Giữ chân học sinh lớp ghép đi liền bảo đảm chất lượng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản hướng dẫn về việc tổ chức dạy lớp ghép ở cấp tiểu học. 

Học sinh lớp ghép tại điểm trường Hà Quảng của Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình, tỉnh Lạng Sơn trong giờ sinh hoạt Đội. Ảnh: NT
Học sinh lớp ghép tại điểm trường Hà Quảng của Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình, tỉnh Lạng Sơn trong giờ sinh hoạt Đội. Ảnh: NT

Theo đó, để đảm bảo chất lượng, đặc biệt là Chương trình GDPT 2018, mỗi lớp ghép không quá 15 học sinh và không quá 2 trình độ. Trường hợp đặc biệt có thể ghép 3 trình độ nhưng mỗi lớp không quá 10 học sinh. Hạn chế tổ chức lớp ghép ở lớp đầu cấp (lớp 1) và lớp cuối cấp (lớp 5).

Linh hoạt trong điều kiện thực tế

Thầy Hoàng Trường Kháng – Phó Hiệu Trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình, tỉnh Lạng Sơn - cho biết: Sau khi Bộ GD&ĐT công bố hướng dẫn dạy lớp ghép, nhà trường đã họp giáo viên lại để lấy ý kiến và phân tích những khó khăn, thuận lợi trong việc triển khai lớp ghép. Theo đó, các giáo viên đồng tình với những hướng dẫn mà Bộ GD&ĐT đưa ra.

Năm nay, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình có 1 lớp ghép 2 trình độ lớp 1 (4 học sinh) và lớp 2 (5 học sinh). Trước khi triển khai lớp ghép theo Chương trình GDPT 2018, trường đã cử giáo viên đi tập huấn. Trong quá trình triển khai, nhà trường cũng lấy ý kiến phản hồi từ giáo viên để nắm được tình hình, những khó khăn và thuận lợi trong quá trình dạy lớp ghép.

“Đến thời điểm này, qua phản ánh, giáo viên không gặp khó khăn gì”, thầy Kháng nói. Tuy nhiên, thầy Kháng và nhiều đồng nghiệp đều mong muốn phụ huynh có thể đồng lòng phối hợp nhà trường để xóa bỏ lớp ghép.

Lý giải về mong muốn đó, thầy Kháng nói: “Chương trình GDPT 2018 yêu cầu học sinh phát triển 5 phẩm chất và 10 năng lực. Vì vậy khi học lớp ghép, các em phần nào bị hạn chế do ít có cơ hội thực hành hơn so với lớp độc lập”.

Còn cô Nguyễn Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Gia (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) - cho biết: “Văn bản hướng dẫn tổ chức dạy lớp ghép của Bộ GD&ĐT rất chi tiết, cụ thể và dễ thực hiện. Tuy nhiên, năm học 2022 - 2023, sĩ số tại các lớp ghép của nhà trường vượt quá con số mà Bộ hướng dẫn. Cụ thể: Lớp 2 - 3 có 16 học sinh (8 em lớp 2 và 8 em lớp 3); lớp 4 - 5 có 17 học sinh (9 trò lớp 4 và 8 em lớp 5)”.

Cô Hạnh đề xuất, đối với sĩ số lớp ghép nên để các trường linh động với tình hình thực tế của địa phương; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy của nhà trường.

Theo cô Hạnh, nếu căn cứ vào hướng dẫn, Trường Tiểu học Phú Gia không thể đáp ứng được yêu cầu sĩ số lớp mà Bộ GD&ĐT đưa ra đối với lớp ghép 2 trình độ và 3 trình độ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng không thể bố trí 5 giáo viên dạy 44 học sinh tại điểm trường trong bối cảnh toàn huyện hiện đang thiếu giáo viên.

“Chưa kể, Chương trình GDPT 2018, lớp 2 và 3, bài giảng đòi hỏi học liệu điện tử. Nếu một lớp lắp 2 tivi; 2 bảng để giảng thì học sinh sẽ khó tập trung so với phương pháp dạy truyền thống sử dụng đồ dùng dạy học”, cô Hạnh nhấn mạnh

Giờ học của học sinh lớp ghép điểm trường Phú Lâm của Tiểu học Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: NT

Giờ học của học sinh lớp ghép điểm trường Phú Lâm của Tiểu học Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: NT

Bảo đảm chất lượng

Đánh giá cao hướng dẫn tổ chức dạy lớp ghép của Bộ GD&ĐT, ông Phan Quốc Thanh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - nói: “Trong văn bản Bộ GD&ĐT hướng dẫn đã căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương. Theo đó, các trường dựa vào hướng dẫn để triển khai lớp ghép làm sao cho đạt hiệu quả và chất lượng. Bên cạnh đó, với văn bản hướng dẫn này, Bộ cũng chú ý đến chất lượng của lớp ghép khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Theo đó, lớp ghép không quá 2 trình độ là phù hợp”.

Phân tích thêm lớp ghép không quá 2 trình độ, ông Thanh nói: “Trong một giờ dạy, giáo viên nếu dạy 1 đến 2 trình độ sẽ dạy kỹ bài giảng cho học sinh. Từ 2 trình độ trở lên, thầy cô rất vất vả, đòi hỏi giáo viên làm việc hết công suất; biết phân bổ thời gian, sắp xếp phương pháp giảng dạy hợp lý để có thể truyền đạt tối đa kiến thức cũng như rèn kỹ năng cho học trò.

