Cực kỳ nhiều thách thức
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐTB&XH TPHCM chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế triển khai và giải quyết vấn đề về bạo lực, xâm hại trong trong và ngoài nhà trường của TPHCM - thành phố đông dân nhất cả nước.
Rõ ràng hiện nay thách thức lớn nhất của chúng ta là vấn đề nhân sự, và theo bà Thanh, nếu trong cơ chế về vị trí việc làm trong trường học chúng ta không có cán bộ làm tâm lý, không có một nhân viên công tác xã hội sẽ gặp khó khăn rất lớn trong vấn đề giải quyết tâm lý trẻ em và gia đình. Kinh nghiệm tổ chức tạo nguồn cho các cán bộ, giáo viên ở các trường trên địa bàn TPHCM của bà Thanh cho thấy, đối với các trường phân công cho giáo viên chủ nhiệm, cho thầy giáo thể dục hay cô giáo dạy ngữ văn… việc triển khai bình đẳng giới và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới trong trường học cực kỳ hiệu quả. Tuy nhiên, nếu các trường giao nhiệm vụ này cho cán bộ làm công đoàn, nữ công thì lại không phát huy được.
Việc phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới có phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đối với TPHCM, bà Thanh và các đồng nghiệp luôn gặp nhiều thách thức. Thứ nhất là các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em cứ xảy ra như một vòng tròn. Mới đầu là giải quyết vấn đề trẻ em bị bạo lực, xong sang xâm hại, và bây giờ họ đang phải giải quyết vấn đề lao động trẻ em. Và sau đó theo quy trình vòng tròn đó lại quay trở lại những vụ việc kia. “Chúng tôi cứ giải quyết triền miên và tôi cảm thấy ức chế là vì sao truyền thông như vậy, trên báo đài như vậy mà vẫn không có sự thay đổi. Ví dụ như vụ việc ở trường Mầm Xanh, Quận 12 vừa tuyên bố xong vấn đề xử lý thì lại xảy ra tiếp vụ Ánh Sao. Chúng tôi đang đặt câu hỏi là tại sao người ta không xem ti vi hay thông điệp truyền thông xử lý chưa tới với đội ngũ giáo viên trong trường học. Mặc dù đã cố gắng hết sức chúng tôi vẫn chưa thể chưa xử lý được triệt để các vụ bạo lực xâm hại”, bà Thanh băn khoăn.
Bà Thanh và các đồng nghiệp đang tham mưu cho UBND TPHCM một quy trình phối hợp nhằm can thiệp, xử lý các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn Thành phố. “Những quy trình đó chúng tôi đề ra thời hiệu xử lý rõ ràng. Ví dụ như khi nhận được thông tin về trẻ bị bạo lực, xâm hại, trong vòng bao nhiêu tiếng thì cán bộ phường, xã phải làm gì, chúng ta phải làm tiếp các bước như thế nào để làm sao cơ chế phối hợp liên ngành phải đồng bộ”.
Như vậy, TPHCM sẽ có cơ chế phối hợp liên ngành để bảo vệ cho trẻ em tốt nhất, bắt đầu từ việc đơn giản như quan tâm tới bí mật thông tin của trẻ, không thể để thông tin của trẻ và gia đình trẻ khắp mặt báo, mạng xã hội.
Khó khăn trong tổ chức nhân lực
Như Báo Điện tử Chính phủ đã thông tin, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, dự tính mỗi trường cần có 3-5 giáo viên tư vấn tâm lý để thực hiện công tác tư vấn cho học sinh, tập trung ưu tiên làm công tác giáo dục, tư vấn toàn diện.
Tuy nhiên, khi đặt vấn đề này với đại diện Bộ Nội vụ và Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), chúng tôi nhận thấy để thực hiện được mục tiêu trên là không dễ dàng. Ông Doãn Thế Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) khẳng định cả nước đang rất quan tâm đến tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, vì vậy, có lẽ thời điểm này chúng ta đặt vấn đề bổ sung một biên chế trong trường học đảm nhiệm nhiệm vụ tư vấn, công tác xã hội là chưa khả thi. Mỗi trường thêm một giáo viên thì con số này với cả nước là vô cùng nhiều.
