Các nhà nghiên cứu đã phát hiện mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với ánh sáng xanh dương – loại ánh sáng phát ra từ điện thoại smartphone và máy tính bảng – và cơn đói.
Cụ thể là, việc tiếp xúc với ánh sáng xanh dương sẽ tăng mức độ đói suốt nhiều giờ đồng hồ và thậm chí tăng mức độ đói sau một bữa ăn.
Theo tạp chí Sleep, khám phá có được sau khi các nhà khoa học Mỹ tiến hành nghiên cứu đối với những người trưởng thành khỏe mạnh có giấc ngủ bình thuờng và được áp dụng lịch ăn với các bữa giàu cácbon hyđrat giống hệt nhau.
Những người tình nguyện đã hoàn thành cuộc thử nghiệm kéo dài 4 ngày trong điều kiện ánh sáng yếu, không đầy 20 lux (đơn vị chiếu sáng) trong 16 tiếng đồng hồ tỉnh thức và ít hơn 3 lux trong 8 tiếng ngủ.
Vào ngày thứ ba, họ được tiếp xúc với 3 tiếng ánh sáng mạnh 260 lux, màu xanh dương bắt đầu 10,5 giờ đồng hồ sau khi tỉnh thức. Ảnh hưởng sau đó đã được đem so sánh với việc tiếp xúc ánh sáng yếu trong ngày thứ 2.
Kết quả cho thấy, so với việc tiếp xúc với ánh sáng yếu, việc tiếp xúc với ánh sáng mạnh màu xanh dương gắn liều với sự gia tăng cơn đói bắt đầu 15 phút sau khi chiếu sáng và tác động này vẫn được duy trì gần 2 tiếng sau bữa ăn.
Việc tiếp xúc với ánh sáng xanh dương cũng được phát hiện làm giảm sự buồn ngủ vào buổi tối, gia tăng nguy cơ mắc chứng mất ngủ.
Đồng tác giả nghiên cứu Ivy Cheung đến từ Đại học Northwestern (Chicago, Mỹ) tuyên bố: “Chỉ 3 giờ tiếp xúc với ánh sáng giàu màu xanh dương vào buổi tối ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơn đói và sự trao đổi chất glucose.
Phát hiện rất quan trọng vì chúng ám chỉ, thao túng sự tiếp xúc ánh sáng trong môi trường đối với con người có thể mang tới một cách mới tác động đến kiểu hấp thu thực phẩm và quá trình trao đổi chất”.
Bà Cheung tuyên bố, cần có thêm nghiên cứu để xác định các cơ chế ảnh hưởng, liên quan đến mối quan hệ giữa việc tiếp xúc ánh sáng, cơn đói và sự trao đổi chất ở con người.