So bằng 'đôi đũa lệch' cho học sinh lớp ghép

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ năm học 2022 - 2023, gần ba chục học sinh người Chứt tại Trường Tiểu học Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) có thể tự tin học hòa nhập...

Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, học sinh người Chứt được học hòa nhập với học sinh toàn trường.
Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, học sinh người Chứt được học hòa nhập với học sinh toàn trường.

Để so bằng “đôi đũa lệch” kiến thức cho lớp học ghép là cố gắng không biết mệt mỏi của tập thể, cán bộ, giáo viên nơi đây, trong đó có dấu ấn của cô giáo Hoàng Thị Thưu.

Vào từng nhà đón học sinh đến trường

Từ thị trấn Hương Khê, vượt qua đoạn đèo gập ghềnh, cao ngút với quãng đường hơn 10km, chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học Hương Liên – một trong những trường khó khăn nhất của huyện miền núi Hương Khê.

Không còn cảnh vào tận bản, gõ từng nhà, chở từng học sinh người Chứt đi học, nhưng đều đặn mỗi buổi sáng cô giáo Hoàng Thị Thưu (SN 1971), vẫn nhẫn nại đứng ở cổng trường để đón học sinh vào lớp. Nhìn thấy cô giáo, các em vội chạy đến chào hỏi như gặp người thân. Đáp lại các em là nụ cười rạng rỡ và những lời động viên của cô. Nhìn nụ cười thân thiện của cô, ít ai nghĩ hành trình gieo chữ cho học sinh người Chứt của cô đã trải qua nhiều vất vả, gian khó đến vậy.

Năm 1998, cô Hoàng Thị Thưu được phân công dạy học tại Trường Tiểu học Hương Liên sau khi hoàn thành lớp Trung cấp Sư phạm cấp tốc. Từ đó, cô gắn bó với ngôi trường vùng cao này.

Cô Hoàng Thị Thưu - Giáo viên Trường Tiểu học Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Cô Hoàng Thị Thưu - Giáo viên Trường Tiểu học Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Năm học 2014 - 2015, sau hội thảo về nâng cao chất lượng dạy học dân tộc Chứt, Phòng GD&ĐT Hương Khê đã chỉ đạo và cho phép nhà trường tổ chức lớp học ghép cho học sinh người Chứt. Lớp ghép sau đó được bố trí tại Trường Tiểu học Hương Liên với 2 nhóm lớp gồm: Lớp 1 - 2 và lớp 3 - 4 - 5. Sau đó một năm, cô Thưu được nhà trường phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp ghép 3 - 4 - 5.

Khác với lớp học bình thường, hành trình mỗi ngày lên lớp của cô Thưu bắt đầu từ lúc 4 – 5 giờ sáng. Không phải để đến trường mà phải vào tận bản, đến từng nhà, gõ cửa để đón học trò lên lớp.

Bản Rào Tre nằm bên thượng nguồn sông Ngàn Sâu, bị chia cắt với bên ngoài bằng con suối. Mùa khô đi lại thuận lợi, nhưng vào mùa mưa trở nên khó khăn và thách thức lòng kiên trì của giáo viên. Nhưng vượt qua khó khăn, gian truân, cô Thưu vẫn lặn lội đến nhà từng em để đưa tới trường.

Đều đặn mỗi buổi sáng cô Thưu vẫn nhẫn nại đứng ở cổng trường để đón học sinh người Chứt vào tận lớp.

Đều đặn mỗi buổi sáng cô Thưu vẫn nhẫn nại đứng ở cổng trường để đón học sinh người Chứt vào tận lớp.

Dạy trò bằng cái tâm

Cô Thưu cho hay, dạy học lớp ghép rất vất vả, dạy con em còn đồng bào khó hơn, nhưng nói đến dạy con em đồng bào ở bản Rào Tre thì khó khăn vạn lần. Dù đã hơn 30 năm về bản nhưng nhận thức của người Chứt còn hạn chế, việc cho con em học chữ không được quan tâm. Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng e dè khi tiếp xúc với người ngoài.

