Trong hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý, hỗ trợ cho học sinh trong trường phổ thông mới ban hành, Sở GD&ĐT Ninh Bình yêu cầu các đơn vị thành lập Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh của nhà trường và bố trí giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.
Thành phần Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh gồm: Đại diện lãnh đạo nhà trường làm Tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội.
Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý (có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành). Giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý được hưởng định mức giảm tiết dạy theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Định mức số tiết cho Tổ tư vấn, hỗ trợ cho học sinh thực hiện theo điểm b, Điều 9, Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị trường học ban hành quy chế hoạt động của Tổ Tư vấn và xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, hỗ trợ cho học sinh.
Trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu cần thiết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tư vấn. Bố trí phòng tư vấn (góc tư vấn) đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, thân thiện và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn.
Có kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ tư vấn tâm lý cho học sinh trong nhà trường. Trong năm 2019, mỗi nhà trường cử từ 01-03 giáo viên tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường.
Sở giao phòng Tổ chức Cán bộ, phòng Chính trị Tư tưởng, căn cứ vào hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tham mưu, lựa chọn chương trình và đơn vị đào tạo đủ uy tín, năng lực để tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên phổ thông.