Cô Nguyễn Thị Thơ - Giáo viên Trường THPT Đào Duy Từ (Thanh Hóa) - chia sẻ các giải pháp tổ chức thực hiện lồng ghép giáo dục kỹ năng sống có hiệu quả khi dạy học Ngữ văn.
Tạo tình huống có tính chất ứng dụng thực tiễn đời sống
Trong mỗi bài học, cô Thơ thường tạo ra những tình huống có vấn đề, mang tính chất ứng dụng vào thực tế đời sống, rồi tổ chức cho học sinh tự giải quyết.
Việc giải quyết các tình huống như thế lúc đầu mang tính chất cá nhân, sau đó được thảo luận để đi đến một cách giải quyết tối ưu nhất.
Ví dụ: Khi dạy bài “Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống HIV/ AIDS” của Cô-phi-a-nan, giáo viên đặt ra tình huống: Nếu em có một người bạn thân bị nhiễm HIV/ AIDS, em sẽ hành động như thế nào? Vì sao? (lưu ý, hãy trả lời bằng chính suy nghĩ thật và tình cảm thật của mình)
Sau khi đưa ra tình huống, tổ chức cho học sinh tự giải quyết vấn đề trên một tờ phiếu học tập, tất cả mọi người đều phải đưa ra chủ kiến của riêng mình; chọn một số ý kiến (có thể để học sinh xung phong, cũng có khi chỉ định bất kì), gọi một học sinh khác đọc to các ý kiến đó lên cho cả lớp cùng nghe, cùng thảo luận, để thống nhất cách giải quyết tốt nhất.
Việc tổ chức giải quyết các tình huống trải nghiệm thường tạo cho học sinh tâm thế “nhập cuộc”, hứng thú, cảm thấy mình là người trong cuộc, cần phải thể hiện suy nghĩ và hành động cụ thể. Qua những tình huống đó, học sinh dần dần hình thành kĩ năng giải quyết các vấn đề và điều chỉnh hành vi theo hướng hợp lí.
Tổ chức những hoạt động đối thoại đa dạng trong giờ dạy học
Trong quá trình dạy học văn, giáo viên nên cố gắng để tạo ra những hoạt động đối thoại đa dạng.
Ví dụ, khi dạy tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”(Nguyễn Minh Châu), có thể tạo ra các hoạt động đối thoại sau:
Đối thoại giữa giáo viên với học sinh thông qua hệ thống câu hỏi gợi mở như: Câu1: Cảm nhận của người nghệ sĩ trước “một cảnh đắt trời cho”? Vì sao Phùng lại nghĩ đến sự đúc kết “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”?
Câu 2: Ngay khi đang tận hưởng cái khoảng khắc kì diệu mà hóa công ban tặng, Phùng đã phát hiện ra điều gì? Thái độ của anh trước phát hiện ấy? Vì sao anh lại có thái độ như vậy?
Câu 3: Qua 2 phát hiện của Phùng, nhà văn muốn người đọc nhận thức điều gì về cuộc đời?
Câu 4: Giả sử đảo vị trí của 2 phát hiện ấy (cảnh bạo lực của gia đình hàng chài thấy trước; cảnh đẹp của chiếc thuyền trên biển mờ sương thấy sau), giá trị của tác phẩm có gì thay đổi?...
Với những câu hỏi kiểu này, giáo viên thường khuyến khích cá nhân học sinh suy nghĩ, trả lời và thưởng điểm cho những người có câu trả lời hay, sáng tạo.
Đối thoại giữa học sinh với học sinh: Yêu cầu một em học sinh tự đặt ra câu hỏi, gọi một em khác trả lời, 2 em tranh luận với nhau để bảo vệ ý kiến của riêng mình.
Chẳng hạn: Nếu bạn chứng kiến cảnh bạo lực của một gia đình nào đó như gia đình hàng chài trong truyện, bạn sẽ làm thế nào? Sẽ có nhiều hướng giải quyết khác nhau, người giáo viên sẽ làm trọng tài cho cuộc tranh luận giữa 2 em học sinh để đi đến một cách giải quyết hợp lí nhất.
Đối thoại giữa học sinh với giáo viên: Cho phép học sinh đặt ra những câu hỏi, những tình huống đối với giáo viên, giáo viên sẽ chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm của mình với học sinh một cách dân chủ, cởi mở.
Ví dụ có em học sinh hỏi: Nếu cô là người đàn bà hàng chài, trong hoàn cảnh nghèo khổ và bị hành hạ như thế cô sẽ làm thế nào? Tôi sẽ nói với các em rằng: nếu rơi vào hoàn cảnh như vậy, tôi sẽ suy nghĩ vì sao mình lại nghèo, vì sao chồng mình lại có những hành vi như thế?