“Thời gian đầu, khi tôi đến nhà các em không chịu gặp, không tiếp xúc nên mỗi buổi học có khi chỉ được 4 - 5 cháu. Để lớp học có đông học sinh hơn, ngoài việc giảng dạy, tôi phải đến tận nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh, đời sống cũng như phong tục tập quán, tiếng nói của các em. Nhiều khi mình phải vào tận giường, vệ sinh mặt mũi, thay quần áo, chuẩn bị cả bữa sáng cho trò”, cô Thưu nhớ lại.

Khi các em dần quen với nền nếp, cô Thưu đã đề xuất với ban giám hiệu nhà trường phối hợp với Bộ đội Biên phòng bản Rào Tre sửa xe bị hư hỏng để các em chủ động phương tiện đi học. Theo đó, cứ hai em một xe, những học sinh lớp lớn chở các em lớp 1, 2 đi học.

Sau 2 tháng học chung, học sinh người Chứt đã bắt nhịp cùng chương trình học và hòa nhập với các bạn trong lớp.

Sau 2 tháng học chung, học sinh người Chứt đã bắt nhịp cùng chương trình học và hòa nhập với các bạn trong lớp.

Tận tình đến thế, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng chịu đến lớp. Bọn trẻ lạ cô, sợ cô bắt đi mất. Đến lớp, thoắt cái chúng đã lẻn ra bìa rừng rồi đi thẳng về nhà. Nhiều lúc cô tá hỏa, sợ trò rơi xuống suối, nước cuốn trôi.

“Năm đầu tiên dạy lớp ghép, cũng là năm thực hiện phổ cập đúng độ tuổi. Trong lớp có em Hồ Kiều Trang bị khuyết tật bàn chân nên rất mặc cảm. Mỗi lần đến trường, em cứ đứng trước cổng không chịu vào.

Có hôm đang học, bị bạn trêu Trang lại bỏ về nửa chừng, nói thế nào cũng không chịu ở lại hay lên xe cô chở về. Tôi phải dắt xe máy đi bộ hàng cây số vừa động viên, vừa trò chuyện với Trang. Nhiều lần như thế, tôi cũng vận động được em đi học chuyên cần. Hiện giờ em là học sinh lớp 7 Trường THCS - THPT nội trú Hà Tĩnh. Mỗi lần cô trò gặp nhau, em vẫn nhắc lại câu chuyện kỷ niệm này”, cô Thưu chia sẻ.

Ròng rã, hơn 2 tháng cùng với sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, cô Thưu dần được phụ huynh và học sinh tin yêu và mở lòng. Nhờ vậy, lớp học ghép từ 4 - 5 học sinh cũng dần rộn ràng hơn với đầy đủ sĩ số.

“Cô Thưu như người nhà của bản Rào Tre rồi. Cũng bởi cô xem học trò người Chứt như con, dạy cho nó chữ cái, biết tính toán… về còn bày lại cho bố mẹ nữa. Giờ cô Thưu nói gì không chỉ học sinh và phụ huynh cũng ưng cái bụng lắm”, chị Hồ Thị Kiên (bản Rào Tre) hồ hởi nói.

Học sinh người Chứt đã có thể đọc tốt, chữ viết đẹp và tính toán tốt.

Học sinh người Chứt đã có thể đọc tốt, chữ viết đẹp và tính toán tốt.

Một mình đóng “3 vai”

Do số lượng học sinh người Chứt mỗi độ tuổi thường ít, biên chế giáo viên của Trường Tiểu học Hương Liên lại hạn chế nên với các lớp ghép giáo viên phải dạy song song 2 hoặc 3 trình độ. Một tiết học, một người phải vào vai 3 giáo viên, 3 trình độ khác nhau là không đơn giản.

