Singapore: Ngành học bách khoa 'lên ngôi'

GD&TĐ - Ngày càng nhiều sinh viên tại Singapore lựa chọn theo học các trường bách khoa.

Ngee Ann College, nay gọi là NP, được thành lập vào năm 1963.
Ngee Ann College, nay gọi là NP, được thành lập vào năm 1963.

Tuy nhiên, điều đáng ngại là hiện tại, mức lương của người tốt nghiệp các ngành khác vẫn cao hơn nhiều so với ngành học này.

Lựa chọn hấp dẫn

Với 6 điểm cho kỳ thi O-Level, anh Matthew Neo có chìa khóa vào hầu hết các cơ sở giáo dục đại học. Đây là kỳ thi được Bộ GD&ĐT Singapore và Cục Khảo thí quốc tế của Trường Đại học Cambridge kết hợp tổ chức.

Kỳ thi này được tổ chức thường niên, kéo dài từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 11 hàng năm. Neo đã đến Trường Bách khoa Cộng hòa (RP) để theo đuổi ngành học về nghệ thuật âm thanh. Mặc dù có thể theo học tại một trường cao đẳng hàng đầu (JC), nhưng rất ít người để ý đến trường mà anh Neo lựa chọn.

Nam sinh viên 19 tuổi, đang học năm thứ hai chia sẻ: “Tôi thích làm việc trong lĩnh vực âm thanh và khóa học này chỉ dành riêng cho RP. Không ai thắc mắc về quyết định của tôi… Tôi tự chịu trách nhiệm về việc học của mình và phụ huynh rất ủng hộ cũng như mong muốn tôi thành công”.

Anh Neo cho biết, việc chọn học tại một trường bách khoa - nơi có hàng loạt các buổi nói chuyện trong ngành, dự án có ứng dụng thực tế và cơ hội thực tập sắp tới, là lựa chọn đúng đắn.

Tương tự, sinh viên Abdul Qayyum của Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) chia sẻ, ba năm anh học lấy bằng luật và quản lý tại Đại học Bách khoa Temasek (TP) đã mang lại nhiều trải nghiệm. Nam sinh viên nhận thấy bản thân “trưởng thành và phát triển toàn diện hơn rất nhiều”. Anh Abdul cũng có thể chọn học cao đẳng. Song, anh chọn học lấy bằng tốt nghiệp tại trường bách khoa.

“Một số giáo viên cảm thấy, nhiều người trong chúng tôi phù hợp hơn với các trường bách khoa. Không có sự ‘nghiêm ngặt’ cần thiết cho chương trình giảng dạy đại học cơ sở và các kỳ thi A-Level”, Abdul nói.

Mặc dù có một số cơ hội việc làm, nhưng Abdul vẫn quyết định học tiếp sau khi tốt nghiệp. Anh cảm thấy mức lương khởi điểm trung bình “dường như không đủ”. Trong khi đó, các vị trí được cung cấp thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Tại Singapore, các trường bách khoa từ lâu đã rũ bỏ quá khứ là cơ sở giáo dục dành cho những học sinh không thể vào đại học. Hiện tại, ngày càng nhiều học sinh trung học lựa chọn con đường bách khoa trong hành trình học tập của mình.

Vào ngày 1/2, 19.200 học sinh tham gia kỳ thi O-Level và N-Level vào năm 2023 đã nhận được kết quả kỳ thi tuyển sinh chung. Khoảng 52%, tương đương 10.000 sinh viên, đã học tại trường bách khoa Singapore. Trong đó, 40% người học đủ điều kiện tham gia cao đẳng.

Các chuyên gia giáo dục và 5 trường bách khoa - Singapore Polytechnic (SP), Ngee Ann Polytechnic (NP), TP, Nanyang Polytechnic (NYP) và RP - cho rằng, sự phổ biến ngày càng tăng của các trường bách khoa là nhờ sự hợp tác trong ngành và tập trung trang bị kỹ năng cho sinh viên.

