Mỗi nghiên cứu là một thông điệp “xanh hóa môi trường sống” gửi tới cộng đồng.
Nghiên cứu tái tạo nhiên liệu
Nghiên cứu “Đánh giá tiềm năng và thách thức của Biodiesel chuyển hóa từ dầu ăn thải hộ gia đình ở Việt Nam” do nhóm sinh viên K64, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (nay thuộc Trường Hóa và Khoa học sự sống) thực hiện.
Với sự hướng dẫn của PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên, sinh viên Trần Quốc Hưng, Phạm Thị Thùy Dương, Bùi Hà Trang đã triển khai ý tưởng sử dụng dầu ăn thải từ hộ gia đình để sản xuất Biodiesel - nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường, có khả năng thay thế dầu Diesel truyền thống và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nếu phương pháp này được áp dụng rộng rãi, có thể giúp giảm lượng dầu ăn thừa, hạn chế sử dụng Diesel dầu mỏ và bớt lượng khí CO2 hay các khí gây ô nhiễm khác.
Đồng hành với sinh viên, PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên đánh giá cao ý tưởng của học trò. Nghiên cứu không chỉ giúp các bạn làm quen với khoa học mà còn nâng cao ý thức đối với việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giữ gìn môi trường xanh sạch cho tương lai. Bên cạnh đó, việc thu gom và chế biến dầu ăn thải từ hộ gia đình còn giúp tận dụng nguồn tài nguyên tái chế, giảm thiểu lãng phí và bảo vệ môi trường tự nhiên.
“Tôi gợi ý để các em tiếp cận nguồn thông tin khác nhau, thực hiện khảo sát và phân tích dữ liệu tổng thể để đánh giá tiềm năng sử dụng dầu ăn thải trong sản xuất Biodiesel. Làm quen với nghiên cứu sẽ giúp sinh viên có nền tảng vững chắc, giải quyết được nhiều vấn đề môi trường phức tạp, đa ngành khi ra trường”, PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên nói.
Đại diện cho nhóm, Trần Quốc Hưng kể về quá trình làm việc: “Khi có đủ nguồn tư liệu, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, nhóm thực nghiệm quy trình sản xuất Biodiesel từ dầu ăn thải. Những buổi thực hành trong phòng thí nghiệm, trải nghiệm trực tiếp quá trình xử lý dầu ăn thừa, pha trộn các hóa chất để tạo ra Biodiesel vô cùng ý nghĩa, không chỉ giúp nhóm hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất Biodiesel mà còn tạo ra môi trường học tập và thảo luận tích cực. Chúng em mong hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của nghiên cứu sẽ được đánh giá đầy đủ để nhiên liệu sinh học có thể sản xuất với chi phí hợp lý, giúp người dân sử dụng lâu dài”.
PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên và nhóm sinh viên thuyết trình đề tài tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG |
Dùng nhiệt chiết tách tinh dầu
Bên cạnh đó, nhóm sinh viên gồm các chàng trai Nguyễn Thanh Bình, Vũ Văn Hiếu, Đoàn Ngọc Trung và Phạm Ngọc Quỳnh đã thành công với đề tài nghiên cứu chiết tách tinh dầu. Nguyễn Thanh Bình, sinh viên năm 3 Trường Cơ khí cho biết: Nghiên cứu về tinh dầu được quan tâm nhiều bởi người tiêu dùng có xu hướng chuyển dần từ sản phẩm y tế và chăm sóc sức khỏe chứa hóa chất sang loại tự nhiên và thân thiện với môi trường.
Do đó, nhóm nghiên cứu sự hình thành, phát triển và đặc tính của tinh dầu; phát triển hệ thống sử dụng CO2 ở trạng thái siêu tới hạn để chiết. Phương pháp này an toàn, cho ra tinh dầu chất lượng cao, đảm bảo độ nguyên chất. Các thành phần trong tinh dầu không bị thay đổi như phương pháp truyền thống.
Chạy đua với thời gian, nhóm đã miệt mài nghiên cứu với sự hướng dẫn sát sao của TS Lê Kiều Hiệp. “Lúc đầu, gặp nhiều vấn đề về thiết bị khiến cả nhóm xuống tinh thần. Như việc gia công thiết bị đòi hỏi sự cẩn thận, nhiều lần nhóm tiến hành nghiên cứu nhưng sản phẩm không đảm bảo, liên tục bị rò rỉ, áp suất trong thiết bị không được đẩy cao đến mức độ yêu cầu.
Bỏ nhiều công sức, thời gian, kết quả lại không như mong muốn, thành viên nào cũng nản. Nhưng buồn một lúc, tất cả lại động viên nhau cố gắng. Thật vui khi mọi nỗ lực được đáp trả. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các sản phẩm tinh dầu chất lượng cao có thể được thương mại hóa với giá bán cao hơn từ 5 đến 10 lần so với tinh dầu truyền thống”, Thanh Bình chia sẻ.
Chung niềm vui thành công của các học trò, TS Lê Kiều Hiệp trao đổi: “Đồng hành và hiểu tâm lý của sinh viên, tôi luôn động viên, cùng tham gia làm thí nghiệm để lên dây cót tinh thần cho các bạn. Tôi luôn khuyên các em nghiên cứu khoa học không giống làm thí nghiệm môn học, không phải một sớm một chiều là đạt kết quả như mong muốn.
Tôi hy vọng nhóm tiếp tục hướng nghiên cứu, phát triển thành hệ thống lớn, hiệu suất cao hơn, dự kiến một lần nạp nguyên liệu được khoảng 15kg, cùng đó, thêm hệ thống thu hồi CO2 để tuần hoàn sử dụng và tiến hành khảo sát hiệu suất thực tế của thiết bị với các chế độ làm việc khác nhau. Các em nên nhớ, có đam mê làm nghiên cứu khoa học sẽ thu được kết quả tốt vì kiến thức cơ bản đều đã học”.
Sự đồng hành của các thầy cô Trường Cơ khí và Trường Hóa & Khoa học sự sống (Đại học Bách khoa Hà Nội) với mong muốn giúp sinh viên không chỉ làm quen với nghiên cứu khoa học, mà có đủ kiến thức, năng lực sẵn sàng cho mọi môi trường làm việc và nghiên cứu sau này. Thầy cô cũng gửi gắm đến các bạn trẻ mong muốn: Mỗi cá nhân là sứ giả để gửi đi thông điệp sống xanh thông qua việc vận dụng kiến thức đa ngành/liên ngành được học vào nghiên cứu khoa học góp phần bảo vệ môi trường.