Xác nhận thông tin trên, ThS Hoàng Thị Thoa - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết: Trường hợp trên là nữ sinh năm 2, ngành Ngôn ngữ Anh của trường.
Theo nữ sinh viên trên chia sẻ, tháng 11/2020 em lỡ làm mất 10 triệu đồng khoản tiền mà gia đình gửi cho để đóng học phí. Vì lo sợ, em đã vay qua ứng dụng cho vay trực tuyến với dự định chi tiêu tiết kiệm và làm thêm để trả nợ.
Tuy vậy, đến ngày đáo hạn phải trả, nữ sinh trên đã không có tiền trả nên được App cho vay trên giới thiệu sang App khác để vay tiền trả nợ. Tin lời, nữ sinh này vay tiền ở App khác và dần dần lọt chân vào “ma trận” vay tiền lãi cao của đường dây này.
“Danh sách các khoản vay gia đình và sinh viên này cung cấp cho nhà trường và công an cho thấy: Em vay tiền ở hàng chục ứng dụng khác nhau với lãi suất rất cao. Chính vì lãi mẹ đẻ lãi con quá nhanh nên khi đến hạn trả tiền, em không có tiền thì bị nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa. Từ khoản vay ban đầu 10 triệu đến nay tổng số nợ của em lên tới hơn 300 triệu đồng. Hiện nhà trường phối hợp với cơ quan công an để điều tra, làm rõ về các App cho vay tiền này” - ThS Thoa nói và cho biết thêm: Đây không phải lần đầu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM vướng vào các khoản nợ “tín dụng đen”. Để hạn chế sinh viên rơi bẫy kiểu này, hàng năm cứ vào tuần sinh hoạt công dân và đầu khóa, nhà trường luôn tuyên truyền và khuyến cáo sinh viên nhưng vẫn có em bị lừa.
“Nhà trường liên tục cảnh báo sinh viên tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người ngoài hoặc trên ứng dụng, diễn đàn không rõ ràng. Trường khuyến cáo sinh viên khi gặp khó khăn đột xuất về tài chính có thể liên hệ nhà trường để tìm cách hỗ trợ, giải quyết”, ThS Thoa nói.