Nếu nói đến những vị hoàng tử nổi danh nhất triều đại nhà Thanh, được nhiều người biết đến và yêu quý, có lẽ ngũ a ca Ái Tân Giác La Vĩnh Kỳ sẽ đứng đầu danh sách này.
Ngũ a ca Vĩnh Kỳ từ thủa nhỏ đã thông tuệ, lại thông suốt thi ca, nhạc họa, cưỡi ngựa bắn cung. Có thể nói là vị hoàng tử văn võ song toàn, vì vậy không khó để hiểu, tại sao Càn Long lại cực kỳ yêu mến người con này.
Nếu như Vĩnh Kỳ không mắc bệnh hiểm nghèo mà mất sớm, có lẽ người kế vị Càn Long chính là vị hoàng tử này.
Theo lý mà nói, mẫu bằng tử đắt, ngũ a ca Vĩnh Kỳ được Càn Long ưu ái như thế, hẳn mẹ của chàng, Du phi Kha Lý Diệp Đặc thị sẽ nhận được sự sủng ái ngập trời, thế nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại, Du phi không những không nhận được sủng ái của Càn Long, còn bị lạnh nhạt ra mặt.
Theo tìm hiểu, Du phi Kha Lý Diệp Đặc thị xuất thân từ gia tộc Hải thị, không cao. Bà theo hầu Càn Long từ khi ông còn là hoàng tử Hoằng Lịch. Đến khi Càn Long lên ngôi, đại phong lục cung, Du phi lúc bấy giờ chỉ được phong làm Thường tại, là bậc gần cuối của hàng ngự thiếp, chỉ trên Đáp ứng.
Đến năm Càn Long nguyên niên, bà mới được thăng lên làm Quý nhân.
Năm Càn Long thứ 6, Du phi sinh hạ ngũ a ca Vĩnh Kỳ. Đúng 6 ngày sau bà được tấn phong từ Quý nhân lên Du tần.
Đến năm Càn Long thứ 10, bà được sắc phong làm Du phi. Thế nhưng, từ lúc tấn phong làm phi đến khi Càn Long qua đời, Du phi không được Càn Long sủng ái, hai người hầu như không chung đụng, vì thế không có thêm người con nào.
Phải biết rằng, sau khi con hai con trai Vĩnh Liễn, Vĩnh Tông liên tiếp qua đời, Càn Long đã mặc định lựa chọn ngũ a ca Vĩnh Kỳ để bồi dưỡng, tuy nhiên lại không hề chú ý đến Du phi, mẹ của chàng.
Rốt cục, Du phi đã phạm lỗi lầm gì, khiến Càn Long tức giận, không thèm quan tâm suốt 50 năm?
Thứ nhất, tuy rằng Du phi có xuất thân thấp nhưng sau khi sinh hạ ngũ a ca Vĩnh Kỳ đã được phong tần, có quyền nuôi nấng nhi tử do mình sinh ra.
Vĩnh Kỳ từ nhỏ đã được mẹ ruột nuôi nấng, may mắn hơn những anh em khác. Về sau, ngũ a ca Vĩnh Kỳ văn võ song toàn, có thể nhìn ra, mẹ của chàng đã giáo dục chàng rất khéo léo.
Thế nhưng, khuyết điểm lớn nhất của ngũ a ca Vĩnh Kỳ là không quan tâm đến ngai vàng, cũng chẳng muốn tranh giành quyền lực.
Có thể nói, vị hoàng tử này thiếu đi khí phách và uy nghi của bậc quân vương. Cái này cũng là do Du phi giáo dục, dạy dỗ.
Trong khi Càn Long hoàng đế một lòng bồi dưỡng Vĩnh Kỳ, Du phi lại trăm phương ngàn kế khuyên can con trai không nên tranh giành ngôi báu.
Mặc dù ý nghĩ của Du phi xuất phát từ việc muốn bảo vệ con trai nhưng như thế là đã ngấm ngầm chống đối lại Càn Long. Đây cũng là lý do chính khiến Du phi bị Càn Long chán ghét.
Thứ hai, khi ngũ a ca Vĩnh Kỳ lớn lên, Du phi cũng dần già đi. Năm Càn Long thứ 28, Vĩnh Kỳ được Càn Long xác định sẽ là người kế vị, lúc ấy Du phi cũng đã 50 tuổi.
Ở hậu cung, phi tần trẻ trung xinh đẹp nhiều vô số, một phi tử không đắc sủng như Du phi không có sức cạnh tranh, càng không có chuyện sẽ được hoàng đế ân sủng và lâm hạnh. Vì vậy, bà cũng không được tấn chức.
Thứ ba, vào thời điểm Càn Long xác định ngũ a ca Vĩnh Kỳ làm người kế vị, hoàng tử Vĩnh Lân chưa được sinh ra, Kế hoàng hậu và Càn Long chưa xảy ra mâu thuẫn.
Hơn nữa, thời Ung Chính, việc chọn người kế vị đã vô cùng bí mật. Mặc dù Càn Long sớm xác định sẽ truyền ngôi cho Vĩnh Kỳ nhưng phải giấu diếm vô cùng kỹ càng, không để ai phán đoán ra tâm ý. Nếu như lúc đó, đột nhiên tấn phong Du phi đã già cả kém sắc, chẳng khác nào nói rõ cho mọi người biết, ông đã chọn hoàng tử nào.
Cứ thế, đến năm Càn Long thứ 31, ngũ a ca Vĩnh Kỳ tấn chức thân vương không lâu thì bệnh nặng qua đời. Du phi lúc này đã 53 tuổi, vô cùng đau lòng, cả ngày buồn bực không vui, ít nói. Cứ như vậy, bà cô tịch và thương tâm sống tiếp 25 năm.
Đến năm Càn Long 57, Du phi qua đời, thọ 79 tuổi. Lúc này, Càn Long mới cảm thấy có lỗi với vị phi tử đã sinh hạ cho mình vị hoàng tử ưu tú nhất, vì thế bèn truy phong Du phi làm Du quý phi, táng nhập Dụ lăng.