Sinh viên đổ xô đi làm thêm dịp Tết

GD&TĐ - Cuối năm, nhiều doanh nghiệp tăng cường sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên...

Anh Đỗ Thanh với công việc bán thời gian tại một quán cà phê.
Anh Đỗ Thanh với công việc bán thời gian tại một quán cà phê.

Nhộn nhịp người tìm việc, việc cần người

Thời điểm giáp Tết hàng năm là lúc thị trường việc làm thời vụ trở nên vô cùng nhộn nhịp, nhu cầu tuyển lao động trong lúc này tăng lên gấp nhiều lần so với ngày thường. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, siêu thị, cửa hàng quần áo, nhà hàng, quán ăn… ở Hà Nội cũng đang trong tình trạng tăng cường tuyển lao động thời vụ để đáp ứng khối lượng công việc lớn dịp cận Tết.

Công việc thời vụ không yêu cầu bằng cấp, tay nghề mà chỉ cần người lao động nhanh nhẹn, có trách nhiệm với công việc, đáp ứng được những yêu cầu và thoả thuận mà người tuyển dụng đưa ra. Vì vậy, đây được đánh giá là cơ hội cho sinh viên có thời gian rảnh và muốn kiếm thêm thu nhập để đón Tết.

Hoàng Ngọc Hà (20 tuổi, quê Quảng Bình) hiện là sinh viên năm thứ ba tại Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh. Gần Tết, do việc học cũng không quá căng thẳng nên Hà quyết định tìm việc làm thời vụ để thêm thắt chút thu nhập giúp ba mẹ chi trả các khoản mua sắm Tết. Tham khảo thông tin và chọn lựa khá kỹ các mục rao tuyển lao động từ các hội nhóm tìm việc làm cho sinh viên trên các trang mạng xã hội, Hà quyết định làm thu ngân thời vụ cho chuỗi siêu thị bán lẻ tại địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) với mức lương 20.000 đồng/giờ.

“Quy trình xin việc tương đối đơn giản, mình thấy tin tuyển dụng đăng trên một hội nhóm việc làm thời vụ cho sinh viên tại Hà Nội. Ở trên đó đa dạng công việc cho mình lựa chọn lắm như nhân viên phục vụ, tư vấn bán hàng, thu ngân, giao hàng… Mình đến ứng tuyển với quản lý, trao đổi những việc cần làm và thoả thuận lương là ngay hôm sau có thể tới làm việc luôn được”, Ngọc Hà cho biết.

Đã tốt nghiệp được nửa năm với tấm bằng khá ngành quản trị kinh doanh, tuy nhiên Đỗ Thanh (24 tuổi, Hà Nội) hiện chưa tìm được việc làm phù hợp và ổn định. Không quá sốt sắng tìm công việc với định hướng lâu dài dịp giáp Tết, vì vậy vào thời điểm hiện tại, bạn trẻ này vẫn thường nhận những công việc bán thời gian hoặc mang tính chất thời vụ để kiếm thêm thu nhập.

Công việc của Thanh hiện tại là làm phục vụ ở quán cà phê từ mùng 10 đến hết 28 tháng Chạp, ngoài ra chủ quán còn có thưởng “nóng” nếu như làm cả ngày 29 và 30 Tết.

Thanh chia sẻ, công việc này chỉ mang tính chất “mỳ ăn liền”, ngắn hạn, phù hợp với các bạn sinh viên đi làm bán thời gian bên cạnh việc học trên trường chứ với người đã tốt nghiệp thì cũng không hấp dẫn. Với Thanh, trong tương lai gần vẫn mong muốn tìm được công việc ổn định đúng chuyên ngành quản trị kinh doanh của mình.

Anh Nguyễn Trung Kiên (34 tuổi, Hà Nội), quản lý chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ gia dụng tại Hà Nội cho biết, thời điểm cuối năm là lúc nhu cầu mua sắm của khách hàng tăng cao. Năm nào vào khoảng thời gian này anh Kiên cũng cần tuyển thêm từ 1 đến 2 nhân viên tư vấn bán hàng thời vụ.