Trước hết phải tìm cách để thoát nghèo; sau đó sẽ dùng lời lẽ, lập luận để chỉ ra cái sai trái trong hành động của người chồng. Nếu bản chất của người chồng là tốt đẹp thì không có lí do gì mà cảnh tượng ấy lại tái diễn
Để có những cuộc đối thoại đạt hiệu quả, cần xác định những vấn đề trọng tâm, mở ra nhiều cách giải thích khác nhau, kích thích khả năng tư duy sáng tạo, thúc đẩy HS bộc lộ quan điểm và đối thoại.
Những tình huống nêu ra để HS tham gia đối thoại vừa không thoát li tác phẩm, vừa phù hợp với trình độ tiếp nhận của các em, đồng thời đảm bảo cuộc tranh luận không mất trật tự, và không mất quá nhiều thời gian cho phép.
Cần tránh những hình thức câu hỏi mà khi trả lời, HS chỉ dựa vào những quan niệm và kinh nghiệm đã có hay chỉ trình bày một chiều các luận cứ để khẳng định một kiến giải nào đó.
Ngoài ra, tôi cũng dự đoán những tình huống có thể xảy ra trong sự tiếp nhận của HS để điều khiển cuộc đối thoại sao cho không rơi vào bế tắc mà luôn đi theo những con đường hợp lí nhất.
Tích cực sử dụng phương pháp dạy học nhóm
Bên cạnh giải quyết tốt nhiệm vụ nhận thức, tăng cường dạy học theo nhóm giúp học sinh hình thành các phẩm chất nhân cách và các kỹ năng xã hội tốt hơn.
Để một giờ học trên lớp thành công với phương pháp dạy học nhóm, cô Thơ cho biết mình thường tiến hành theo 3 bước:
Chuẩn bị: Trước khi diễn ra tiết học có sử dụng hoạt động nhóm trên lớp, hướng dẫn cho học sinh cách chuẩn bị bài theo một dàn ý bao gồm các nội dung cơ bản sau:
Đọc kĩ phần “kết quả cần đạt” trong sách giáo khoa. Tìm hiểu trước những kiến thức về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, đặc trưng thể loại của tác phẩm (kiến thức này chủ yếu nằm trong phần “tiểu dẫn”)
Đọc thật kĩ văn bản trước khi học (nếu là văn tự sự, kịch phải tóm tắt được cốt truyện; nếu là tác phẩm thuộc thể loại trữ tình phải nắm bắt được mạch cảm xúc).
Đọc phần chú giải trong sách giáo khoa để hiểu một số từ ngữ khó hoặc các điển tích, điển cố, những chủ ý sáng tạo của nhà văn…
Tự mình trả lời các câu hỏi trong phần “hướng dẫn học bài”; đánh dấu những chỗ chưa giải quyết được hoặc còn băn khoăn để trao đổi với thầy cô và các bạn.
Khi đưa ra những yêu cầu chuẩn bị bài cho học sinh, luôn kiểm tra tính hiệu quả của công việc này bằng cách kiểm tra vở soạn bài kết hợp với những câu hỏi về bài mới. Bởi nếu không chuẩn bị bài tốt, phương pháp dạy học nhóm không thể thành công.
Xây dựng được những nội dung thảo luận quan trọng và phù hợp để hoạt động nhóm có hiệu quả:
Thảo luận về kết cấu ngôn từ của tác phẩm: Từ nhan đề, bố cục cho đến ngôn từ, hình ảnh, biểu tượng nghệ thuật mang tính sáng tạo của tác giả.
Thảo luận về kết cấu hình tượng của tác phẩm: Về các hình tượng nhân vật chính trong tác phẩm tự sự; hình tượng cái tôi trữ tình trong các tác phẩm thuộc thể loại trữ tình.
Thảo luận về hiệu quả của các giá trị nghệ thuật độc đáo trong tác phẩm qua hệ thống những câu hỏi so sánh. Để tạo tình huống cho học sinh tham gia đàm thoại giáo viên có thể liên hệ các tác phẩm có cùng đề tài chủ đề, cùng một kiểu kết cấu để tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau.
Giáo viên hướng dẫn học sinh đi đến những kết luận, đánh giá tính đặc sắc, độc đáo của từng tác phẩm và nhận xét về điều chúng giống nhau. Để có kỹ thuật so sánh yêu cầu người học phải có khả năng khái quát, đánh giá và phải có vốn kiến thức sâu rộng nhất định.
Chẳng hạn khi học xong bài thơ Sóng ( Xuân Quỳnh) học sinh có thể bộc lộ cảm nhận của mình về tình yêu trong mối liên hệ với những bài thơ tình của Xuân Diệu.
Thảo luận về nội dung cảm xúc, ý nghĩa khái quát, ý nghĩa tư tưởng của hình tượng, của tác phẩm. Từ đó có sự liên hệ văn bản với đời sống. Đây là một việc làm có ý nghĩa tổng kết cho những vấn đề phân tích chi tiết cụ thể về nội dung và ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật.
