Kết hợp du lịch và ẩm thực trong bản đồ
Dự án “Bản đồ kết hợp giữa du lịch và ẩm thực tại thành phố Huế” của nhóm sinh viên Nguyễn Hằng Nga, Nguyễn Đỗ Thùy My, Nguyễn Thị Thảo và Nguyễn Thị Thùy Trang. Đây là những sinh viên năm thứ 3, khoa Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành, Trường Du lịch - Đại học Huế. Ý tưởng của nhóm đã đạt giải Ba khối sinh viên tại “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia” lần thứ V được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Dự án trên của nhóm sinh viên với mong muốn sẽ là một công cụ để du khách tự do khám phá nơi mình muốn theo sở thích. Ngoài ra, du khách còn có thể biết thêm nhiều thông tin về các điểm đến cũng như văn hóa ẩm thực qua những thông tin mà bản đồ cung cấp trong mã QR ở trên My Maps.
Trong bản đồ có tích hợp các điểm đến và gợi ý các địa điểm ẩm thực tại TP Huế, ngoài ra còn có mã QR để du khách có thể quét để biết thêm nhiều thông tin mà bản đồ cung cấp. |
Theo chia sẻ của nhóm, bản đồ được in từ giấy cứng A3, gồm có hai mặt. Mặt trước là mô tả nội dung các điểm đến ẩm thực, du lịch và các món quà lưu niệm tại TP Huế. Mặt sau sẽ xây dựng các tuyến du lịch cho du khách tham khảo.
Thành viên Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết, dựa vào bản đồ, du khách sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm các địa điểm du lịch và ăn uống. Bản đồ được thiết kế hai chiều dạng giấy và online tạo sự thuận tiện và độc đáo, nhỏ gọn, các địa điểm và tour, tuyến dễ nhìn và tham khảo. Dự án với mục đích hướng đến cộng đồng và quảng bá du lịch nên chi phí dự kiến khoảng 30.000 đồng/tấm bản đồ, phù hợp tài chính của du khách.
Mặt sau của bản đồ là các gợi ý về một số tour, tuyến du lịch tại TP Huế cho du khách tham khảo. |
Nhóm trưởng Nguyễn Hằng Nga chia sẻ: “Ý tưởng bắt đầu hình thành từ cuối năm 2022. Vì môi trường học tập đặc thù là du lịch nên mọi người cũng cố gắng tìm kiếm ý tưởng phù hợp với ngành học. Dự án này cũng từng đạt giải Ba cấp trường trong cuộc thi Sáng tạo sinh viên”.
Để có được kết quả như hôm nay, trong quá trình nghiên cứu dự án, nhóm sinh viên cũng gặp một số khó khăn như phải chọn lọc các điểm ẩm thực ngon trong quá nhiều địa điểm. Quá trình cắt ghép chỉnh sửa ảnh, nguồn tiền vốn đầu tư, chi phí marketing và quảng bá sản phẩm... Sau khi đạt giải Ba cấp trường, nhóm cũng nhận thấy rằng sản phẩm chưa được hoàn thiện để đáp ứng với nhu cầu mọi người.
“Chúng em vừa học trên trường, vừa ôn thi học kỳ, hoàn thành sản phẩm, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Thời gian mọi người gặp nhau còn nhiều hơn thời gian ở trọ. Khi có thông tin dự án sẽ tham gia cuộc thi Ngày hội khởi nghiệp quốc gia, mọi người vừa mừng, vừa lo. Bởi được tham gia giải cấp quốc gia, lo lắng là vì sản phẩm chưa được hoàn thiện và mới chỉ hình thành ở mặt ý tưởng", Nguyễn Thị Thảo tâm sự.
Tuy nhiên, nhóm bạn trẻ cho biết, dù khó khăn như thế nào thì chúng em với quyết tâm đưa sản phẩm dự án tham gia cuộc thi, mọi người cũng đã sắp xếp thời gian hợp lý để ngồi lại với nhau cùng trao đổi, thiết kế. Đồng thời, hỗ trợ nhau trong công việc để hoàn thiện sản phẩm.
Phát triển bản đồ giấy thành ứng dụng điện tử
Chia sẻ về việc phát triển dự án trong thời gian tới, nhóm sinh viên cho biết, sản phẩm này không chỉ dừng lại ở một cuốn cẩm nang in ra trên giấy mà còn phát triển thành một ứng dụng điện tử để mang đến cho du khách những tiện ích được tích hợp trong ứng dụng.
“Nhóm chúng em sẽ nhờ sự liên kết của Trung tâm xúc tiến Du lịch (thuộc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế) để xuất bản thành cuốn cẩm nang du lịch đưa đến các địa điểm tham quan và phát cho du khách. Tiếp đó chúng em sẽ nhờ nhà trường hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp, nhà tài trợ nhằm phát triển sản phẩm này thành ứng dụng trong tương lai”, nhóm trưởng Hằng Nga bộc bạch.
Nhóm sinh viên Trường Du lịch, ĐH Huế với sản phẩm tại không gian trưng bày Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V. |
Ứng dụng dự kiến sẽ tích hợp các gói cho du khách với nhiều tour khác nhau để trải nghiệm như 1 buổi, 1 ngày, 2 ngày,... Cùng với đó sẽ kết hợp với câu lạc bộ hướng dẫn viên của trường để sinh viên có cơ hội được tiếp cận, thuyết trình cho du khách.
Ưu điểm khi bản đồ du lịch kết hợp với ẩm thực phát triển thành ứng dụng đó là các nhà hàng, quán ăn sẽ có cơ hội tiếp cận với du khách nhiều hơn thông qua sự giới thiệu của ứng dụng này. Từ đó sẽ mang lại được doanh thu khi liên kết ứng dụng.
“Để được nhiều du khách tiếp cận khi mới khởi đầu, nhóm chúng em dự kiến sẽ in bản đồ và dán ở các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Huế như Đại Nội, các lăng tẩm,... để du khách có thể quét mã QR và biết đến nhiều địa điểm du lịch cũng như những ẩm thực của Huế”, thành viên Thùy My chia sẻ.
PGS.TS Trần Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Du lịch - ĐH Huế cho biết, khi biết tin dự án của các em đạt giải Ba, các thầy cô trong trường rất vui mừng và tự hào. Trường quyết định đầu tư một khoản kinh phí để chuyển ý tưởng đó thành những sản phẩm cụ thể. Trước mắt sẽ là bản đồ các tour, tuyến du lịch và ẩm thực cho du khách bằng giấy, trong đó sẽ có những thông tin chi tiết về địa điểm du lịch, ăn uống. Giai đoạn sau này sẽ kêu gọi các nhà tài trợ lớn để chuyển sản phẩm thành bản đồ số hóa.
PGS.TS Trần Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Du lịch - ĐH Huế chia sẻ về dự án của nhóm sinh viên khi đạt giải Ba khối sinh viên tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia lần V. |
“Nhà trường cũng đã yêu cầu nhóm sinh viên khảo sát các nhà hàng, quán ăn có uy tín và chịu cam kết về mặt chất lượng, giá cả sản phẩm, nếu đồng ý thì sẽ đưa thông tin các nhà hàng, quán ăn đó vào các tour, tuyến của bản đồ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch, nếu sản phẩm của dự án phát triển thì đây cũng là một môi trường để cho sinh viên trải nghiệm thực tế với du khách ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, PGS.TS Trần Hữu Tuấn chia sẻ.