Lớp học của cô Thưu thường có 6 bộ bàn ghế, 2 bảng viết quay ngược vào nhau. Trong đó, một bảng viết được chia làm đôi để dạy ghép lớp 4 và 5. Cô Thưu bảo, để các em học hiệu quả, không ảnh hưởng lẫn nhau, cô chia mỗi lớp một hoạt động khác nhau. Ví dụ, khi lớp 3 làm đọc bài trên bảng, thì lớp 4 sẽ làm bài tập, lớp 5 sẽ học bài mới…

Những ngày đầu lên nhận lớp học, các hoạt động trên lớp chưa thu hút được sự tham gia của học sinh do vốn tiếng Việt hạn chế. Để tăng cường vốn tiếng Việt, cô Thưu vừa nói tiếng phổ thông, vừa phiên âm ra tiếng Chứt để giải thích, tập cho học sinh nói tiếng phổ thông từ những câu đơn giản nhất.

“Đã là giáo viên dạy lớp ghép, ngoài việc duy trì chuyên cần, người dạy phải tâm huyết, không ngại khó, ngại khổ, coi học sinh như con của mình; phải cảm hóa các em bằng tình cảm và sự yêu thương che chở, biết hy sinh mà không cần bồi đắp”, cô Thưu tâm niệm.

Ngoài việc dạy chữ, dạy tính toán, cô Thưu còn chú ý rèn luyện, giáo dục các em kỹ năng sống, giao tiếp bằng tiếng Việt và dạy các em biết tự bảo vệ bản thân.

Nhờ nỗ lực nâng cao chất lượng lớp học ghép, sau mỗi năm học, học sinh của cô Thưu đã có thể giao tiếp gần như hoàn toàn bằng tiếng Việt. Các em có khả năng đọc tốt, chữ viết đẹp hơn cả học sinh người Kinh, lớp ghép luôn đứng đầu trong các đợt giao lưu chữ viết mà nhà trường tổ chức. Ngoài ra, trẻ còn thực hiện cộng, trừ, nhân chia khá tốt. Các em còn giao tiếp và hòa nhập, mạnh dạn tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao của ngành Giáo dục, đạt kết quả cao.

Tháng 5/2022, đoàn công tác của Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) có chuyến kiểm tra, khảo sát chất lượng dạy và học lớp ghép của cô Thưu. Qua dự giờ, đoàn đã bất ngờ trước khả năng đọc, viết, tính toán của học sinh trong lớp. Theo đó, đoàn đề nghị nhà trường xóa lớp ghép, đưa các em trở lại học chung với học sinh toàn khối.

Cũng từ năm học 2022 - 2023, lớp học ghép của Trường Tiểu học Hương Liên đã bị xóa bỏ. 22 em người Chứt được bố trí học chung theo từng khối với những học sinh trong nhà trường. Năm học này, cô Thưu được phân công chủ nhiệm lớp 4A1, trong đó có 3 em học sinh người Chứt. Nền tảng tốt từ lớp học ghép đã giúp các em dần bắt kịp chương trình học cùng bạn bè sau 2 tháng hòa nhập, kéo gần khoảng cách kiến thức giữa học sinh các vùng miền.

“Nhiều năm qua, lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương luôn ghi nhận những tấm gương vươn lên những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ như cô Hoàng Thị Thưu. Cô Thưu là tấm gương tiêu biểu của ngành Giáo dục Hương Khê về lòng yêu nghề, sự sáng tạo trong dạy và học, truyền cảm hứng tích cực cho học sinh và đồng nghiệp. Bản thân cô cũng nhiều năm liền là lao động tiên tiến của ngành Giáo dục huyện Hương Khê”, ông Phan Quốc Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.

Người lao động tận dụng ChatGPT

GD&TĐ - ChatGPT là nền tảng công nghệ dạng tổng hợp tri thức và được kiểm chứng - nếu biết sử dụng đúng cách có thể khai thác để phục vụ cho công việc, học tập.
Quân đội Israel tấn công Gaza.

IDF đã sẵn sàng tấn công Rafah

GD&TĐ - Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết hôm 5/5, quân đội Israel đã sẵn sàng cho cuộc tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza.
Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...
Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.