Điều này một phần ảnh hưởng bởi nền kinh tế quốc gia đang ở thời điểm khó khăn nhất.
Theo ghi nhận của giới truyền thông, thí sinh Trung Quốc năm nay đăng ký nguyện vọng đông đảo nhất vào ngành sư phạm và các ngành liên quan đến giáo dục. Tại các tỉnh Quảng Đông, Hà Bắc và Sơn Đông, điểm xét tuyển vào các lĩnh vực này đều tăng so với năm ngoái.
Tại tỉnh Tứ Xuyên, điểm trúng tuyển vào ngành sư phạm là 673/750, cao thứ 3 cả nước, chỉ sau các trường đại học ở Bắc Kinh là Thanh Hoa và Bắc Đại.
Theo sau là các chuyên ngành liên quan đến y học và an ninh công cộng. Khảo sát của công cụ tra cứu lớn nhất Trung Quốc, Baidu, y học lâm sàng vẫn nằm trong tốp 5 chuyên ngành được tìm kiếm nhiều nhất trong 2 năm liên tiếp. Trong khi đó, điểm xét tuyển vào một số trường cao đẳng cảnh sát tại các tỉnh Tứ Xuyên, An Huy, Sơn Tây tăng đáng kể.
GS Wu Keming, làm việc tại Trường Khoa học Giáo dục, ĐH Sư phạm Hồ Nam, Trung Quốc, nhận định: Khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Sự ổn định được coi là lợi thế trong thị trường việc làm đầy biến động như hiện nay. Đây là nguyên nhân nhiều thí sinh Trung Quốc chọn ngành sư phạm.
Cũng theo GS Wu, chính sách hỗ trợ giáo viên nhất quán của Chính phủ Trung Quốc đã tạo ra động lực cho ngành Giáo dục. Đơn cử, từ năm 2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc triển khai kế hoạch đào tạo giáo viên có mục tiêu nhằm chuẩn bị 10 nghìn giáo viên mỗi năm cho các vùng kém phát triển phía Tây Trung Quốc.
Chính sách trên đã khuyến khích sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp ngành sư phạm trở về làm việc cho các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, sinh viên được miễn học phí, chỗ ở và được nhận trợ cấp sinh hoạt.
Theo GS Wu, lựa chọn ngành nghề của thí sinh cũng ảnh hưởng từ những phán đoán về thay đổi của thị trường. Do đó, điểm trúng tuyển ngành kỹ sư xây dựng tại nhiều trường đại học giảm do thị trường bất động sản và ngành xây dựng trong nước có dấu hiệu suy thoái.
Tình huống tương tự xảy ra với các chuyên ngành ngoại ngữ do sự gián đoạn của thương mại quốc tế sau tác động của dịch Covid-19. Đến nay, Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “không Covid”.
Khảo sát của tờ Nhật báo Thanh niên Trung Quốc cho thấy, năm 2020, 57% thí sinh coi triển vọng nghề nghiệp trong tương lai là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn nguyện vọng đại học, cao hơn lựa chọn dựa trên danh tiếng các trường đại học (chiếm 52,8%).
Tuy nhiên, năm 2021, thứ hạng và danh tiếng đại học là yếu tố hàng đầu (chiếm 65,3%) còn triển vọng nghề nghiệp chỉ chiếm 56,2%.
Nhìn chung, so với trước đây, nhận thức của sinh viên Trung Quốc về nguyện vọng xét tuyển đại học đã tăng cao. Các em biết tính toán đến nhiều yếu tố như triển vọng việc làm sau tốt nghiệp, chương trình đào tạo, yêu cầu công việc... khi đăng ký. Trong khi, trở lại năm 2013, 67,9% sinh viên thừa nhận “mù tịt” khi chọn chuyên ngành học.