Trường ĐH Hồng Đức thông tin về việc dừng tuyển sinh các ngành chất lượng cao

GD&TĐ - Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) sẽ dừng tuyển sinh theo đề án chất lượng cao các ngành sư phạm Toán, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử từ năm nay.

Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH, ngành sư phạm tại Trường ĐH Hồng Đức được triển khai từ năm 2018. Có 4 ngành được mở, đào tạo gồm: Sư phạm Toán, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử.

"Hoàn thành sứ mệnh"

Kết quả tuyển sinh trong giai đoạn 2018-2022 có tổng 239 sinh viên tại 4 ngành. Khóa 2018-2022, đã có 22 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 11 sinh viên xếp loại Xuất sắc, 11 sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi.

Tuy nhiên, từ năm 2023, Trường ĐH Hồng Đức sẽ dừng tuyển sinh theo đề án chất lượng cao, vì đã “hoàn thành sứ mệnh”.

Ông Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức, cho hay: “Từ khi Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực đã thu hút được nhiều học sinh khá, giỏi đăng ký học các ngành sư phạm. Nhà trường nhận thấy đề án đào tạo các ngành chất lượng cao này đã “hoàn thành sứ mệnh”.

Ông Dũng chia sẻ: “Sinh viên học chất lượng cao là được học các môn học mới nhiều hơn, ưu tiên các thiết bị hiện đại nhất trong trường, được miễn ở trong ký túc xá, học bổng cao hơn...”.

Về vấn đề dừng tuyển sinh viên chất lượng cao, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong giai đoạn 2010-2017, nhu cầu tuyển dụng giáo viên ít, nên học sinh khá, giỏi hầu như không đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên.

Cũng theo ông Dũng, xuất phát từ chất lượng tuyển sinh giai đoạn từ 2010-2017 vào các ngành đào tạo giáo viên thấp, nhà trường xây dựng đề án đào tạo chất lượng cao (được Bộ GD&ĐT xác nhận) 4 ngành trình độ đại học (Sư phạm Toán học, sư phạm Vật lý, sư phạm Ngữ văn và sư phạm Lịch sử).

Từ năm 2018 đến 2022, nhà trường đã thực hiện tuyển sinh và đào tạo theo đúng cam kết của nhà trường khi xây dựng đề án. Đó là, tuyển sinh học sinh có học lực 3 năm từ loại khá và hạnh kiểm loại tốt. Tổng điểm 3 môn thi đạt từ 24 điểm (không có môn dưới 5 và điểm môn chủ chốt theo ngành đạt từ 8,0).

Ông Bùi Văn Dũng- Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Ông Bùi Văn Dũng- Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Chương trình đào tạo có khối lượng kiến thức nhiều hơn, kiến thức ngoại ngữ được tăng cường hơn và sử dụng ngoại ngữ trong dạy học chuyên môn, giảng viên dạy lý thuyết có học vị tiến sĩ, tổ chức các lớp học phần riêng, được tăng cường các hoạt động rèn nghề... Thực hiện một số chính sách, như: Miễn tiền ở ký túc xá, cấp học bổng cho sinh viên có học lực giỏi, xuất sắc gấp 1.5 lần so với sinh viên cùng loại ở chương trình đào tạo đại trà.

“Trong giai đoạn tới, nhà trường xác định tập trung nâng cao chất lượng đào tạo ở tất cả các ngành nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, tăng khả năng thích ứng của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, nhà trường sẽ chuẩn bị các điều kiện để tuyển sinh các ngành đào tạo “song ngữ” nhằm giúp sinh viên tốt nghiệp có thể dạy học bằng tiếng nước ngoài”, ông Dũng nói.

Tuyển dụng phải đúng quy định

Trước đó, tháng 7/2022, Trường ĐH Hồng Đức đã có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành chức năng đề nghị xây dựng kế hoạch tuyển dụng sinh viên đã tốt nghiệp từ Đề án đào tạo sinh viên chất lương cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn các sinh viên tốt nghiệp từ Đề án vẫn chưa được tuyển dụng.

Được biết, trong số 22 sinh viên tốt nghiệp theo Đề án, chỉ có 2 sinh viên đáp ứng quy định tại Điều 2, Nghị định 140/2017/NĐ-CP.

Ông Lê Văn Nguồn - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, đào tạo ra tuyển dụng ngay là không có. Việc tuyển dụng viên chức phải tuân thủ quy định tại Nghị định 140/2017/NĐ-CP, ngày 5/12/2017 và Nghị định 115/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ.

Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Cũng theo ông Nguồn, đối với sinh viên tốt nghiệp từ đề án chất lượng cao, thì đầu ra hầu hết không đúng đối tượng theo quy định, nên không thể đặc cách được. Tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo giao Sở GD&ĐT và các huyện, nếu có tuyển dụng, thì thông tin cho các sinh viên tốt nghiệp từ đề án trên biết, để tham gia tuyển dụng giống như sinh viên các trường khác.

Theo Sở GD&ĐT, đối với THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, so với biên chế tỉnh giao còn thiếu 280 giáo viên, còn theo định mức quy định của tỉnh còn thiếu 530 giáo viên.

“Trong quá trình triển khai, có công văn dùng từ ưu tiên trong tuyển dụng. Sau đó, có thời điểm giao thời giữa khóa trước và khóa này, mà lại không có một văn bản quy định nào của tỉnh là phải tuyển dụng ngay khi vừa tốt nghiệp. Việc tuyển dụng không phải là trách nhiệm của nhà trường. Nhà trường không có một ràng buộc nào, mà việc này của các sở liên quan trên địa bàn.

Ngay khi trúng tuyển và trong quá trình đào tạo, nhà trường cũng đã truyền thông, tư vấn cho sinh viên hiểu vấn đề. Nhà trường và giảng viên cũng không nói rằng; học lớp này ra là có việc làm ngay”, ông Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

cách để trúng tuyển mùa tuyển sinh đại học 2024