Singapore: Mặt trái ánh hào quang giáo dục

GD&TĐ - Hệ thống GD Singapore có danh tiếng tạo ra những học sinh đứng đầu các kì khảo sát trình độ học sinh quốc tế PISA (do OECD tổ chức 3 năm/lần). 

Singapore: Mặt trái ánh hào quang giáo dục

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng giá phải trả cho thành quả trên là quá đắt khi mà việc học quá nặng về kiến thức làm suy giảm kĩ năng xã hội, sức khỏe và đặc biệt là tước đi niềm hạnh phúc trẻ thơ.

Áp lực từ bố mẹ

Trẻ em tại quốc đảo sư tử chịu áp lực cao ngay từ cấp tiểu học do áp lực từ nhà trường và phụ huynh. Có những ý kiến tranh luận rằng điểm số hoàn hảo đang tạo ra những con người tư duy sáng tạo hay chỉ đơn thuần là những người học vẹt; cũng có mối lo ngại về thiếu phát triển kĩ năng hành vi và xã hội.

Năm 2015, có 27 vụ tự sát được ghi nhận ở lứa tuổi 10 đến 19 tại Singapore, gấp đôi so với năm trước đó và cao nhất trong hơn 1 thập kỉ. Tháng 5/2016, một cậu bé 11 tuổi gieo mình xuống đất từ tầng 17 của khu căn hộ - lí do là sợ đưa kết quả thi cho bố mẹ. Đây là lần đầu tiên cậu bé bị trượt một môn thi.

Howard Tan, từng là giáo viên tiểu học Singapore nay chuyển sang làm gia sư, cho biết đã gặp nhiều phụ huynh gây áp lực quá lớn lên con cái. Howard Tan đã gặp những phụ huynh bày tỏ thất vọng khi con họ đạt dưới 90% điểm số bài thi.

Tan hiện dạy thêm ngoại khoá cho trẻ 8 và 9 tuổi và giờ học kéo dài đến 9 giờ tối. “Tôi có một học sinh 8 tuổi tham gia nhiều lớp học thêm của nhiều giáo viên chỉ với một môn học. Tổng số buổi học thêm trong tuần lên tới 11. Vậy thì cô bé còn đâu thời gian cho việc khác?” - Tan kể.

Tan cho biết, hồi dạy môn giáo dục thể chất ở trường tiểu học, Tan nhận thấy một số trẻ thiếu kĩ năng vận động. “Ở mẫu giáo, trẻ cần học cách giao tiếp và giải quyết xung đột với những trẻ khác. Nhiều trẻ tôi dạy không biết xử lí thế nào với những bất đồng; chúng chỉ thét lên bởi không biết làm cách nào tốt hơn” - Tan cho biết.

Ám ảnh phân luồng

“Phân luồng”, theo đó học sinh được phân loại dựa vào kết quả học tập từ lớp 4 tiểu học, được coi là một trong những yếu tố tạo nhiều áp lực lên học sinh nhỏ tuổi Singapore.

Hệ thống phổ cập GD Singapore gồm 6 năm tiểu học, 4 năm THCS và 1 - 3 năm sau THCS. Học sinh trải qua 2 kì thi quan trọng trước khi tốt nghiệp tiểu học.

Vào cuối năm thứ 4 tiểu học, học sinh bắt đầu dự kỳ thi định hướng năng lực bằng các môn thi Tiếng Anh, Toán, tiếng mẹ đẻ và Khoa học. Sau khi hoàn tất 2 năm lớp 5 và 6, học sinh sẽ trải qua kì thi tốt nghiệp tiểu học. Đây là kì thi quyết định tới “phân luồng”. Có 4 “luồng” chính gồm: Special, Express, Normal Academic và Normal Technical. Trong đó Special đón khoảng 10% học sinh, đây là con đường “cao tốc” dẫn tới đại học; 50% sẽ vào Express, đường dẫn trực tiếp tới đại học; 20% vào Normal, mà dẫn tới trường cao đẳng nghề; số còn lại rơi vào Normal Technical - dẫn tới Viện Giáo dục Kỹ thuật (cơ sở đào tạo hệ sau phổ thông cơ sở).

Nhiều phụ huynh kỳ vọng cao hơn năng lực thực tế của con, tìm đến dịch vụ dạy thêm tư nhân để con có thể vào “luồng” cao hơn. Điều này tạo ra áp lực cho trẻ ngay từ những năm đầu tiểu học.

Mặt trái của hệ thống GD Singapore tương tự với Hồng Kông, Trung Quốc thể hiện ở mức độ cạnh tranh cao, đặt nặng cách học vẹt và kết quả thi, cùng với văn hoá học thêm ngoại khoá. Tại Hồng Kông, tỉ lệ tự sát ở học sinh cũng là mối lo ngại lớn. Một báo cáo của chính quyền Hồng Kông đầu năm nay đưa ra con số 17 học sinh đã tự tước đi mạng sống từ năm 2013 đến 2016.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.