Vượt dịch để nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải học trực tuyến dài ngày, nhưng ngành Giáo dục vẫn duy trì cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh.

Phạm Nguyễn Quang Huy (phải) và Phạm Nguyễn Gia Bảo (trái), hai anh em ruột cùng đoạt giải Nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Phạm Nguyễn Quang Huy (phải) và Phạm Nguyễn Gia Bảo (trái), hai anh em ruột cùng đoạt giải Nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.

Mục tiêu là khuyến khích các em ứng dụng sáng tạo kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Khắc phục khó khăn

Với sự hướng dẫn của thầy giáo Nguyễn Hồng Hải, hai học sinh Đỗ Minh Quân, Nguyễn Thiên Lương, lớp 11 chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã hoàn thành dự án “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt”. Dự án đã đoạt giải Nhất cấp thành phố, giải Nhất cấp quốc gia và được lựa chọn dự thi Intel ISEF.

Thuyết trình về đề tài của mình, trưởng nhóm Đỗ Minh Quân chia sẻ: Trong các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch, xanh khổng lồ. Vì vậy, việc tận dụng hiệu quả nguồn năng lượng này chiến lược toàn cầu, không chỉ để ứng phó với khủng hoảng năng lượng, mà còn xử lý ô nhiễm môi trường.

“Từ niềm yêu thích hóa học, cùng sự hướng dẫn của các thầy cô, chúng em đã chọn nghiên cứu đề tài với mong muốn được tìm hiểu tác động của hóa học với các vấn đề về môi trường, qua đó tìm vật liệu phân hủy tốt trong thời gian ngắn, độ bền cao và có khả năng ứng dụng trong xử lý ô nhiễm môi trường”, Đỗ Minh Quân nói.

Thầy Nguyễn Hồng Hải - giáo viên hướng dẫn đề tài - cho biết: Dù trong suốt thời gian thực hiện đề tài, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nhà trường luôn tạo mọi điều kiện cho giáo viên cùng học sinh tham gia nghiên cứu khoa học. Thầy trò tiến hành nghiên cứu theo từng bước, tận dụng công nghệ thông tin và khảo sát theo phương thức trực tuyến.

Nghiên cứu khoa học là thế mạnh của thầy trò Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) từ nhiều năm nay. Năm 2021, nhà trường đón nhận tin vui khi cả hai đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh đều đoạt giải Nhất cấp thành phố. Trong đó, đề tài “Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên” của hai anh em ruột Phạm Nguyễn Quang Huy (lớp 12) và Phạm Nguyễn Gia Bảo (lớp 10) được lựa chọn thi quốc gia và đã xuất sắc đoạt giải Nhất.

Thuyết minh đề tài, Phạm Nguyễn Quang Huy cho biết: Đề tài nhằm xây dựng mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường; nghiên cứu thực trạng hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường; nhận diện những yếu tố thúc đẩy hoặc kìm hãm việc thực hiện các hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên Việt Nam.

Để nghiên cứu, nhóm đã đặt ra 3 câu hỏi: Hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường là gì? Có những yếu tố nào ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên Việt Nam? Làm sao để tác động, thúc đẩy các thanh niên Việt Nam thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường thông qua hành vi tiêu dùng? Để trả lời cho những câu hỏi đó là những kiến nghị, đề xuất với những dữ liệu cụ thể.

Để thực hiện đề tài, Phạm Nguyễn Quang Huy và Phạm Nguyễn Gia Bảo nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy giáo Trần Văn Huy. “Qua những buổi tập huấn trực tuyến, thầy đã giúp đỡ chúng em rất nhiều trong việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu, xử lý dữ liệu, thu thập thông tin qua bảng hỏi, kiểm định và phân tích thông tin. Thực hiện đề tài trong mùa dịch gặp không ít khó khăn nên thầy trò đã phải cố gắng rất nhiều”, Phạm Nguyễn Gia Bảo kể.

Đỗ Minh Quân, Nguyễn Thiên Lương và thầy giáo Nguyễn Hồng Hải.
Đỗ Minh Quân, Nguyễn Thiên Lương và thầy giáo Nguyễn Hồng Hải.

Thúc đẩy phong trào nghiên cứu

Cô Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam - chia sẻ: 2021 - 2022 là năm học đặc biệt đối với ngành GD-ĐT Hà Nội. Mặc dù, học sinh chưa được đến trường và gặp gỡ thầy cô trực tiếp nhưng các em vẫn nỗ lực, vượt khó, tìm tòi, nghiên cứu. Kết quả có rất nhiều dự án nghiên cứu khoa học ra đời.

Các dự án có được là nhờ kết quả của phong trào nghiên cứu khoa học phát triển mạnh mẽ trong nhà trường từ nhiều năm nay. Ngoài việc học kiến thức văn hóa, học sinh Trường Ams còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học.

Các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học do chính học sinh thành lập đã bùng nổ tại Trường Ams trong nhiều năm gần đây như: Câu lạc bộ STEM, câu lạc bộ Robot. Những câu lạc bộ năng khiếu này là môi trường phù hợp để học sinh rèn luyện năng lực chuyên môn của mình. Ngoài việc có thêm chiều sâu về học thuật, học sinh còn có cơ hội thực hành thông qua nhiều hoạt động thú vị.

Nhận định cuộc thi khoa học kỹ thuật là sân chơi để học sinh phát huy năng lực sáng tạo của mình, cô Dương khẳng định: Gắn thực hành với lý thuyết sẽ giúp học sinh yêu thích môn học hơn. Do đó, cần khuyến khích niềm đam mê khoa học của học sinh, để việc học thực sự là niềm vui của các em. Nghiên cứu khoa học kỹ thuật không chỉ khơi nguồn và phát huy khả năng sáng tạo cho các em, mà còn khơi dậy, thắp sáng những giá trị nhân văn của cuộc sống.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Hai năm học qua, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp trường, thành phố vẫn được tổ chức, thu hút được sự quan tâm hưởng ứng và vào cuộc mạnh mẽ của các nhà trường, thầy, cô giáo cùng đông đảo học sinh.

Từ cuộc thi cấp thành phố, sở đã lựa chọn 4 đề tài dự thi cấp quốc gia. Sau hơn 1 tháng chuẩn bị, với sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, hướng dẫn trách nhiệm của các thầy, cô giáo, đoàn học sinh Hà Nội đạt được thành tích xuất sắc tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia với 2 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba.

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật là sân chơi bổ ích, khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Cuộc thi cũng góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục, đồng thời tạo hiệu ứng tích cực trong nghiên cứu khoa học của học sinh Thủ đô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...