Theo hành trình đổi mới, sáng tạo

Sinh viên báo chí: Vì yêu mà đến

GD&TĐ - Dẫu còn ngồi trên ghế giảng đường song không ít sinh viên báo chí đã dấn thân vào thực tế cuộc sống để trau dồi kỹ năng, tăng trải nghiệm...

Nguyễn Ngọc Như Ý, sinh viên năm nhất ngành Báo chí (hệ chất lượng cao), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: NVCC
Nguyễn Ngọc Như Ý, sinh viên năm nhất ngành Báo chí (hệ chất lượng cao), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: NVCC

Tập yêu nghề báo

Nguyễn Đỗ Khải - sinh viên năm 2 Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) đến với ngành Báo chí như duyên định sẵn. Dù được 9,75 điểm môn Ngữ văn, là thí sinh đạt điểm cao môn này trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh An Giang nhưng Khải không đủ điểm đỗ vào trường đại học mơ ước. Chàng trai trẻ trở thành sinh viên ngành Báo chí vì không còn lựa chọn khác. Học trái nguyện vọng ban đầu nhưng Khải vẫn nỗ lực tiếp thu kiến thức, trau dồi kỹ năng chuyên ngành. Tình yêu với nghề báo đến với em một cách tự nhiên. Khải hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phóng viên trẻ trực thuộc Khoa Báo chí và Truyền thông.

Trong gần 2 năm học, Khải tự thay đổi để thích nghi với ngành học. Em cố gắng hoàn thành tốt các bài tập chuyên ngành trên lớp, thay đổi văn phong hơi “ủy mị”, trữ tình vốn có thành lối hành văn gãy gọn, súc tích, mang tính truyền tải thông tin. Đặc biệt, Khải cảm thấy dạn dĩ và mạnh mẽ hơn khi đối mặt với trở ngại, khó khăn trong cuộc sống. “Lần đầu tác nghiệp, em đến xin phỏng vấn một chú xe ôm nhưng bị từ chối, tỏ thái độ khó chịu. Đối với em, đây là cú sốc. Sau này, em biết phải liên hệ nhân vật thế nào cho khéo, đặt câu hỏi hợp lý và biết trò chuyện để họ cảm thấy yên tâm, thoải mái”, Khải kể.

Bài viết đầu tiên của Khải được đăng trên Báo Hoa học trò. Đó là một số ít tác phẩm của sinh viên khóa 2022 được xuất bản trên báo của Khoa Báo chí và Truyền thông thời gian đó. Sau bài viết, sinh viên trong lớp bắt đầu liên hệ xin cộng tác với các tòa soạn và ngày càng có nhiều bài viết được đăng tải. “Là sinh viên báo chí, bản thân luôn tự hào về ngành học. Em luôn dành tinh thần biết ơn và tâm thế sẵn sàng để đón chào. Em thường chia sẻ với các bạn, sẽ không bao giờ được học hỏi nhiều điều như thế nếu không trở thành sinh viên báo chí”, Khải nói.

Nguyễn Thị Thu Phượng trong lần tác nghiệp ở Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang). Ảnh: NVCC

Nguyễn Thị Thu Phượng trong lần tác nghiệp ở Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang). Ảnh: NVCC

Trăn trở với nỗi đau người khác

Học trước Nguyễn Đỗ Khải một khóa tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Nguyễn Thị Thu Phượng (21 tuổi, sinh viên năm 3 ngành Báo chí) quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội khi đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề. Tuy nhiên, khi được “thử lửa” trong những lần tác nghiệp thực tế, áp lực nghề báo vượt ngoài sức tưởng tượng của nữ sinh. Dù vậy, nhờ những ngày tháng trải nghiệm, nghề báo trong tâm trí của Phượng có ý nghĩa đặc biệt. Cô gái trẻ bồi hồi nhớ lại lần đầu tiên, bài viết của mình đăng trên tờ Sinh viên Việt Nam. Niềm hạnh phúc khi thấy tên mình trên trang báo ngày đó vẫn nguyên vẹn, dù sau này, tên của nữ sinh xuất hiện trên nhiều tờ báo khác như Tuổi Trẻ, Công an Nhân dân, VietNamNet…