Ông Hảo hiến kế: “Nếu có thể được, chúng ta nên phân chia nhân lực, tập trung vào một số đối tượng. Nhóm đối tượng từ 11-14 tuổi, bên cạnh cô Hiệu trưởng sẽ là một cô tổng phụ trách gắn bó với các em học sinh, tư vấn cho các em. Giáo viên chủ nhiệm cũng phù hợp, không ai gần các em nhiều như giáo viên chủ nhiệm. Chính vì vậy, cần tập trung bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, tăng cường với giáo viên chủ nhiệm hoặc cô tổng phụ trách. Đối với đối tượng trên 14 tuổi, có thể giao việc cho Bí thư Đoàn trường hoặc cố vấn Đoàn trường làm công việc tư vấn tâm lý trong nhà trường. Cứ giao nhiệm vụ như thế, đến thời điểm nào đó sẽ tổng kết, đánh giá lại, chúng ta tiếp tục đặt vấn đề bổ sung thêm biên chế với từng hoàn cảnh cụ thể”.
Ông Nguyễn Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), với tư cách là lãnh đạo bộ phận quản lý giáo viên chia sẻ, biên chế cho đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý là bài toán khó hiện nay. Theo thống kê, cả nước hiện có 1,2 triệu giáo viên với 22 triệu học sinh. Nếu thêm cơ chế mỗi trường từ một đến hai giáo viên thì tính riêng bậc học phổ thông phải tăng thêm hàng vạn giáo viên.
“Cái thiếu nhất hiện nay là gì, theo tôi chưa hẳn là kiến thức. Nhắc tới chất lượng giáo dục, chúng ta không chỉ nói đến thành tích, điểm số hay năng lực của học sinh mà cần nói tới cả môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, tôn trọng và bình đẳng. Tạo môi trường an toàn học đường được chúng tôi coi là vấn đề rất cốt tử trong giai đoạn hiện nay. Những khiếm khuyết này trong nhà trường chúng ta cũng đã nhận diện được. Chính vì vậy, chúng tôi đã trình lên lãnh đạo Bộ GD&ĐT, sắp tới sẽ có 12 cơ sở đào tạo giáo viên sẽ có đủ điều kiện bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho giáo viên tham gia làm công tác tư vấn.
Mặc dù biên chế cho một giáo viên chuyên trách ở mỗi trường làm nhiệm vụ tâm lý học đường là chưa khả thi nhưng việc cần làm ngay, không thể chậm chễ là bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tổng phụ trách để làm sao chúng ta xử lý được các vấn đề một cách triệt để trong nhà trường”, ông Tự trăn trở.
Cần cơ chế phối hợp, chính sách quốc gia cụ thể
Trong những năm gần đây, tổ chức nhân đạo quốc tế Plan International đã triển khai rất nhiều chương trình, cả nghiên cứu lẫn thực tiễn, cho các trường ở Việt Nam triển khai mô hình nhà trường an toàn, thân thiện và bình đẳng.
Bà Lê Quỳnh Lan, tổ chức Plan International, chia sẻ rằng giai đoạn học sinh từ 11-18 tuổi là giai đoạn then chốt trong việc các em hình thành tính cách, nếu chúng ta làm tốt công tác giáo dục vào thời điểm đó, hỗ trợ các em vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý của lứa tuổi thì các em sẽ trở thành những công dân khi trưởng thành.
“Trường học là nơi có được sự quan tâm của tất cả các bên. Chúng tôi mong đợi môi trường trường học là nơi thúc đẩy bình đẳng giới và ngăn ngừa, ứng phó với vấn đề bạo lực giới. Có rất nhiều vấn đề góc cạnh trong nhà trường. Trước đây người ta chỉ nghĩ đến nhà trường là nơi dạy kiến thức mô phạm nhưng rõ ràng chúng ta thấy nội hàm của giáo dục rộng hơn rất nhiều. Kiến thức, kỹ năng, hành vi của các em được rèn luyện, dạy dỗ từ nhà trường, thầy cô là rất lớn”, bà Lan nói.
Tổ chức Plan International có một chương trình với bảy chủ đề xuyên suốt dành cho các đối tượng: Nhà trường, cha mẹ và học sinh. Giáo viên, phụ huynh và học sinh cùng được cung cấp kiến thức và kỹ năng trong phòng tránh và xử lý khi đối diện với bạo lực. Chương trình đào tạo còn nâng cao năng lực cho ban giám hiệu và cán bộ giáo viên trong trường để tạo một môi trường thuận lợi cho việc hình thành và duy trì thái độ bình đẳng giới trong học sinh.
