Theo điều tra ban đầu, nhóm này gồm 15 học sinh (14 học sinh trường THPT Phan Đăng Lưu và 1 học sinh trường THCS Lê Hồng Phong) do P.Đ.H (SN 2001, trường THPT Phan Đăng Lưu) đứng đầu.
Vào tháng 12/2019, em Đinh Thị L. (học sinh, ngụ xã Pơng Đrang) vay của H. số tiền 6 triệu đồng với lãi suất 20%/7 ngày.
Lúc nhận tiền L. chỉ nhận được 4,8 triệu đồng; 1,2 triệu đồng còn lại H. giữ lại vì cho rằng đó là số tiền lãi 1 tuần.
Đến ngày 11/1/2020, không có tiền trả nợ nên H đe dọa không cho H đi học.
Sau khi phát hiện sự việc H. và L. được mời lên làm việc.
Tại cơ quan công an, H. khai từ tháng 10/2019 đến nay đã cho vay nặng lãi với tổng số tiền 9,5 triệu đồng với mức lãi suất 20%/7 ngày.
Quá trình mở rộng điều tra, cơ quan công an xác định có nhiều học sinh tham gia vào việc cho vay nặng lãi.
Cụ thể, H. đã nhờ 2 người bạn cùng lớp là L.V.S (SN 2003) và N.T.N.H (SN 2003) mang chuyển tiền cho người vay, đi thu nợ và lấy tiền lãi cho H.
Trong đó S. đã nhận trên 15 triệu đồng từ H. để chuyển cho người vay và sau đó đi thu lãi. Mỗi lần lấy nợ S. được H. trả tiền công là 100.000 đồng.
Riêng N.H đã nhận từ H. số tiền khoảng 25 triệu đồng để chuyển cho người vay và được H. trả tiền công 60.000 đồng.
Qua điều tra, cơ quan Công an làm rõ có 15 học sinh tham gia vào việc vay – mượn tiền với tổng số tiền vay là 23,4 triệu đồng và số tiền học sinh đã đóng lãi ước tính 9 triệu đồng.
Trong đó, xác định có 3 em là người cho vay tiền và 11 em còn lại là những người mượn tiền.
Theo lãnh đạo, em H từng nghỉ học 2 năm và có đi làm nên tiết kiệm được tiền. Sau đó qua Youtube em học cách cho vay "tín dụng đen".
Tuy nhiên, qua làm việc các em học sinh đều rất hối lỗi về hành vi sai trái và cam kết sẽ không tái phạm.
"Chúng tôi sẽ có văn bản gửi đến nhà trường, Sở GD-ĐT để thông báo về vụ việc nhằm tuyên truyền, giáo dục, răn đe và để các đơn vị quản lý chặt các học sinh không được tham gia vay mượn tiền vì nếu không kịp phát hiện sự việc sẽ rất nghiêm trọng", vị lãnh đạo nói.