Sinh viên nghiên cứu khoa học: Lợi ích hữu hình và vô hình

GD&TĐ - Sáng 9/6, Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2021 – 2022.

PGS.TS Trần Hữu Hoan - Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục (thứ tư từ phải qua trái) trao giấy khen và tặng hoá chúc mừng cho các sinh viên đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học
PGS.TS Trần Hữu Hoan - Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục (thứ tư từ phải qua trái) trao giấy khen và tặng hoá chúc mừng cho các sinh viên đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học
Học viện Quản lý giáo dục đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, nguồn kinh phí để khuyến khích sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học. Kết quả cho thấy, sinh viên có nhận thức đúng về nghiên cứu khoa học. Nhiều em đã hiểu và thực hiện tương đối tốt kỹ năng nghiên cứu như: đề xuất đề tài nghiên cứu, viết thuyết minh, báo cáo tổng kết đề tài khoa học, thuyết trình đề tài khoa học. Đây là những kỹ năng về học thuật mà sinh viên đạt được thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học. Phần lớn, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học đều có thành tích cao trong học tập và trong các hoạt động giáo dục khác.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhấn mạnh, sinh viên luôn có nhiệt huyết, sự sáng tạo và quyết tâm cao trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo”, 29 bài được lựa chọn để đăng trong Đặc san sinh viên nghiên cứu khoa học. Đây là những bài viết hay, có chất lượng và sáng tạo, ở đó có sự đồng hành của các cán bộ, giảng viên.

Cách tiếp cận vấn đề không “đao to, búa lớp”, đề tài mà các em nghiên cứu  thiết thực, gần gũi với cuộc sống, học tập như: kỹ năng, phương pháp học tập, các vấn đề về hành vi, trạng thái tâm lý…

GS.TS Phạm Quang Trung phát biểu tại hội nghị
GS.TS Phạm Quang Trung phát biểu tại hội nghị

Đặt vấn đề, tại sao phải nghiên cứu khoa học? GS.TS Phạm Quang Trung khẳng định, sinh viên làm nghiên cứu khoa học sẽ được rất nhiều. Đó là những lợi ích hữu hình và vô hình. Các em đã, đang và sẽ biến những kiến thức học trên lớp thành khả năng, kỹ năng của mình và nâng cao giá trị bên trong của bản thân.

Theo Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, giáo dục đại học là bậc học tinh hoa. Sinh viên tốt nghiệp đại học rất đáng tự hào. Kiến thức, kỹ năng, thái độ học tập của các em sẽ được tổng hợp thành những con người có trình độ cao.

Học đại học không nên khoanh tay ngồi nghe thầy, cô giảng bài, rồi cần mẫn ghi chép. Trong quá trình học, các em cần có phản biện. Muốn vậy, các em cần tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, chủ động trong học tập. “Việc học là tự giác, học để vì ngày mai lập nghiệp” - GS.TS Phạm Quang Trung nhắn gửi.

Nhấn mạnh, nghiên cứu khoa học của sinh viên là một bộ phận của hoạt động nghiên cứu khoa học trong Học viện Quản lý giáo dục  và không thể tách rời công tác đào tạo;  TS Lê Thị Ngọc Thúy – Trưởng phòng Quản lý khoa học – khẳng định: Đây là hoạt động tích hợp, quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

TS Lê Thị Ngọc Thúy báo cáo tại hội nghị
TS Lê Thị Ngọc Thúy báo cáo tại hội nghị

TS Lê Thị Ngọc Thúy cho hay, năm học 2022- 2023, một trong những định hướng quan trọng của Học viện là, hoàn thiện chính sách hỗ trợ giảng viên và sinh viên nghiên cứu khoa học như: cộng điểm thành tích học tập; gắn ý tưởng nhiệm vụ nghiên cứu với thực tập và khóa luận của sinh viên; quy đổi giờ hướng dẫn sang các nhiệm vụ khoa học khác của giảng viên;

Đồng thời, tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên phối hợp ý tưởng nghiên cứu khoa học với các nhiệm vụ học tập khác như: kiến tập, thực tập, khóa luận…

Với đề tài “phân tích chi phí cơ hội trong việc khuyến khích sinh viên Học viện Quản lý giáo dục tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học”, sinh viên Tạ Vân Mĩ, lớp K12A – QLGD, Khoa Quản lý – nhìn nhận: tham gia nghiên cứu khoa học, giúp em trưởng thành nhanh hơn trong môi trường học tập. Sinh viên chủ động hơn trong học tập, phát triển tư duy, hình thành phương pháp, cách thức phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề.

“Nghiên cứu khoa học còn là môi trường rất tốt giúp chúng em trau dồi các kỹ năng như: giao tiếp, cách làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình – thuyết phục, kỹ năng quản lý thời gian, quản lý dự án, kỹ năng giải quyết xung đột… Đây là giai đoạn tiền đề, tạo điều kiện để chúng em làm tốt khoá luận tốt nghiệp và các công trình nghiên cứu sau này” - Vân Mĩ bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