Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 24/4, chi tiêu quân sự toàn cầu vào năm 2022 đã tăng 3,7%, đạt 2,24 nghìn tỷ USD, trong đó châu Âu có mức tăng cao nhất trong 30 năm qua.
Mỹ, Trung Quốc và Nga nằm trong top 3 về chi tiêu quân sự toàn cầu, chiếm 56% tổng số thế giới. Tình hình ở Ukraine và căng thẳng ở Đông Á trở thành những yếu tố tăng trưởng chính, với mức tăng chi tiêu mạnh nhất là 13% ở châu Âu.
"Sự gia tăng liên tục trong chi tiêu quân sự toàn cầu trong những năm gần đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng bất an" - nhà nghiên cứu cấp cao Nan Tian của Chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, cho biết.
Ông nói thêm: “Các quốc gia đang củng cố sức mạnh quân sự để đối phó với môi trường an ninh đang xấu đi, mà họ không nhìn thấy khả năng cải thiện trong tương lai gần”.
Các tác giả của báo cáo lưu ý rằng chi tiêu quân sự của các nước Trung và Tây Âu đã trở lại mức Chiến tranh Lạnh. Ở Trung Âu, chi tiêu quân sự đạt 345 tỷ USD vào năm ngoái trong khi về mặt thực tế, con số này đã lần đầu tiên vượt qua mức chi năm 1989 và cao hơn 30% so với năm 2013.
Một số quốc gia đã tăng chi tiêu quốc phòng, trong khi một số tuyên bố ý định tăng như vậy "trong khoảng thời gian trong một thập kỷ". Mức tăng mạnh nhất trong chi tiêu quân sự là ở Phần Lan (36%), Litva (27%), Thụy Điển (12%) và Ba Lan (11%).
Theo các chuyên gia của viện, tình hình ở Ukraine đã tác động ngay lập tức đến các quyết định chi tiêu quân sự ở Trung và Đông Âu.
Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu cấp cao về chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của SIPRI cho biết, điều này bao gồm các kế hoạch nhiều năm nhằm tăng chi tiêu của một số chính phủ.
Do đó, chúng ta có thể dự đoán hợp lý rằng chi tiêu quân sự ở Trung và Tây Âu sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.