Tuy nhiên, khoảng cách về lương giữa sinh viên tốt nghiệp đại học và bách khoa vẫn tiếp tục tăng. Bộ trưởng Giáo dục Chan Chun Sing tiết lộ, khoảng cách lương khởi điểm trung bình giữa sinh viên tốt nghiệp đại học và bách khoa đã tăng thêm 200 đô la Singapore (SGD) trong giai đoạn năm 2016 - 2021.

Theo Khảo sát việc làm sau đại học bách khoa chung năm 2023, tổng mức lương trung bình hằng tháng của sinh viên mới tốt nghiệp bách khoa phục vụ quốc gia và mới tốt nghiệp là 2.800 SGD, tăng từ 2.600 SGD vào năm 2022.

Không có dữ liệu về sinh viên tốt nghiệp các trường đại học tự chủ vào năm 2023. Tuy nhiên, dữ liệu từ một nghiên cứu tương tự vào năm 2022 cho thấy, sinh viên tốt nghiệp đại học có mức lương gộp trung bình hàng tháng là 4.200 SGD - cao hơn 62% so với sinh viên bách khoa.

Các cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2010 cho thấy, sinh viên Singapore tốt nghiệp đại học có mức lương trung bình hằng tháng là 2.900 SGD, cao hơn 45% so với mức lương hằng tháng của sinh viên tốt nghiệp bách khoa sau Dịch vụ Quốc gia (NS) là 2.000 SGD.

Ông Chan cho biết, khoảng cách lương ngày càng lớn là do một số yếu tố, chẳng hạn như cung và cầu nhân lực tương đối, cũng như sự khác biệt về năng suất giữa các công việc và lĩnh vực mà nhóm sinh viên tốt nghiệp tham gia.

“Mặc dù, một số khác biệt có thể hiểu được, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải đảm bảo những khác biệt này không tăng lên đáng kể trong suốt cuộc đời của mỗi cá nhân. Người Singapore phải cảm thấy rằng, có nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp của mình bất kể sự khác biệt về điểm xuất phát”, ông Chan nói.

Sinh viên Trường Bách khoa Temasek.

Sinh viên Trường Bách khoa Temasek.

Sự trỗi dậy của ngành bách khoa

Tiến sĩ Betsy Ng - nhà khoa học nghiên cứu giáo dục tại Trung tâm Nghiên cứu Sư phạm và Thực hành thuộc Viện Giáo dục Quốc gia cho biết các trường bách khoa có nguồn gốc là cơ sở dạy nghề, nhằm thiết lập nền tảng vững chắc cho nhân viên tại nơi làm việc.

Cơ sở dạy nghề đầu tiên của Singapore, SP, được thành lập vào năm 1954 để đào tạo ra những kỹ thuật viên lành nghề, nhằm hỗ trợ đất nước tiến tới công nghiệp hóa sau Thế chiến II.

Chín năm sau, Ngee Ann College - nay gọi là NP - được thành lập bởi Ngee Ann Kongsi, trước khi được đổi tên thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật Ngee Ann sau khi được chính phủ tiếp quản.

Khi nhiều khoản đầu tư nước ngoài đổ vào Singapore, nhu cầu về kỹ thuật viên lành nghề ngày càng tăng. Qua đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia muốn thành lập chi nhánh tại đây.

Do đó, SP và NP đã được mở rộng để thu hút nhiều sinh viên hơn. Mặc dù vậy, các trường bách khoa vẫn phải đối mặt với một trở ngại. Đó là học sinh trung học không đăng ký theo học.

Tiến sĩ N Varaprasad, đối tác và cố vấn chính của Tập đoàn Tư vấn Giáo dục Singapore, nhớ lại rằng SP đã gặp khó khăn vì có thiên hướng kỹ thuật. Song, điều giúp thu hút nhiều sinh viên đến với các trường bách khoa là chương trình tiếp cận cộng đồng của SP.

