Theo một báo cáo năm 2017 của Hire Society, hãng chuyên thuê người làm cho những gia đình siêu giàu tại Mỹ, một gia đình thuộc khu đại gia Upper East Side (phía đông Manhattan) sẵn sàng trả số tiền từ 100.000 USD đến 150.000 USD một năm để chi trả cho việc nấu ăn, dọn dẹp, mua sắm vật dụng cá nhân và các công việc gia đình khác.
Tuy nhiên, để có thể đảm đương các công việc nhà nói trên, những người làm thuê này phải biết và có kinh nghiệm sử dụng các sản phẩm gia dụng thông minh, đến từ ba hãng công nghệ là Lutron, Crestron và Kaleidescape.
Theo Business Insider, đây là các thương hiệu không phổ biến, nhưng lại là lựa chọn của những người giàu có. Lutron là nhà sản xuất thiết bị smarthome, cung cấp các công cụ điều chỉnh độ sáng, công tắc, đèn theo hướng tiết kiệm năng lượng với các hệ thống điều khiển có thể bao quát từ 50 đến 10.000 thiết bị.
Các sản phẩm của Crestron thì cung cấp hệ thống điều khiển ánh sáng tích hợp, an ninh gia đình, loa và các công nghệ khác. Kaleidescape thì nổi danh nhờ các công nghệ máy chủ giải trí cho phép truyền phát video và âm thanh đa phòng, hay các hệ thống rạp chiếu phim tại nhà cao cấp.
Với nhiều người bình thường, ngôi nhà đã bắt đầu có thể coi là thông minh khi có những thiết bị giúp họ thoát khỏi các công việc nhàm chán như rửa bát, bật TV... Với việc tạo ra các sản phẩm như Amazon Echo hay Google Home có giá một vài trăm USD, giấc mơ đó đang ngày càng dễ dàng trở thành hiện thực. Nhưng với những người giàu có, thứ họ mong muốn và đòi hỏi đáp ứng thường hơn thế rất nhiều.
"Các hộ gia đình giàu có có nhiều khả năng chấp nhận công nghệ mới hơn người tiêu dùng trung bình, bao gồm các hệ thống smarthome", Winnie Bekmanis, người phụ trách tiếp thị sản phẩm Internet of Things tại Qualcomm, nói. "Điều khác biệt của các hệ thống nhà thông minh đắt tiền là quy mô cài đặt và sự cá nhân hóa".
Có thể nói, cá nhân hóa là chìa khóa trong ngôi nhà thông minh của những người giàu có. Đơn cử trong một cuộc phỏng vấn với Cnet, nữ diễn viên Sofia Vergara đã nói về việc xây dựng một ngôi nhà thông minh cho phép cô không chỉ xem phim trong rạp hát tại nhà, mà còn sử dụng ứng dụng Skype với gia đình và các mạng xã hội trên màn hình lớn.
Theo LA Times, người dẫn chương trình nổi tiếng Oprah Winfrey đã chi 14 triệu USD vào một ngôi nhà công nghệ cao ở khu trượt tuyết Telluride. Căn nhà này có một hệ thống nhiệt bức xạ, giữ cho đường lái xe vào nhà hoàn toàn không có tuyết.
Theo Bekmanis, khi nói đến những ngôi nhà sang trọng, những hệ thống bên trong có thể thích ứng với các sở thích giải trí hoặc an ninh của chủ nhà một cách rất tự nhiên.
"Hệ thống smarthome là chìa khóa để kết nối mọi thiết bị thông minh khác nhau trong ngôi nhà, một cách suôn sẻ", cô nói. "Khi các hệ thống này tự động hóa các công việc vặt cho chủ nhà, chẳng hạn như tắt đèn hoặc pha cà phê vào buổi sáng, họ có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian".
Một số vị khách từng đến nhà của người sáng lập tập đoàn Microsoft, Bill Gates cho biết họ thấy sự hiện diện của nhiều thiết bị thông minh được kết nối với nhau, chịu trách nhiệm về kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng và âm nhạc trong phòng.
Còn trong một video đăng trên Facebook, người sáng lập Mark Zuckerberg đã giới thiệu hệ thống nhà của mình. Nó có tên Jarvis và được điều khiển thông qua một ứng dụng đặc biệt mà Zuckerberg đã tạo ra, với âm thanh lồng tiếng bởi diễn viên Morgan Freeman.
Cũng theo Bekmanis, một hệ thống nhà thông minh sẽ giúp gia chủ dễ dàng kiểm soát và tùy chỉnh chính xác mọi thứ trong nhà, chỉ từ một giao diện.
"Một trong những thị trường đầu tiên được hưởng lợi từ công nghệ smarthome là an ninh gia đình. Nó bao gồm mọi thứ từ cửa tự động và các ổ khóa cửa sổ đến ánh sáng thông minh và camera. Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo cũng đang tạo ra một tác động đáng chú ý đến sự phát triển của các hệ thống an ninh gia đình", Bekmanis nói. "Hãy tưởng tượng camera an ninh nhận ra sự khác biệt giữa một kẻ xâm nhập và người trong nhà, hoặc gửi một thông báo khi một đứa trẻ đã làm mất chìa khóa và đang cần giúp đỡ với tính năng truy cập từ xa".
Tuy nhiên, nếu muốn biến ngôi nhà của mình trở nên thông minh hơn, Bekmanis đưa ra lời khuyên là người dùng nên lên kế hoạch kỹ lưỡng. "Mọi người thường quên chú ý tới sức mạnh của hệ thống mạng Wi-Fi trong nhà của họ", cô nói. Bởi khi các thiết bị kết nối tiếp tục phát triển và ngày càng phổ biến, chúng trở nên tích hợp sâu hơn vào mọi căn phòng. Vì thế, mọi ngóc ngách cần được kiểm tra để đều có thể kết nối với hệ thống Wi-Fi chung. Nhiều vị trí rất khó để tiếp cận, do đó cần tới các công nghệ đặc thù để khắc phục.
Theo chuyên gia này, các bộ định tuyến truyền thống đôi khi cũng tạo ra những điểm chết, đặc biệt với các khu vực như phòng tắm hoặc tầng hầm. Điều này có thể ảnh hưởng đến các thiết bị như tủ lạnh hay máy giặt thông minh. Với những ngôi nhà diện tích lớn, hệ thống Wi-Fi càng phải được chú ý để lắp đặt một cách phù hợp và bao phủ hoàn toàn.