Sinh viên ngành GDCT được trang bị kiến thức thực tế từ tham quan các "địa chỉ đỏ"

GD&TĐ - Tham quan, học tập tại các “địa chỉ đỏ”, sinh viên được hiểu thêm về những giá trị lịch sử to lớn, cùng những cống hiến của thế hệ cha, ông trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.  

Sinh viên dâng hương tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh viên dâng hương tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vừa qua, Khoa Giáo dục Chính trị (GDCT), Trường Đại học sư phạm, Đại học Huế, tổ chức cho sinh viên tham quan, học tập tại các “địa chỉ đỏ” trên cả nước, trong thời gian một tuần, từ 23-30/5. Hoạt động trên nằm trong kế hoạch đào tạo năm học 2021 – 2022 của Khoa GDCT, Trường Đại học sư phạm Huế.

Tham gia học phần thực tế chính trị - xã hội về với “địa chỉ đỏ” gồm 34 sinh viên các lớp GDCD 3; GDCT 3; GDQP-AN 2; GDQP-AN 3. Được biết, đây là học phần mang tính thực tiễn cao và hữu ích đối với các ngành học của Khoa Giáo dục Chính trị.

Các sinh viên với sự hướng dẫn của giảng viên Khoa GDCT đã thực hiện chuyến tham quan, học tập tại nhiều di tích lịch sử trên cả nước.

Các giảng viên, sinh viên chụp ảnh lưu niệm sau khi viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các giảng viên, sinh viên chụp ảnh lưu niệm sau khi viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khởi đầu hành trình, các cán bộ, sinh viên Khoa GDCT đã đến tham quan và dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị, nơi diễn ra trận chiến oanh liệt 81 ngày đêm “mùa Hè đỏ lửa” bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972; đoàn cũng tham quan di tích lịch sử cầu Hiền Lương – Vĩ tuyến 17 – nơi mang nặng nỗi đau chia cắt hai miền Nam – Bắc suốt hơn 2 thập kỷ.

Đoàn tham quan học tập tại Thành Cổ Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị).
Đoàn tham quan học tập tại Thành Cổ Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị).
Sinh viên được nghe giới thiệu về trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ năm 1972.
Sinh viên được nghe giới thiệu về trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ năm 1972.

Tiếp đó, các cán bộ, sinh viên tham quan học tập tại địa đạo Vịnh Mốc, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân “tuyến lửa” Vĩnh Linh đã kiến thiết hệ thống làng hầm trong lòng đất để vừa sinh sống, vừa đương đầu với kẻ thù xâm lược. Địa đạo Vịnh Mốc là công trình kỳ vĩ, thể hiện quyết tâm phi thường của quân và dân Vĩnh Linh anh hùng.

Các sinh viên tham quan bảo tàng trưng bày địa đạo Vịnh Mốc.
Các sinh viên tham quan bảo tàng trưng bày địa đạo Vịnh Mốc. 

Rời “đất lửa” Quảng Trị, đoàn tiếp tục hành trình đến với Thủ đô Hà Nội, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch, Chùa Một Cột, Bảo tàng Hồ Chí Minh, tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Nhóm sinh viên Đại học Sư phạm đến thăm Văn miếu Quốc Tử Giám.
Nhóm sinh viên Đại học Sư phạm đến thăm Văn miếu Quốc Tử Giám.
Tiếp đó, đoàn đến Nghệ An, thăm các di tích trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, đoàn đến Nghệ An, thăm các di tích trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh viên tỏ lòng thành kính trước các thế hệ cha ông đã hy sinh vì đất nước.
Sinh viên tỏ lòng thành kính trước các thế hệ cha ông đã hy sinh vì đất nước.

Rời Thủ đô Hà Nội, đoàn về với Làng Sen quê Bác được tận mắt nhìn thấy những kỷ vật một thời gắn liền với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quê nội và quê ngoại của Người. Sau đó, đoàn cán bộ, sinh viên tiếp tục hành trình đến di tích Ngã Ba Đồng Lộc – nơi đã khắc ghi những chiến công anh hùng của quân và dân Hà Tĩnh, đặc biệt là sự hy sinh của 10 cô gái đang tuổi thanh xuân vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; thăm và dâng hương tại nhà lưu niệm Lý Tự Trọng, Hang Tám Cô ở Quảng Bình cùng di sản thiên nhiên thế giới – Động Phong Nha.

Sinh viên Khoa GDCT viếng các liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh).
Sinh viên Khoa GDCT viếng các liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh).
Tri ân các liệt sĩ tại Hang Tám Cô (tỉnh Quảng Bình).
Tri ân các liệt sĩ tại Hang Tám Cô (tỉnh Quảng Bình).

Qua chuyến đi này, các sinh viên được mắt thấy, tai nghe, hiểu thêm về những giá trị lịch sử to lớn mà các thế hệ cha ông đã tạo dựng và để lại cho quê hương đất nước. Từ đó, sinh viên hiểu về truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do. Đây sẽ là hành trang quý giá đối với sinh viên để bước vào đời, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng phát triển quê hương, đất nước.

Thầy giáo Lê Văn Thuật, giảng viên Khoa GDCT Đại học sư phạm Huế cho biết: “Đây là học phần có tính chất đặc thù đối với sinh viên ngành GDCT. Bên cạnh những kiến thức đã học tại trường, các em được đi thực tế để tham quan học tập, qua đó hiểu hơn về những giá trị về lịch sử hào hùng của dân tộc”.

Thăm và dâng hương tại nhà lưu niệm Lý Tự Trọng.
Thăm và dâng hương tại nhà lưu niệm Lý Tự Trọng.

Sinh viên Trần Văn Ngọc Vỹ (lớp GDCT 3, Khoa GDCT) cho biết: "Dịp tham quan, học tập vừa qua, các sinh viên được đến thăm nhiều điểm di tích lịch sử, nơi từng là chiến trường ác liệt những năm chống Mỹ, như: Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, ngã ba Đồng Lộc, hang Tám Cô)... Qua đó, chúng tôi thấy tự hào và biết ơn các thế hệ cha ông đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, sinh viên được viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Chuyến tham quan học tập thực tế lần này sẽ trang bị cho chúng tôi những kiến thức không có trong giáo trình, trở thành chất liệu quan trọng để phục vụ giảng dạy sau này".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.