Bên cạnh đó, việc tái định vị sinh viên tốt nghiệp thành nhà công nghệ, thay vì kỹ thuật viên, cũng giúp thay đổi tình thế. Với số lượng người nộp đơn theo học ngày càng tăng, chính phủ quyết định thành lập trường bách khoa thứ ba của Singapore, TP, vào năm 1990.

Matthew Neo (19 tuổi) trong phòng âm thanh ở trường học.

Matthew Neo (19 tuổi) trong phòng âm thanh ở trường học.

Tiến sĩ Varaprasad sau đó trở thành hiệu trưởng sáng lập và giám đốc điều hành. “Sự hiện diện của trường bách khoa thứ ba đã tạo nên bối cảnh cạnh tranh hơn trong giáo dục bách khoa”, ông nhận định. Sau đó, các trường bách khoa khác lần lượt được thành lập là NYP vào năm 1992 và RP vào năm 2002.

Ông Russell Chan - Hiệu trưởng và Giám đốc điều hành của NYP, nói rằng bước nhảy vọt của trường bách khoa là sự tham gia ngày càng nhiều của các công ty.

“Từ việc chỉ tư vấn và đánh giá chương trình giảng dạy của chúng tôi, đến nay, họ đóng vai trò tích cực trong việc hình thành các kỹ năng mà sinh viên học. Trong một số trường hợp, các công ty còn đồng giảng dạy, đồng chứng nhận và đồng phát triển giải pháp cho ứng dụng kinh doanh”, ông Chan cho biết.

Một trong những thay đổi lớn nhất mà Des Sim (56 tuổi) đã thấy ở các trường bách khoa là cấu trúc mô-đun của họ.

Ông Sim - người đã tốt nghiệp ngành cơ điện tử tại NP năm 1990 và hiện là Giám đốc dự án chế tạo, cho biết: “Khi tôi còn là sinh viên, có 9 môn học trong suốt một năm. Song, con trai tôi có nhiều quyền tự do hơn trong việc lựa chọn môn học mà nó muốn. Sinh viên hiện nay cũng có các môn học khác nhau trong mỗi học kỳ thay vì một lịch trình cố định”.

Theo ông Sim, trong quá khứ, sinh viên thường dành ngày nghỉ để tham gia các buổi hội thảo và bài học thực tế để học cách sử dụng thiết bị chuyên dụng cao. Tuy nhiên, hiện nay, những bài học này là một phần của chương trình giảng dạy trong suốt học kỳ và cơ sở vật chất “hiện đại hơn rất nhiều”. Con trai ông tốt nghiệp NYP với bằng hiệu ứng hình ảnh kỹ thuật số.

Theo Bộ Giáo dục Singapore, trong vài năm qua, cứ ba sinh viên mới tốt nghiệp bách khoa thì có một người trúng tuyển vào các trường đại học tự chủ - cụ thể là NUS, NTU, Đại học Quản lý Singapore, Đại học Khoa học Xã hội Singapore, Viện Công nghệ Singapore, Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore. Một điểm thu hút lớn khác là các trường bách khoa trang bị cho sinh viên nhiều kỹ năng thực hành.

Anh Neo cho biết: “Khi so sánh việc học của mình với những người bạn đã chọn vào JC, tôi cảm thấy mình có nhiều thời gian hơn và những gì tôi học được thực tế hơn”.

Các chuyên gia nêu quan điểm, khi ngành công nghiệp phát triển, người ta ngày càng thừa nhận tính hiệu quả của giáo dục bách khoa trong việc đào tạo ra những chuyên gia lành nghề. Có thể mất thời gian để những nhận thức này thay đổi hoàn toàn, nhưng xu hướng đang tiến tới việc công nhận các kỹ năng bất kể trình độ học vấn.

Theo CAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