Chọn việc làm thêm để 'lợi cả đôi đường'

GD&TĐ - Để có thể giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt mà gia đình phải chu cấp hàng tháng, nhiều sinh viên đã chủ động đi làm thêm từ năm nhất.

Sinh viên đi làm thêm tại các cửa hàng quần áo. Ảnh NVCC.
Sinh viên đi làm thêm tại các cửa hàng quần áo. Ảnh NVCC.

“Nhất cử lưỡng tiện”, các bạn không chỉ kiếm tiền mà còn tích luỹ thêm kinh nghiệm, kỹ năng mềm trước khi ra trường. Đặc biệt, nhiều bạn có lựa chọn khá thông minh khi tìm công việc gần với ngành mình học để làm.

Vừa học vừa làm

Trần Thị Khánh Chi (sinh viên năm 3, ngành Quản trị văn phòng, Học viện Hành chính Quốc gia), đã “giắt túi” hai năm kinh nghiệm nhờ đi làm thêm. Khánh Chi chia sẻ: “Em lớn lên trong gia đình thuần nông nên điều kiện tài chính không dư dả. Để phụ giúp gia đình trang trải tiền sinh hoạt phí hàng tháng, từ năm hai, em đã đi làm thêm tại cửa hàng bán quần áo”.

Tương tự, Phan Văn Khánh (sinh viên năm 3, ngành Luật của Trường ĐH Luật Hà Nội), đi làm thêm ở nhà sách từ năm thứ hai.

Nam sinh chia sẻ: “Quá trình đi làm thêm nhà sách giúp em biết xây dựng cho mình kế hoạch, sắp xếp thời gian để cân bằng giữa việc học và việc làm thêm. Làm việc tại nhà sách, em được tiếp xúc với nhiều khách hàng ở các lứa tuổi khác nhau giúp em điều chỉnh kỹ năng giao tiếp sao cho phù hợp với mỗi đối tượng khách hàng.

Em sẽ tích luỹ cho mình kỹ năng xử lý tình huống. Em học ngành Luật, sau này cũng sẽ phải tiếp xúc với nhiều người khác nhau, nên kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống lúc này được cọ xát sẽ hỗ trợ cho em rất nhiều sau này”.

Xác định cho mình làm thêm để rèn luyện kỹ năng giao tiếp cũng như tích luỹ kinh nghiệm cho ngành học sau khi tốt nghiệp, nữ sinh Vũ Thị Ngọc Vy, sinh viên năm nhất, ngành Báo in, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xin làm thêm tại công ty phát hành sách.

Ngọc Vy chia sẻ: “Mặc dù mới năm nhất nhưng em lo lắng về cơ hội việc làm cho bản thân sau bốn năm đại học. Do đó, em đã chủ động hỏi các anh, chị khoá trước về cách tích luỹ kinh nghiệm trong thời gian học ở trường. Theo đó, em nhận được nhiều lời khuyên nên chủ động sắp xếp thời gian và xin làm thêm những công việc gần gũi, gắn với ngành học của mình”.

Sau một thời gian gửi hồ sơ đi xin việc, Ngọc Vy đã xin được vị trí nhân viên xử lý hậu kỳ video cho một công ty phát hành sách. “Khi làm công việc này, em đã học được cách sử dụng các phần mềm dựng video; cách dựng một đoạn video hoàn chỉnh. Những kiến thức này sẽ bổ trợ rất nhiều cho chuyên ngành em học. Bên cạnh đó, việc lựa chọn công việc làm thêm gần với ngành học sẽ giúp em hạn chế những rủi ro không đáng có trong quá trình xin việc”, Ngọc Vy nói.

TS Vũ Việt Anh – Tổng Giám đốc Học viện Thành Công chia sẻ. Ảnh: NVCC

TS Vũ Việt Anh – Tổng Giám đốc Học viện Thành Công chia sẻ. Ảnh: NVCC

Chọn việc làm thêm, gắn “học” với “hành”

Đi làm thêm là một trải nghiệm thực tế hữu ích giúp sinh viên có thêm thu nhập, đồng thời tích lũy được kinh nghiệm và rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống và công việc sau này.

Tuy nhiên, để có một trải nghiệm đi làm thêm hiệu quả, an toàn TS Vũ Việt Anh – Tổng Giám đốc Học viện Thành Công cho rằng: “Trước khi bắt đầu đi làm thêm, sinh viên cần dành thời gian để thích nghi với môi trường sống, học tập ở bậc đại học, cao đẳng.

Các bạn có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, đội nhóm nhằm kết nối với bạn bè và tạo dựng các mối quan hệ và học cách thức quản lý thời gian để sắp xếp cuộc sống và việc học tập một cách khoa học. Từ đó, các bạn có tâm lý thoải mái, sẵn sàng cho những thử thách mới.

Bên cạnh đó, sinh viên cần xác định mục tiêu một cách rõ ràng tính mục đích là bản thân muốn gì khi đi làm thêm. Ví dụ: Kiếm tiền để trang trải cuộc sống giảm bớt gánh nặng cho gia đình hay tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng cho ngành học của mình trước khi tốt nghiệp? Khi đã xác định được mục tiêu của việc đi làm, bạn sẽ dễ dàng tìm được công việc phù hợp và có động lực để hoàn thành tốt công việc đó”.

Để không bị sa vào các cạm bẫy trong quá trình tìm việc cũng như đi làm thêm, sinh viên phải tìm hiểu kỹ thông tin về công việc trước khi ứng tuyển như công ty, vị trí, yêu cầu công việc, mức lương, chế độ đãi ngộ... Điều này giúp bạn đánh giá được công việc có phù hợp với mình hay không, tránh bị lừa gạt. Khi đã được nhận vào làm, bạn cần tuân thủ các quy định của nơi làm việc như đi làm đúng giờ, hoàn thành công việc đúng thời hạn, tôn trọng đồng nghiệp, khiêm tốn học hỏi...

“Điều này sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với cấp trên và đồng nghiệp, đồng thời xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp nơi công sở”, TS Vũ Việt Anh lưu ý và cũng cho biết thêm, nếu tìm việc làm thêm thông qua môi giới, bạn cần tìm hiểu kỹ về công ty môi giới trước khi đăng ký.

Bạn không nên nộp tiền cho bất kỳ công ty nào khi chưa nhận được công việc. Để tránh rủi ro, sinh viên có thể nhờ sự trợ giúp của bạn bè, người thân hoặc lựa chọn các đơn vị tuyển dụng uy tín, thậm chí có thể đến trực tiếp các công ty mình thích để ứng tuyển.

“Tuy nhiên, tôi vẫn luôn nhấn mạnh với sinh viên điều này: Nên lựa chọn công việc làm thêm phù hợp với chuyên ngành mình đang học. Bạn sẽ áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, từ đó rèn luyện, nâng cao kỹ năng chuyên ngành mình học, giúp sinh viên có nền tảng vững chắc khi ra trường, mở rộng mối quan hệ, gia tăng cơ hội việc làm”, TS Vũ Việt Anh nhấn mạnh.

“Việc học vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh viên. Do đó, sinh viên cần cân bằng giữa việc học và việc làm thêm để đảm bảo kết quả học tập tốt. Các em hãy sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành cả hai nhiệm vụ này”, TS Vũ Việt Anh – Tổng Giám đốc Học viện Thành Công nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.