Việc tổng hợp, khái quát lại thành những phạm trù ý, luận điểm ngắn ngọn, cô đọng là rất cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc. Đây là một yêu cầu khá phức tạp cho nên nó phù hợp với hoạt động thảo luận với những dạng câu hỏi về giá trị nội dung và đặc sắc nghệ thuật, sự thay đổi tên gọi, sự liên tưởng và suy nghĩ về những vấn đề được tác giả đặt ra trong bài thơ.
Tiến hành tổ chức thảo luận nhóm ở trên lớp. Mở đầu thảo luận: Giáo viên tổ chức phân nhóm, cho học sinh tự bầu trưởng nhóm, giáo viên thông báo quy trình và quy định thảo luận.
Giao nhiệm vụ cho từng nhóm; giáo viên chỉ làm nhiệm vụ quan sát, theo dõi mà không tham gia ý kiến, không cắt ngang lời học sinh, không tỏ vẻ phản ứng nếu câu trả lời, tranh luận không đúng với ý mình; khi học sinh đưa ra những câu trả lời ngờ nghệch, không đúng, giáo viên nên nhanh chóng làm cho học sinh nhận thức được sự không đúng của thông tin đó mà không làm ảnh hưởng đến cảm xúc, lòng tự trọng của học sinh;
Khi học sinh trình bày, giáo viên phải nghe cẩn thận những điều học sinh nói để hiểu các em định nói gì hoặc ghi chép nhanh lại những điểm cơ bản của mỗi ý kiến để chuẩn xác kiến thức
Sau khi thảo luận: Giáo viên phải tổng kết những ý kiến phát biểu thống nhất và chưa thống nhất để mình tham gia vào những ý kiến chưa thống nhất và bổ sung thêm những ý cần thiết; đánh giá các ý kiến phát biểu, nhận xét tinh thần, thái độ làm việc của học sinh để thưởng điểm hoặc trừ điểm cho cá nhân của nhóm.
Tuy có nhiều ưu điểm và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc góp phần rèn luyện những kĩ năng sống cho học sinh, song cũng cần lưu ý, sử dụng một phương pháp dạy học không có nghĩa là đề cao và coi đó là phương pháp độc tôn, bởi lẽ không có phương pháp nào là vạn năng.
Hoạt động nhóm sử dụng trong dạy học môn Ngữ văn nói chung và trong dạy học Ngữ văn lớp 12 nói riêng chỉ thực sự phát huy tác dụng khi được phối hợp linh hoạt với các cách dạy học khác.
Tổ chức dạy học tác phẩm văn học theo phương pháp trò chơi
Để thực hiện phương pháp này trên lớp, cô Thơ chia học sinh thành 4 nhóm (thường là theo tổ), giao nhiệm vụ chuẩn bị cụ thể cho mỗi nhóm như sau:
Nhóm 1: Có trách nhiệm tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả; về xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; đánh giá khái quát về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm (đọc kĩ phần tiểu dẫn, tham khảo một số tài liệu khác, nếu chuẩn bị được một clip tư liệu về tác giả và tác phẩm là tốt nhất)
Nhóm 2: Có nhiệm vụ dàn dựng một tiểu phẩm dựa vào nội dung chính của tác phẩm.
Nhóm 3: Có trách nhiệm chuẩn bị trang phục, trang trí và các phương tiện phục vụ cho tiết mục biểu diễn.
Nhóm 4: Có trách nhiệm soạn thảo các câu hỏi và đáp án để khám phá giá trị của tác phẩm; chủ trì cho hoạt động hội thảo, tranh luận giữa các ý kiến khác nhau trên lớp.
Công việc chuẩn bị phải được giao cho học sinh trước đó 1 tuần, giáo viên cũng tham gia vào việc tư vấn, điều chỉnh, huấn luyện các em luyện tập cho thật tốt trước khi tiến hành “chơi”.
Sau thời gian chuẩn bị theo quy định, giáo viên báo trước học sinh thời gian giờ “học - chơi”. Vào học, các nhóm sẽ “trình diễn” phần của mình một cách tự giác theo quy định, giáo viên chỉ là người theo dõi, lắng nghe.
Tiết học sẽ được thể hiện theo trình tự sau: Mở đầu tiết học, nhóm trưởng của nhóm 1 sẽ trong vai trò một người dẫn chương trình, giới thiệu khái quát về tác giả - tác phẩm; trình chiếu lên máy chiếu đa năng đoạn phim tư liệu về tác giả- tác phẩm.
Sau đó, đại diện của nhóm 2 sẽ giới thiệu về vở diễn; các thành viên lên diễn lại tiểu phẩm mà các em đã chuẩn bị.
Đại diện của nhóm 4 sẽ chủ động đưa ra các câu hỏi hội thảo để tất cả thành viên trong lớp tham gia; tổ chức cho các bạn thảo luận xoay quanh giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Cuối cùng, giáo viên nhận xét, đánh giá và cho điểm từng phần.
Để tránh nhàm chán và tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong học tập giữa các nhóm, giáo viên nên thường thay đổi nhiệm vụ theo kiểu luân phiên giữa các nhóm để nhóm nào cũng được “thử sức” với các nhiệm vụ khác nhau.