là Hậu Giang với 457 giáo viên, TP Cần Thơ là 241 giáo viên.
Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, hiện tại chưa có Quyết định phân cấp quản lý đối với viên chức (trong đó có nội dung quy định thẩm quyền tổ chức tuyển dụng viên chức). Do đó, đề nghị trong giai đoạn trước mắt, UBND xã, phường chủ động rà soát, thống kê và dự báo tình hình viên chức thừa/thiếu của từng đơn vị để có thể triển khai thực hiện ngay khi có Quyết định.

Về công tác chỉ đạo của UBND xã, phường đối với các cơ sở giáo dục, UBND các xã, phường giải quyết chuyên sâu về hành chính, trong khi đó ngành Giáo dục thì chuyên sâu về chuyên môn thuộc lĩnh vực GD&ĐT.
Tại một số địa phương, cán bộ phụ trách công tác Giáo dục (không có chuyên môn về Giáo dục) nên khó khăn trong chỉ đạo, định hướng. Khi cán bộ quản lý ở cấp xã không có chuyên môn Giáo dục thì việc chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá sẽ gặp khó khăn...

Phối hợp tốt để hoàn thành tốt nhiệm vụ về GD&ĐT
Theo Sở GD&ĐT, hiện vẫn còn có khó khăn do một số quy định còn chồng chéo. Trong quá trình thực hiện phân cấp, phân quyền, Sở GD&ĐT còn vướng mắc về thẩm quyền bổ nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tại các trường Mầm non, Tiểu học và THCS…
Trong khi chờ văn bản thay đổi của cấp thẩm quyền, đề nghị UBND xã, phường thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 38 ngày 4/7/2025 của Sở Nội vụ về việc hướng dẫn bổ nhiệm viên chức quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp, chuyển giao cơ quan quản lý và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã).


Tại hội nghị, Sở GD&ĐT, đại diện các xã, phường có những kiến nghị, đề xuất, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc. Qua đó, Sở GD&ĐT đề xuất, kiến nghị đối với UBND xã, phường thời gian tới, phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ như: Thực hiện kiểm tra đánh giá học sinh theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, hồ sơ điện tử, học bạ số theo quy định. Thực hiện khai thác và báo cáo đúng tiến độ trên cơ sở dữ liệu ngành.
Thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo quy định. Tổ chức các cuộc thi, kỳ thi, hội thi cấp xã để tham gia cấp thành phố theo quy định. Thành lập Hội đồng chuyên môn/Tổ bộ môn để hỗ trợ chuyên môn cho các trường. Chỉ đạo xét khen thưởng cho viên chức, người lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và THCS theo phân cấp quản lý...

Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Huyền, Quyền Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Thông qua hội nghị lần này, Sở GD&ĐT cùng UBND xã, phường nhìn thấy những khó khăn, tồn tại, vướng mắc khi thực hiện chính quyền 2 cấp. Với tinh thần cầu thị, Sở GD&ĐT ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp rất quan trọng từ đại diện UBND 103 xã, phường trong quá trình vận hành chính quyền 2 cấp trong lĩnh vực GD&ĐT.
Bà Trần Thị Huyền nhấn mạnh: Thời gian tới, Sở GD&ĐT mong muốn nhận được phản hồi từ các xã, phường trong công tác điều hành và công tác phối hợp với Sở GD&ĐT. Những khó khăn, vướng mắc sẽ cùng trao đổi, tiếp tục lắng nghe ý kiến từ xã, phường trong thời gian tới; đồng thời Sở hỗ trợ trong chuyên môn, hướng dẫn nghiệp vụ cho các xã, phường; để cùng thực hiện tốt nhiệm vụ về GD&ĐT...