“Quan trọng nhất là chúng tôi luôn đưa thông điệp cần lắng nghe các con. Nếu bố mẹ không dành thời gian ở bên các con thì chúng ta không thể giúp được các con. Khảo sát của chúng tôi chỉ ra rằng cứ 10 em thì có đến 5 em nói rằng nếu có trải nghiệm bạo lực trong trường học thì các em không bao giờ chia sẻ với cha mẹ. Bởi nếu chia sẻ sẽ bị mắng. Ví dụ nếu bị quấy rối tình dục, con kể thì lập tức cả bố, cả mẹ sẽ nói rằng: Đấy, đã bảo không được ăn mặc như thế... Và sẽ tìm mọi cách để cho rằng lỗi do em đó nên mới bị xâm hại hoặc quấy rối tình dục. Chính vì vậy, xuất hiện những rào cản ngay từ trong gia đình khiến các con không còn muốn nói với bố mẹ”, bà Lan cho hay.
Tại Hà Nội, với việc triển khai dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” tại 10 trường THCS và 10 trường THPT tại 16 quận, huyện từ năm 2014 đến hết năm 2016, Sở GD&ĐT Hà Nội và tổ chức Plan International Việt Nam đã thí điểm thành công mô hình phòng ngừa và ứng phó với tình trạng bạo lực trên cơ sở giới tại trường học.
Theo kết quả khảo sát cuối kỳ dự án, hơn 50% học sinh ở các trường triển khai dự án tham gia vào khảo sát đã cảm thấy an toàn với môi trường xung quanh trường học và trên đường đi học. Ở đầu kỳ dự án, chỉ có 18% số học sinh được hỏi cho rằng trường học của các em là tuyệt đối an toàn. Kết quả nghiên cứu cuối kỳ đã cho thấy một kết quả tích cực khi tỉ lệ học sinh bị bạo lực thể chất và tinh thần đã giảm đáng kể. Tỉ lệ học sinh báo cáo có trải nghiệm bạo lực thể chất giảm từ 31% (đầu kỳ) xuống 20% (cuối kỳ), bạo lực tinh thần giảm mạnh từ 63% (đầu kỳ) xuống còn 7% (cuối kỳ).
Ở đầu dự án, rất ít học sinh khi bị bạo lực báo cáo, tìm kiếm sự hỗ trợ từ cha mẹ hay thầy cô, cho dù người gây ra bạo lực là ai và hình thức bạo lực là gì (42% các em bị bạo lực thân thể, 68% bị bạo lực tinh thần và 36% bị bạo lực tình dục thường tự mình giải quyết). Theo kết quả khảo sát cuối dự án, khoảng 30% học sinh tham gia khảo sát cho biết sẵn sàng hành động nếu chứng kiến các hành vi bạo lực trên cơ sở giới. Tỉ lệ học sinh nam trả lời sẵn sàng hành động tăng gấp đôi so với thời điểm khởi đầu dự án.
Những tác động của mặt trái xã hội đã và đang len lỏi vào học đường. Trước hàng loạt vụ bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em… xảy ra thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp quyết liệt, nhằm xây dựng văn hóa học đường. Tuy nhiên, để xây dựng trường học an toàn, thân thiện và phòng chống bạo lực chắc chắn cần sự chung tay của nhiều bên. Trong lúc còn thiếu ngân sách, thiếu nguồn lực, chúng ta vẫn phải tìm ra cách làm hiệu quả, giải quyết tối ưu những vấn đề mà trường học hiện nay đang phải đối diện.
Với sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, chúng ta sẽ hướng đến một cơ chế phối hợp được quy định một cách rõ ràng và hiệu quả. Khi có vấn đề xảy ra trong và ngoài nhà trường, chúng ta biết ai sẽ là người giải quyết, thời gian giải quyết bao lâu và giải quyết như thế nào. Sẽ có những khuyến nghị chính sách được đưa ra, để trong một tương lai gần có một cơ chế phối hợp, một chính sách quốc gia cụ thể và hiện hữu (giữa các Bộ, các cơ quan của Quốc hội) với mục tiêu đến năm học 2020 sẽ cơ bản không còn tình trạng bạo lực học đường xảy ra trong khuôn viên các trường học.