Điều gì đang diễn ra?
Theo ông Rick Hess - Giám đốc nghiên cứu chính sách giáo dục tại Viện nghiên cứu độc lập, Mỹ được cho là quốc gia chi trả kinh phí cho mỗi đầu HS cao hơn quốc gia khác nhưng vấn đề đáng quan tâm nhất lại là chất lượng sinh viên chỉ ở mức trung bình. Phải chăng hệ thống GD Mỹ chịu trách nhiệm về sự trượt dốc trong xếp hạng quốc tế này?
Đi tìm câu trả lời, phóng viên tờ News Press (Florida) đã đi khắp châu Á, nơi HS có kết quả học tập vượt trội so với trẻ em Mỹ, đặc biệt trong môn Toán và Khoa học. Đi qua 5 quốc gia và hàng chục nghìn dặm đường, họ nhận ra rằng lớp học ở châu Á không khác lớp học ở Mỹ, khác biệt duy nhất chỉ là ngôn ngữ.
Sự khác biệt giữa giáo dục châu Á với Hoa Kỳ là văn hóa. Nhiều nơi ở châu Á, GD được coi là con đường duy nhất để thành công. Nhu cầu của cha mẹ, nỗi sợ bị thất bại, cạnh tranh và niềm tự hào là nguồn năng lượng cho cỗ xe học thuật châu Á đang đà tiến lên.
Nói đơn giản, HS châu Á học có mục đích. “Phải xác định tâm lý ngay từ đầu”, GS Hwy Chang Moon, Trưởng khoa Nghiên cứu quốc tế tại Trường ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) nói, “Bạn phải là người học sinh dẫn đầu nếu không bạn sẽ có thể mất hết cơ hội”. Dưới góc nhìn của các nhà báo Mỹ, một học sinh châu Á điển hình được mô tả qua mấy từ: Cam kết, siêng năng, cạnh tranh, say sưa, tập trung và tham vọng.
Vì sao đó lại là vấn đề đối với nước Mỹ? “Giáo dục chính là người cầm lái trong cỗ máy có tên là xã hội” John Spinks - nhà tư vấn cấp cao, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Kông nói, “Người ta quan niệm rằng hệ thống GDĐH, cao học sẽ thúc đẩy nền kinh tế đi lên và tạo ra nhiều tài năng”. Mỹ đặt nền móng cho nhiều thế hệ trên toàn cầu. Giống như cuộc đua, ngựa đã ra khỏi cửa chuồng, tuy nhiên con ngựa Mỹ đang mất dần sức mạnh và gần như dừng lại. “Nước Mỹ hiện vẫn dẫn đầu, tuy nhiên khoảng cách giữa họ với Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản đang dần thu hẹp” - ông Moon nói - “Người Mỹ cần phải nhìn ra bên ngoài xem điều gì đang xảy ra”.
Học là trên hết
Ở tuổi lên 10, Justin Yeung hiểu GD là ưu tiên của em trong 15 năm tới. “Học rất quan trọng với em, nó có thể thay đổi cả cuộc sống của em”, Justin - một học sinh lớp 5 của Trường Kau Yan ở Hồng Kông, nói - “Nếu học chăm chỉ và có bảng điểm tốt, em có thể đến học ở các trường tốt và tìm được công việc hấp dẫn”.
Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đại học là 77%, nước Mỹ được xếp thứ 22 trong 28 quốc gia theo công bố của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển. Đánh giá về GDĐH của 18 quốc gia, nước Mỹ về đích cuối với 53% người lớn học xong một cấp học hay có bằng cấp một chương trình nào đó.
Có quá nhiều vấn đề nan giải nữa, châu Á có khả năng sản sinh ra nhiều nhà toán học, khoa học, kỹ sư và cả những nghề nghiệp khác đơn giản vì dân số nơi đây chiếm 60% dân số toàn cầu. Chỉ có hơn 4% dân số của thế giới sống tại Hoa Kỳ.
Cựu Tổng thống Barack Obama nói rằng, Mỹ phải “làm nhiều hơn nữa cho GD” khi các quốc gia khác đang bùng lên mạnh mẽ về kinh tế. Tính cạnh tranh đó đã ăn sâu trong tiềm thức người trẻ châu Á.
Tại nhiều trường ĐH ở châu Á luôn có trợ cấp chính phủ theo khả năng từng quốc gia. Đại học Tokyo là trường được công nhận rộng rãi thuộc hàng top ở châu Á, mức học phí một năm khoảng 5.344 đô la Mỹ, số đó chỉ là một phần nhỏ so với 38.891 đô la Mỹ tại Trường Havard. “Tấm bằng đại học được đa số gia đình châu Á coi là khoản đầu tư tương lai cho con cái”, ông Spinks nói tiếp – “Đối với gia đình châu Á, họ coi đầu tư này sẽ có đền đáp”.
Các thế hệ châu Á đề cao 2 giải pháp nghề: Vào nhà máy hoặc trang trại. Các trung tâm mới về tài chính, công nghệ và năng lượng sẽ chèo lái tương lai kinh tế châu Á. “Người châu Á không học để lấy bằng cấp”, David Bickford, Giáo sư Sinh học thuộc Trường ĐH Quốc gia
Singapore chia sẻ - “Tại các làng quê, trẻ em coi học là con đường duy nhất để thoát nghèo”.
Hạn chế của giáo dục châu Á
Hệ thống giáo dục châu Á về lý thuyết là khá tốt. Các môn Toán, Khoa học ở Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản đều mang xu hướng thế giới, đặc biệt HS lớp 4, lớp 8 của họ tạo ra top 5 quốc gia, vùng lãnh thổ về môn Toán. Theo Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế, Phần Lan là quốc gia duy nhất ngoài châu Á lọt vào top 5 ở các môn: Khoa học, Đọc và Toán.
Điểm thi cao. Không có nghĩa là giáo dục toàn châu Á hoàn hảo. Philippines, Thái Lan và một số quốc gia khác có nền GD cấp cơ sở, trung học và cả ĐH còn xa với xu hướng thế giới.
Chan Woo Lee, 23 tuổi, theo học môn Triết tại Trường ĐH Quốc gia Seoul, băn khoăn rằng các trường chuyên luyện thi, hoặc các khóa gia sư có thể tạo ra khoảng cách giữa gia đình giàu, nghèo. Học phí cao đến chóng mặt, có khi là 200 đô la Mỹ/giờ. “Điều đó tạo ra sự mất cân bằng bởi người giàu chi trả được phí cho các trường luyện thi, nên họ sẽ đạt điểm cao hơn”, Haruka Nuga, 21 tuổi theo học môn Báo chí tại Trường Đại học Hồng Kông băn khoăn.
Các trường luyện thi ngày càng nhiều ở châu Á đến mức Văn phòng GD thành phố Seoul đã phải thuê người làm quản lý thường xuyên kiểm tra các trường này nếu bắt được nơi nào dạy quá 10 giờ đêm sẽ đưa ra tòa.
Chao Yang Lo, một sinh viên theo môn Kỹ sư điện tại ĐH Quốc gia Đài Loan cho rằng có quá nhiều bài tập về nhà, yêu cầu phải đọc tài liệu suốt đêm cộng thêm nghiên cứu có thể làm HS bị tẩu hỏa nhập ma (ngợp).“Chúng tôi không có vài giờ đó trong ngày”, Lo nói.