Theo anh Kiên, ngay sau phỏng vấn, người ứng tuyển sẽ đi làm luôn, công việc cũng khá đơn giản, không yêu cầu bằng cấp và kinh nghiệm, mức lương 22.000 đồng/giờ chưa tính phần trăm doanh số bán hàng. Việc tuyển người làm cũng không khó vì ngay sau khi đăng bài tuyển dụng, đã có rất nhiều bạn liên hệ ứng tuyển, trong đó hầu hết là sinh viên.

Tuy nhiên, vì là làm việc thời vụ nên công việc cũng mang tính thời vụ, vì vậy cần có hiệu quả và năng suất. Người quản lý này chia sẻ, để tiết kiệm thời gian, anh sẽ cho người ứng tuyển tới thử việc luôn trong một buổi, nếu ai không đáp ứng được yêu cầu công việc thì sẽ tuyển người khác thay thế.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cảnh báo “bẫy” tuyển dụng

Nắm bắt được tâm lý mong muốn tìm được công việc thời vụ với tiêu chí “việc nhẹ lương cao” của nhiều người, đặc biệt là các bạn sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm xã hội, nhiều đối tượng lừa đảo đã tung ra các chiêu trò tuyển dụng việc làm trên mạng xã hội. Trong đó đa phần là lôi kéo bán hàng đa cấp, làm việc tại nhà nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Tết cận kề, vì muốn kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, sinh viên Hồ Thị Thu (19 tuổi, Thanh Hoá) đã tìm việc làm thời vụ thông qua mạng xã hội. Qua đó, Thu nhận việc xâu hạt làm vòng tay tại nhà cho một tài khoản trên mạng.

Tin vào lời hứa hẹn công việc này có thể kiếm từ 300 - 500.000 đồng/ngày nên Thu đã làm theo yêu cầu của họ, đặt cọc 1 triệu đồng để nhận sản phẩm về nhà làm. Sau 3 ngày chờ đợi mà vẫn chưa nhận được nguyên liệu sản phẩm như đã thoả thuận trước đó, Thu trao đổi lại thì phát hiện ra đối tượng đã chặn mọi liên hệ và mất hút cùng số tiền 1 triệu đồng. Tất cả những hình ảnh, thông tin đối tượng cung cấp trước đó đều là giả mạo. Với những chiêu trò tinh vi như vậy, chắc chắn rằng Thu không phải là nạn nhân duy nhất dính “bẫy” tuyển dụng như thế này.

Chưa có nhiều kỹ năng và thiếu thông tin về thị trường lao động, mất cảnh giác nên nhiều sinh viên dễ dàng trở thành “con mồi” của những kẻ lừa đảo. Đây chỉ là một trong số vô vàn chiêu trò mà các đối tượng sử dụng để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Vì vậy người làm thêm cần hết sức tỉnh táo để tránh tình trạng mất thời gian và tiền bạc. Khi xin việc làm, người lao động cần tìm hiểu kỹ về thông tin doanh nghiệp tuyển dụng, nội dung công việc và nên nộp hồ sơ xin việc, phỏng vấn trực tiếp tại doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM khuyến cáo, sinh viên tìm việc, kể cả việc làm thời vụ, cũng nên thông qua các đơn vị uy tín như: Cổng thông tin tuyển dụng - tìm việc của nhà trường, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên thành phố, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên, các trung tâm giới thiệu việc làm được Sở LĐ-TB&XH cấp phép; trang web tìm việc uy tín hoặc mục tuyển dụng trên trang web chính thức của các đơn vị doanh nghiệp. Theo ông Trần Thanh Thưởng, tuy các bạn trẻ sẽ mất nhiều thời gian tìm hiểu và đi lại, nhưng cơ hội làm thêm dịp Tết sẽ chắc chắn và an toàn hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