Chia sẻ về chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải

GD&TĐ - Ngày 3/11, Phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải tại TPHCM đã tổ chức hội thảo Chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Ban chủ tọa hội thảo chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Ban chủ tọa hội thảo chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TPHCM, Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cùng hàng trăm đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, đơn vị, trường đại học trong khu vực.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng- Phó hiệu trưởng, kiêm Giám đốc phân hiệu, chuyển đổi số đã và đang trở thành xu thế tất yếu và là vấn đề sống còn của mọi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, nhất là trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 hiện nay. Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, quá trình chuyển đổi số vẫn đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn lao trong mọi lĩnh vực.

Đảng và Nhà nước ta đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Đây cũng là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc.

Hội thảo chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học trong và ngoài trường gặp gỡ, trao đổi, công bố kết quả nghiên cứu về chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Đặc biệt, thông qua hội thảo ban tổ chức mong muốn tạo sự kết nối các nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước với các cơ quan, doanh nghiệp nhằm mang đến sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn cho tiến trình chuyển đổi số trong các nhà trường.

"Hiện nay công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải nói chung còn rất nhiều vấn đề mới và khó. Trong từng lĩnh vực cụ thể như quy hoạch, xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện vận tải và người lái, logistics… lại có những đặc điểm riêng, khó khăn riêng cho dù sử dụng chung các nền tảng cốt lõi là trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật.

Vì vậy, hội thảo chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm tăng cường trao đổi học thuật, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu, cập nhật các công nghệ mới về chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Đại dịch Covid-19 tại Việt Nam cũng như trên thế giới đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân và nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, kế hoạch phát triển, duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải - mạch máu của nền kinh tế bị ảnh hưởng rất lớn.

Tuy nhiên, nó cũng là "một cú hích lớn" thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong mọi mặt đời sống nói chung, trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đại học và lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng nếu chúng ta biết nắm bắt cơ hội, thời cơ và hành động"- PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Một đại biểu quốc tế tham gia ý kiến tham luận tại hội thảo

Một đại biểu quốc tế tham gia ý kiến tham luận tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về nhiều nhóm chủ để như: Các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT) đã và đang ứng dụng vào trong lĩnh vực giao thông vận tải, cũng như giá trị của thành tựu, ứng dụng điện toán đám mây trong ngành giao thông hiện nay, hay chuyển đổi số trong khai thác vận tải và du lịch.

Ở nhóm chủ đề về đô thị thông minh, mô hình thông tin công trình (BIM), giải pháp sản và xuất kinh doanh dựa trên số hóa, chuyển đổi số trong ngành logistics đã thu hút sự quan tâm trao đổi rất lớn từ các đại biểu tham dự.

Trao đổi và góp ý kiến tại hội thảo, bà Huỳnh Thúy Kiều, Phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải nhìn nhận việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải có lợi ích rất lớn khi không chỉ giúp ngành đồng bộ hóa dữ liệu, tối ưu hóa hoạt động khai thác, giảm chi phí, mà quan trọng hơn việc chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải nếu làm tốt sẽ tác động và thúc đẩy rất lớn sự tăng trưởng của các ngành khác như logistics hay du lịch...

Có chung góc nhìn chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải nếu làm tốt sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và mạnh, nhất là với lĩnh vực logistics, Th.S Chu Thị Huệ, Khoa Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết khi thực hiện ứng dụng thành tựu công nghệ tốt, chuyển đổi số thành công thì sẽ giúp tiết giảm lớn lực lượng lao động thủ công, lao động trình độ thấp trong ngành.

Quan trọng hơn, khi thực hiện chuyển đổi số thành công sẽ giúp tạo ra xu hướng thị trường thay đổi khi những tiện ích số được phát huy. Từ đó, giúp các doanh nghiệp có cơ hội gia tăng hình thức kinh doanh và vận hành hoạt động của mình thông qua các ứng dụng của công nghệ.

"Cả nước đang có 3.000 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến logistics và dự kiến đến năm 2030 nhu cầu về nguồn nhân lực logistics là trên 200.000. Trong khi khả năng đáp ứng về nhu cầu nhân lực của chúng ta hiện chỉ mới đạt 10% nên có thể nói nguồn nhân lực logistics của Việt Nam còn rất thiếu và yếu.

Do đó, nếu chúng ta biết tận dụng những thế mạnh, thành tựu của cuộc CMCN 4.0, trong đó có tiến trình chuyển đổi số một cách hiệu quả, khoảng cách trong đào tạo và nguồn cung nguồn nhân lực trọng điểm trong lĩnh vực logistics, giao thông vận tải sẽ được thu hẹp lại"- Th.S Huệ nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