Với các lớp ghép ở huyện Hương Khê, ông Phan Quốc Thanh luôn nhấn mạnh với ban giám hiệu nhà trường cũng như giáo viên, ngoài bám sát hướng dẫn của Bộ GD&ĐT phải đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu. Luôn có sự phối hợp giữa ba bên gồm: Nhà trường – chính quyền địa phương – phụ huynh.

Đồng quan điểm với ông Phan Quốc Thanh, ông Ngô Văn Hiền – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn - nói: Hướng dẫn Bộ GD&ĐT đưa ra rất phù hợp với điều kiện triển khai lớp ghép ở tại huyện. Đặc biệt, văn bản đã hướng dẫn cụ thể về sĩ số cũng như linh động trong việc soạn bài giảng, tổ chức các hoạt động cho học sinh sao cho phù hợp với điều kiện thức tế của trường, lớp.

“Năm nay, huyện Văn Quan chỉ còn 1 lớp ghép với 9 học sinh, do đó đáp ứng được hướng dẫn của Bộ GD&ĐT là mỗi lớp ghép không quá 2 trình độ và 15 học sinh. Dẫu là lớp ghép, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo và duy trì được chất lượng giáo dục mà chương trình đề ra”, ông Hiền nhấn mạnh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giữ chân học sinh

Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, trước đây, do điều kiện trường lớp còn khó khăn nên một số trường học duy trì lớp ghép. Vào cuối năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh còn 4 trường tồn tại lớp ghép với 7 lớp, 149 học sinh, thuộc địa bàn khó khăn ở huyện Đầm Dơi và Phú Tân. Lớp ghép ở các điểm này với các hình thức 1+2; 2+3; 3+4…

Đến đầu năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Cà Mau chỉ còn 1 lớp ghép 2+3 tại Trường Tiểu học Gò Công Đông, thuộc điểm lẻ tại ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. Lớp ghép có 19 học sinh, trong đó lớp 2 có 12 em, lớp 3 có 7 em.

Theo lãnh đạo phòng GD&ĐT, tồn tại lớp ghép ở địa bàn huyện xuất phát từ điều kiện khó khăn về hạ tầng nông thôn và điều kiện của gia đình học sinh. Hiện Phú Tân chưa thể xóa lớp ghép này, vì nếu xóa sẽ nhiều học sinh bỏ học. Ngành đang hướng đến xóa lớp ghép nhằm hoàn thiện mạng lưới trường lớp và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, vấn đề này phải tùy vào điều kiện cụ thể ở từng địa bàn, địa phương...

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Chiều, Phó Trưởng phòng GD&ÐT huyện Phú Tân, từ 45 điểm lẻ, nay toàn huyện chỉ còn 9 điểm. Đây là những điểm có điều kiện đi lại khó khăn, chưa thể xóa ngay để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh.

Năm học 2022 - 2023, thành phố Cần Thơ không còn duy trì lớp ghép. Tuy nhiên, sở vẫn có hướng dẫn để các trường có sự chủ động. Theo đó, mỗi lớp ghép không quá 15 học sinh và không quá hai trình độ. Trường hợp đặc biệt, lớp ghép có thể ghép ba trình độ nhưng không quá 10 học sinh.

Lớp ghép hai trình độ hoặc lớp ghép ba trình độ đều được tính là một đơn vị lớp ghép. Ưu tiên tổ chức lớp ghép gồm các trình độ liền nhau và hạn chế ghép lớp trình độ không liền nhau. Mỗi lớp ghép cần bố trí đủ không gian, được trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học theo quy định, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng lớp ghép, nhóm trình độ và đặc thù khi tổ chức dạy học lớp ghép.

Về giải pháp, theo đại diện Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, sở tổ chức tập huấn phương pháp và kỹ thuật dạy học lớp ghép cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy học lớp ghép hiệu quả. Các phòng GD&ĐT kiểm tra việc xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học lớp ghép của các cơ sở giáo dục tiểu học có tổ chức lớp ghép trên địa bàn quản lý.

Chỉ đạo cơ sở giáo dục tiểu học có tổ chức dạy học lớp ghép, kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh học lớp ghép bảo đảm đúng quy định. Tổ chức hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp và kỹ thuật dạy học lớp ghép cho cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp tham gia dạy học lớp ghép. Cử cán bộ quản lý, giáo viên được phân công dạy lớp ghép tham gia các lớp tập huấn khi có công văn triệu tập…

“Năm học 2022 - 2023 để xóa bỏ lớp ghép, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phân tích những lợi ích khi học sinh được học tại trường chính. Tuy nhiên, sau một tháng miệt mài vận động phụ huynh chỉ đồng ý xóa bỏ lớp ghép trình độ 3 và 4; riêng lớp ghép trình độ 1 và 2 phụ huynh không đồng ý. Lý do, học sinh còn nhỏ quá, không muốn trẻ đi xa; phụ huynh không đưa đón được. Do đó, năm nay trường vẫn triển khai lớp ghép trình độ 1 và 2 cho 9 học sinh”, thầy Hoàng Trường Kháng – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