Vì sao hệ thống giáo dục Singapore được ví như nồi áp suất?

GD&TĐ - Hệ thống giáo dục Singapore được xem là một trong số các hệ thống giáo dục hiệu quả nhất thế giới. Singapore đã đặt ra mục tiêu giúp học sinh đạt được kết quả học tập tốt để sau này có một sự nghiệp vững vàng. 

Giáo dục Singapore luôn được đánh giá cao trên thế giới.
Giáo dục Singapore luôn được đánh giá cao trên thế giới.

Tuy nhiên, hệ thống giáo dục nước này cũng nổi tiếng với tên gọi là “nồi áp suất” bởi sự căng thẳng mà học sinh phải trải qua trong quá trình học tập và phấn đấu của mình.

Trẻ em phải nỗ lực từ khi còn nhỏ

Cherlyn Lee mới 11 tuổi nhưng cô bé đã đạt được nhiều giải thưởng tại cuộc thi tính nhẩm, bao gồm một giải thưởng dành cho người tính cộng số có 10 chữ số nhanh nhất. Từ khi 5 tuổi, cô bé đã theo lớp học cộng nhẩm.

Hầu hết trẻ em ở tuổi Cherlyn Lee trên khắp thế giới còn đang mải mê chơi đùa và khám phá thế giới xung quanh. Thế nhưng ở Singapore, nơi được mệnh danh là có “hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới” (theo một nghiên cứu năm 2015 của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD), các bậc phụ huynh luôn cố gắng hết sức để con mình có một khởi đầu tốt đẹp và điều này có nghĩa là các bé phải nỗ lực học tập từ khi còn nhỏ.

Người ta thường thấy các bậc phụ huynh tổ chức những hoạt động học tập cho con bất kỳ khi nào có thể. Để giúp con giải trí, có thể họ sẽ chọn những cuốn sách thay vì cho con ra ngoài chơi.

Tại các nước Đông Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Hong Kong, xu hướng trên cũng đang diễn ra, việc học thuộc lòng và các bài kiểm tra thường xuyên được dùng để đánh giá học sinh.

Anh Brandon, cha của Cherlyn nói rằng mục đích cho con gái học tính nhẩm ở tuổi này là vì “đây là giai đoạn não phát triển nhanh và mạnh mẽ nhất. Thông qua rèn luyện như vậy não sẽ hoạt động tốt hơn và kết quả học tập sẽ được cải thiện vì trí nhớ và sự tập trung được tăng cường”.

Những bậc phụ huynh như anh Lee cũng đã góp phần vào thành quả giáo dục đáng ngưỡng mộ của Singapore năm này qua năm khác.

Tập trung cao cho giáo dục

Chỉ trong thời gian 50 năm, từ một nước thuộc địa của Anh với thị trường lao động tay nghề thấp, chi phí thấp, hiện tại Singapore tự hào có lực lượng lao động tay nghề cao, hơn một nửa trong số đó là sinh viên tốt nghiệp đại học. Tỷ lệ người biết chữ cũng tăng vọt và học sinh Singapore nằm trong số những học sinh ghi điểm cao nhất thế giới khi tham dự các kỳ thi quốc tế.

Giám đốc Giáo dục Andreas Schleicher của OECD đã nói rằng học sinh của Singapore có nền tảng tốt ở môn Toán và Khoa học. Điều này đóng góp lớn cho thành công của Singapore.

Thực tế, sự tập trung cho giáo dục được thể hiện rất rõ trên đường phố Singapore. Những biển quảng cáo về các lớp dạy kèm, học thêm mời gọi phụ huynh cho con đến học. Tờ báo The Strait Times ở đây cho biết hơn 70% phụ huynh đã đăng ký cho con học thêm để giúp chúng giỏi tiếng Anh và giỏi Toán. Với mức phí học thêm trung bình mỗi tháng từ 150-250 đô la, dạy thêm là một hoạt động thu nhiều lợi nhuận ở quốc đảo này.

Tại các cửa hàng sách, hơn một nửa không gian đều dành cho các loại sách hướng dẫn, đánh giá, các câu hỏi thực hành dựa trên chương trình học của nhà trường từ mầm non đến lớp 12.

Tuy nhiên, đã xuất hiện những lo lắng rằng hệ thống giáo dục Singapore quá tập trung vào điểm số và đang lấy đi niềm vui học tập của học sinh.

Khi hãng tin ABC của Australia nói chuyện với 2 thiếu niên từ Singapore, từ “stress” luôn được các em sử dụng. Nicholas Tan, 16 tuổi, mới hoàn thành kỳ thi trung học và hy vọng sẽ trở thành một phi công. Cậu cho biết không quá lo lắng về các bài kiểm tra thường xuyên trên lớp, nhưng trước kỳ thi gần đây cậu chỉ được ngủ 3 tiếng mỗi ngày và bị sốt cao ngay trước ngày thi.

Hầu hết học sinh ở trường công Singapore đều có 2 kỳ thi quan trọng mỗi năm và mỗi tháng đều có bài kiểm tra để theo dõi sự tiến bộ ở trường.

Một học sinh 16 tuổi khác là Tee Shao Cong cho rằng hệ thống giáo dục Singapore quá căng thẳng đến nỗi “giấc mơ của một người có thể bị vỡ vụn ngay trong khoảnh khắc nếu thi trượt”

Hướng tới một kỳ hệ thống giáo dục cân bằng hơn

Trong những năm gần đây, chính phủ Singapore đã có những biện pháp nhằm giảm bớt mức độ stress mà học sinh gặp phải. Năm 2012, nước này đã không công bố danh sách những học sinh ghi điểm cao nhất trong các kỳ thi quốc gia. Bên cạnh đó là những thay đổi để các kỳ thi không còn quá quan trọng.

Một giáo viên dạy tiếng Anh ở trường trung học nói với hãng tin ABC rằng việc giáo dục ở đây không còn mang nặng tính học thuật nữa: “Ví dụ, nhà trường tạo điều kiện để học sinh có các hoạt động ngoài trời, đây là những trải nghiệm rất quan trọng và trường học ở đây không phụ thuộc quá nhiều vào học lý thuyết nữa”.

Mặc dù Singapore thành công ở mặt học thuật nhưng ông Schleicher cho rằng đất nước này có thể làm được tốt hơn bằng cách cân bằng thành tích này với các yếu tố quan trọng khác như sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. “Áp lực (của một hệ thống giáo dục) là không cần thiết. Bạn có thể vừa đạt được trình độ vừa có được hạnh phúc” – ông Schleicher nói và cho biết thêm rằng hệ thống giáo dục Singapore đang phát triển đúng hướng thông qua những thay đổi của mình, tuy nhiên, nước này cần chú ý hơn tới “tính tò mò, sự sáng tạo, tinh thần lãnh đạo” của học sinh.

Chi tiêu cho giáo dục Singapore chiếm khoảng 20% ngân sách quốc gia hàng năm. Bộ Giáo dục Singapore quản lý việc phát triển và vận hành các trường công đang nhận tài chính của chính phủ. Bộ này cũng đóng vai trò tư vấn, giám sát các trường tư. Trường công và trường tư ở Singapore có sự khác nhau về quyền tự trị đối với chương trình học, sự hỗ trợ từ chính phủ, mức học phí của học sinh và chính sách tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.