Sinh viên Việt Nam có đầy đủ tố chất để phát triển trong môi trường số

GD&TĐ - Học sinh, sinh viên Việt Nam có đầy đủ tố chất và cơ hội để phát triển một cách toàn diện trong môi trường số.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Ngày 10/11, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Hiệp hội các Trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức Hội thảo “Năng lực số cho sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục đại học”.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – nhấn mạnh, học sinh, sinh viên Việt Nam có đầy đủ tố chất và cơ hội để phát triển một cách toàn diện trong môi trường số. Đặc biệt, sinh viên ở độ tuổi 18 - 22 sẽ là trụ cột, chủ nhân của đất nước nên việc được trang bị năng lực số để chuẩn bị gia nhập vào thị trường lao động là vô cùng quan trọng.

Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, để đạt mục tiêu 3 trụ cột trong chuyển đổi số quốc gia là: kinh tế số, chính phủ số và xã hội số thì việc đào tạo và nâng cao nâng cao năng lực số cho nguồn nhân lực đóng vai đặc biệt quan trọng. Trong đó, có lực lượng lao động chất lượng cao là sinh viên.

Tuy nhiên các đánh giá từ cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế cho thấy, năng lực số của nguồn nhân lực nói chung và năng lực số của sinh viên Việt Nam nói riêng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của chuyển đổi số.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc.

Do vậy cần có những nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực số cho lực lượng lao động này ngay từ khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. “Đây chính là lý do quan trọng để chúng ta gặp nhau tại Hội thảo này - Hội thảo đầu tiên bàn trực tiếp về việc phát triển năng lực số cho sinh viên” - GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) – thông tin: Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên trong triển khai thực hiện chuyển đổi số.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục đang xây dựng và triển khai Đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số. Qua đó ứng dụng triệt để những thành tựu của công nghệ số, dữ liệu số để đưa các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học lên môi trường số có hiệu quả.

Thực tế, từ năm 2020, đại dịch Covid 19 bùng phát đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với mọi mặt đời sống trong đó có giáo dục; các trường học phải tạm thời đóng cửa để phòng chống dịch. Có tới gần 70% học sinh Việt Nam tham gia các hoạt động giáo dục trực tuyến. Điều này góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong giáo dục.

Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại hội thảo.

Ông Ruici Tio - Quản lý Chương trình chính sách, Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Meta - cho biết, thông qua chương trình hợp tác với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, lần đầu tiên Tập đoàn Meta đã hỗ trợ thiết kế và đưa một môn học về Năng lực số có tính tín chỉ vào giảng dạy cho sinh viên.

“Đây là một trong những nỗ lực của chúng tôi nhằm hưởng ứng Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng xã hội số. Thông qua chương trình này, chúng tôi mong muốn thúc đẩy một thế hệ công dân số có trách nhiệm, những người được trang bị tư duy phản biện và kỹ năng số để tự tin tham gia môi trường trực tuyến một cách an toàn, sẵn sàng tiếp cận nghề nghiệp tương lai và trở thành những nhân tố đổi mới sáng tạo” - Ông Ruici Tio chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Sơn Hải, để có thể triển khai thành công chuyển đổi số, yếu tố con người có vai trò quyết định. Ngoài sự quyết tâm chính trị của người đứng đầu cơ sở giáo dục, sự thay đổi nhận thức của đội ngũ giảng viên và khả năng thích ứng của người học trong môi trường số là rất quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