Tháng 5/2024, Phượng có chuyến đi thực tế tại thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, An Giang) để tìm hiểu vụ thảm sát Ba Chúc. Những ngày ở nhà nhân vật, trò chuyện, tâm sự, lắng nghe họ kể câu chuyện cuộc đời với đầy nỗi đau là khoảng thời gian cô sinh viên báo chí sống với nhiều trăn trở. Nhìn những nỗi đau hiện diện, Phượng mong muốn sống tốt hơn, xứng đáng với những câu chuyện mình được lắng nghe.

Tất cả kiến thức, kỹ năng được học sau 3 năm ở trường đã giúp ích rất nhiều cho Phượng. Em biết chọn lọc thông tin, tìm kiếm, gặp gỡ nhân vật thú vị. Để tiếp tục vững bước trên hành trình phía trước, Phượng đang trau dồi kỹ năng viết báo, quay hình, phỏng vấn…, mặt khác cộng tác với nhiều báo, kết nối và học hỏi các anh chị giỏi nghề. “Trên chuyến xe trở về nhà sau những hành trình dài, em cảm thấy kiến thức của mình “đầy” lên, được sống thỏa với đam mê, trăn trở về cuộc sống. Mỗi lần được đi, lắng nghe nhân vật kể chuyện… em thấy mình trưởng thành hơn, nhìn lại những việc mình làm vẫn còn bé nhỏ”, Phượng tâm sự.

Nguyễn Đỗ Khải - sinh viên năm 2 - Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: NVCC

Nguyễn Đỗ Khải - sinh viên năm 2 - Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: NVCC

Yêu cả… sự vất vả của nghề

Khi nói về tình yêu và lý do học ngành Báo chí, Nguyễn Ngọc Như Ý (19 tuổi), sinh viên năm nhất ngành Báo chí (hệ chất lượng cao), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) kể: “Hình dung về nghề báo của em là đi và hiểu biết nhiều, trải nghiệm phong phú. Ai cũng bảo nghề báo vất vả nhưng với em đó là điểm thu hút, chỉ nghĩ đến việc được nhìn tận mắt những sự việc ngoài đời, em đã phấn khích”.

Báo chí đối với Như Ý là một nghề mang nặng trách nhiệm xã hội và điều này thúc đẩy cô sinh viên trẻ phải cố gắng học hỏi mỗi ngày. Nhớ lời thầy cô, một tác phẩm báo chí có thể tạo ra những ảnh hưởng xã hội không ngờ đến. Vì vậy đối với Ý, từng câu chữ đưa vào bài viết em đều suy nghĩ kỹ để đảm bảo không sai nghĩa mà vẫn truyền đạt đúng thông điệp mình hướng đến.

Kiến thức, trải nghiệm, tư duy, mối quan hệ, kỹ năng luôn được trau dồi mỗi khi Ý làm bài tập. “Người thân thường đùa, từ khi học báo, em nói chuyện già dặn hơn. Nhưng nhờ đó, em có những cuộc trò chuyện, mối quan hệ chất lượng, đời sống tinh thần nâng cao”, cô sinh viên kể. Bên cạnh đó, Như Ý luôn tìm đọc các bài xã luận hay và nhiều bình luận của mọi người trên mạng xã hội. Điều đó giúp em hình thành tư duy đa chiều, không bị đóng khung trong định kiến, có nhiều ý tưởng cho đề tài hơn.

Lần tác nghiệp khiến Nguyễn Đỗ Khải nhớ nhất là thực hiện bài phóng sự “Trái ép chín” về những đứa trẻ buộc phải ép mình trưởng thành trước tuổi do hoàn cảnh khó khăn. Khải tìm gặp các em nhỏ buôn bán dọc đường, bán vé số ở các trung tâm thương mại… Mỗi cuộc trò chuyện là cuộc đời khác nhau, những suy tư và bài học thấm thía trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.