Trong thời gian suy giảm kinh tế vì đại dịch, ước tính có khoảng 210 nghìn người Singapore buộc phải chọn ở nhà, trông nom thân nhân lớn tuổi, đau bệnh.
Lại tại… Covid-19
Singapore còn được gọi là đảo quốc sư tử, có diện tích 728 km² và dân số 5,8 triệu người. Đảo quốc nổi tiếng giàu có, thu nhập bình quân lên đến 58 nghìn USD/người/năm.
Theo báo cáo cuối năm 2020, Singapore có trên 15% dân số từ 65 tuổi trở lên (khoảng 892 nghìn người). Với tỷ lệ này, họ bị xếp vào quốc gia dân số già. Tốc độ già hóa dân số của Singapore cực kỳ nhanh. Ước tính đến năm 2050, lượng người cao tuổi ở đây sẽ chiếm 1/3 tổng dân số.
Trong khu vực châu Á, tốc độ già hóa dân số của Singapore sánh ngang với Nhật Bản. Tuy nhiên, khác với xứ sở hoa anh đào sớm xây dựng và phát triển các chính sách hỗ trợ người già, Singapore khá ít quan tâm đến vấn đề này.
Nhờ điều kiện kinh tế cao, các hộ dân Singapore dễ dàng thuê người giúp việc (đa số là lao động nước ngoài), chăm sóc cha mẹ, ông bà già yếu, bệnh tật. Đại dịch Covid-19 đã cản trở sự thuận lợi này, làm lộ những yếu kém nghiêm trọng.
Như bất cứ quốc gia nào, Singapore cũng mất mát việc làm vì virus Corona. Nó đẩy nhiều người vào tình cảnh suy giảm thu nhập. Vốn dĩ, tiền công chăm sóc người già bán thời gian không hề rẻ: 20 - 40 SGD/giờ. Nó buộc nhiều người Singapore phải lựa chọn, kiếm việc làm khác lấy tiền thuê người giúp việc hay ở nhà, tự chăm sóc thân nhân.
Phí nào cũng đắt
Mặc dù GDP cực cao, Singapore là quốc gia có sự chênh lệch giàu – nghèo vô cùng lớn. Theo báo cáo từ chính phủ Singapore, hiện trong nước có khoảng trên 105 nghìn người thuộc diện đói nghèo. Trung bình, cứ 10 hộ dân thì có 1 hộ nghèo đói.
Đối với vấn đề chăm sóc người cao tuổi, xã hội Singapore xem đó là trách nhiệm của mỗi hộ gia đình. Chính phủ Singapore chỉ duyệt hỗ trợ cho những hộ có thu nhập bình quân từ 2.800 SGD/tháng trở xuống, hoặc đang sống trong nơi cư trú có giá trị bất động sản dưới 13 nghìn SGD.
Khoản trợ cấp chăm sóc người già tại nhà của chính phủ Singapore là 200 SGD/tháng. Đối với đất nước mà mọi chi phí đều đắt đỏ như Singapore, đây là số tiền khá nhỏ. Nó chỉ đủ để trả 10 - 20 giờ cho người nhận chăm sóc người già bán thời gian.
Dĩ nhiên, Singapore cũng có các nhà dưỡng lão, cung cấp các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trọn gói chất lượng. Có điều, chi phí từ 100 -150 SGD/ngày.
“Với những người không có công việc ổn định hay chỉ lao động bán thời gian, mức giá này là quá lớn”, một cư dân Singapore 63 tuổi cho biết. Trước thực tế này, các hộ dân thuộc diện nghèo và trung bình chỉ còn cách tự lo. Dưới tác động của Covid-19, họ phải chọn nghỉ việc, ở nhà chăm sóc thân nhân toàn thời gian hoặc vừa đi làm vừa trông nom, chấp nhận chịu đựng mệt mỏi gấp bội.
Căng thẳng mọi mặt
Năm 2015, mẹ già 88 tuổi của Danny Raven Tan (53 tuổi) được chẩn đoán mắc bệnh suy giảm trí nhớ. “Lúc đó, tôi chưa mấy lo lắng nhưng bây giờ, tôi đến phát điên lên mất”, Tan than thở. “Mỗi ngày, bà đều hỏi đi hỏi lại, 2 người cha mẹ nuôi của tôi đang ở đâu. Họ đều qua đời cả rồi. Bà cứ đay nghiến 2 người họ đã ăn cắp tiền của mình, rồi nhiếc móc tôi vì tội thông đồng giúp họ”.
Fadilah (57 tuổi) thì tủi cực vì mẹ chồng (86 tuổi) bị sa sút trí nhớ. “Lắm lúc, bà hất bát cháo tôi đang bón cho ăn xuống đất, quát tháo chửi tôi là đồ ngu”, Fadilah kể. “Tôi phải cố kìm chế để không bật khóc thành tiếng, sợ con cái đau lòng. Lúc nào, tôi cũng phải tự nhắc, mẹ chồng bị bệnh nên mới cay nghiệt thế. Nếu hãy còn minh mẫn, bà chẳng đời nào nặng lời với mình”.
“Có bữa, tôi kiệt sức đến nỗi lăn ra ngủ li bì từ 4 giờ chiều đến tận 6 giờ sáng ngày hôm sau”, Fadilah kể tiếp. “Chồng tôi tưởng tôi bị ngất lịm, suýt nữa thì gọi xe cấp cứu”.
Chăm sóc người già, đặc biệt là người già mắc bệnh là công việc khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất. Vì điều kiện kinh tế, Jasmine Chua (49 tuổi) bắt buộc phải duy trì công việc. Cô vừa làm trợ lý phòng khám, vừa trông nom mẹ già 84 tuổi mắc bệnh suy giảm trí nhớ. Hầu như ngày nào, Chua cũng thiếu ngủ, vì nửa đêm bị mẹ gọi dậy trò chuyện hoặc đòi làm thức ăn.
Tại Singapore, ngược đãi người già là một vấn nạn nhức nhối và đau lòng. Nó đã tiếp diễn nhiều năm và vẫn chưa được giải quyết. “Nếu vì kiếm tiền mà mất mẹ, tôi thà chọn nghèo khổ còn hơn”, Chua đưa ra quyết định. Cô nghỉ việc, ở nhà chăm sóc mẹ toàn thời gian.
Tương tự Chua, Henry Koh (43 tuổi) cũng phải bỏ việc bác sĩ trị liệu toàn thời gian, vì mẹ (76 tuổi) và bà nội (95 tuổi). Trên đất nước dưới 6 triệu dân này, ước tính đang có khoảng 210 nghìn người đồng cảnh với Chua và Koh. Chính phủ Singapore bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề người cao tuổi, nhưng chưa có biện pháp giải quyết cụ thể.