Những trải nghiệm thú vị khi thực tập ở nước ngoài

GD&TĐ - Thực tập ở nước ngoài, nhiều SV năm thứ 3, thứ 4 đã có những trải nghiệm thú vị khi đi thực tập tại các doanh nghiệp ở nước ngoài.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đang thực tập tại nhà máy của Tập đoàn KTIS
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đang thực tập tại nhà máy của Tập đoàn KTIS

Thực tập ở nước ngoài đang là một hướng mới mà các trường ĐH, CĐ triển khai để SV có điều kiện tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng, tác phong làm việc trong môi trường quốc tế.

Cơ hội trải nghiệm

Phan Song Sương (SV lớp 13SPA01) là một trong số 27 SV của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng có kỳ thực tập tốt nghiệp trong vòng một tháng tại Trường ĐH Rajamangala ở Sakon Nakhon của Thái Lan. Sương nằm trong nhóm thực tập tiếng Anh và giảng dạy, trực tiếp đứng lớp dạy Tiếng Anh cho SV lớp chuyên ngữ Tiếng Anh và giao tiếp.

Theo như Song Sương thì “cách soạn giáo án và các bước lên lớp thì cũng giống như những gì chúng em được học ở trường, chỉ khác là trong quá trình giảng dạy, do chỉ có thể dùng Tiếng Anh để giải thích cho SV chứ không thể dùng tiếng Thái Lan nên tốc độ dạy có chậm hơn một chút”.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng cũng đã có 4 năm tổ chức cho SV đi thực tập tại các nhà máy thuộc Tập đoàn KTIS của Thái Lan. Thảo Ly - SV lớp 14HTP1 cho biết:

“Sau khi được các anh chị quản lý và kỹ sư của nhà máy Ruam Pol - là nhà máy đường ra đời sớm nhất của Tập đoàn KTIS và Kase Thai - là nhà máy đường lớn nhất của tập đoàn này hướng dẫn tham quan từng khu vực và tìm hiểu quy trình sản xuất đường trong 3 ngày đầu, nhóm chúng em được phân công đến các bộ phận làm việc tùy theo từng chuyên ngành đào tạo của từng người”.

Trong thời gian thực tập, Thảo Ly và các bạn được làm việc như nhân viên chính thức của nhà máy, được tham gia vận hành, sửa chữa và bảo quản các trang thiết bị, tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp…

Nhưng quan trọng hơn cả, SV được rèn luyện ý thức kỷ luật trong môi trường làm việc thông qua việc thực hiện nghiêm chỉnh các nội quy, quy định của nhà máy, nhất là quy định về an toàn lao động mà nhà máy đã yêu cầu.

Nếp nghĩ toàn cầu

Sau một tháng thực tập tại ĐH Rajamangala, Phạm Song Sương cho biết mình đã tích lũy, học hỏi rất nhiều kinh nghiệm quý giá. Lần đầu tiên trải nghiệm làm việc trong một môi trường hoàn toàn sử dụng bằng tiếng Anh, Sương cho biết, phản xạ của mình đã tốt hơn rất nhiều.

“Em đã học được cách điều chỉnh tốc độ dạy để phù hợp với từng đối tượng học, cũng học được cách tổ chức các hoạt động trong và ngoài lớp học một cách linh hoạt trong môi trường đa văn hóa”.

Theo GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, trong thời đại toàn cầu hóa, người lao động có thể dịch chuyển môi trường làm việc trong khối ASEAN, việc hiểu biết các nền văn hóa đa dạng là rất quan trọng.

“Chúng ta có thể tưởng tượng là khi làm việc trong những tập đoàn, công ty đa quốc gia, việc hiểu biết phong tục tập quán, văn hóa của các nước khác nhau sẽ giúp cho mọi người hợp tác hiệu quả trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau”.

GS.TS Trần Văn Nam cũng chỉ ra một số thách thức lớn đối với chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam sẽ là: Năng lực ngoại ngữ để làm việc trong các công ty quốc tế và đa quốc gia; Kỹ năng nghề nghiệp thành thạo theo tiêu chuẩn quốc tế; Kiến thức toàn diện về khoa học công nghệ, văn hóa, luật pháp… trong môi trường quốc tế; Các kỹ năng mềm như giao tiếp, truyền thông, kỷ luật lao động, kỹ năng sống, sự thích nghi… để đáp ứng với sự thay đổi nhanh của kinh tế - xã hội…

Trong bối cảnh đó, việc đưa SV đi thực tập ở nước ngoài là một cách để tạo cho SV có được “nếp nghĩ toàn cầu” để lấp đầy lỗ hổng kỹ năng.

Để lọt vào danh sách SV được chọn đi thực tập ở nước ngoài, các SV thực tập tại nước ngoài trong chương trình trao đổi SV phải trải qua một đợt tuyển chọn chặt chẽ. TS Đào Thị Thanh Phượng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cho biết: “SV đi thực tập ở nước ngoài phải đạt các tiêu chí như điểm học tập phải đạt từ khá trở lên, có ý thức kỷ luật, chấp hành tốt pháp luật. Trong nội dung ký kết hợp tác giữa nhà trường với trường đối tác thì những SV thực tập sẽ được hỗ trợ ký túc xá và không tính chi phí quản lý SV quốc tế nên thực ra, các em chỉ lo chi phí ăn uống và sinh hoạt trong thời gian thực tập”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.